Chủ trì Hội nghị, Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch VASA, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Hội thảo nhằm làm rõ sự cần thiết liên thông, thống nhất cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh, trao đổi, thảo luận những vấn đề hạn chế, vướng mắc trong chế độ công vụ đang thực hiện, tìm ra kiến giải hợp lý nhất phù hợp với chủ trương của Đảng, Hiến pháp và yêu cầu thực tiễn hiện nay. Qua đó để xây dựng nền công vụ thống nhất từ trung ương, đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Còn tình trạng phiền hà
Theo quy định hiện hành, để được bầu cử hoặc tuyển dụng vào cán bộ, công chức cấp xã, mọi công dân đều phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện về hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ,... và phải qua bầu cử (đối với cán bộ cấp xã) hoặc qua kỳ tuyển dụng (đối với công chức cấp xã). Cơ chế bầu cử và thi tuyển được thực hiện tương tự như đối với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên. Nhưng trong quá trình công tác, nếu các cơ quan từ cấp huyện trở lên muốn điều động, tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã thì những người này phải có đủ một số tiêu chuẩn, điều kiện và phải qua Hội đồng kiểm tra, sát hạch mà thực chất như một kỳ thi nữa... Kể cả trường hợp công chức đang làm ở cấp huyện trở lên được luân chuyển, điều động về xã, phường, thị trấn, khi quay trở lại các cơ quan, tổ chức của đơn vị hành chính cấp huyện trở lên cũng phải kiểm tra, sát hạch.
Mọi hoạt động của cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện trở lên đều nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân - đều là các hoạt động công vụ, nhưng cán bộ, công chức cấp xã không được bổ nhiệm và giao giữ một ngạch công chức; chỉ được xếp lương theo ngạch ứng với trình độ đào tạo... Những mâu thuẫn này dẫn đến nhiều băn khoăn trong đội ngũ cán bộ, công chức làm việc ở xã, phường, thị trấn, suy giảm động lực làm việc, chưa tạo nên một nền công vụ thống nhất từ Trung ương đến cấp xã.
“Thực tế hiện nay, cán bộ, công chức làm việc ở xã, phường, thị trấn cơ bản vẫn bị phân biệt với cán bộ, công chức ở cấp huyện trở lên, trong khi chức trách, nhiệm vụ dù làm việc ở cơ quan nhà nước nào cũng có tính chất, đặc điểm tương đồng và cũng là thực hiện công vụ, phục vụ nhân dân”, Tiến sỹ Trần Anh Tuấn nói.
Ông Trần Anh Tuấn cũng chỉ ra một thực tế là, khi đến giải quyết công việc ở xã, phường, thị trấn, mặc dù đã cải cách hành chính rất nhiều, nhưng thời gian thực hiện, kỹ năng giao tiếp và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn vẫn còn hạn chế. Đi khảo sát ở một số địa phương, dư luận cho rằng vẫn còn tình trạng phiền hà và làm mất thời gian của người dân diễn ra ở một số chính quyền cấp xã.
“Chúng ta thử ra xã, phường, thị trấn nào đó, đừng nói mình là ai, làm ở đâu, có quen biết ai không, để đề nghị giải quyết một công việc thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp xã thì sẽ biết ngay cần làm gì với đội ngũ công chức ở đó”, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ thẳng thắn.
“Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, chúng ta yêu cầu cán bộ, công chức cấp xã phải liêm chính, trách nhiệm, tận tụy phục vụ người dân, nhưng cần xét lại ở góc độ Nhà nước cũng phải có trách nhiệm đối với cán bộ, công chức cấp xã. Phải đánh giá đúng địa vị pháp lý, vai trò và có chính sách phù hợp, công bằng đối với cán bộ, công chức làm việc ở xã, phường, thị trấn”, ông Trần Anh Tuấn đặt vấn đề.
Theo ông, kể từ khi Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức được ban hành vào năm 2003, đến Luật Cán bộ, công chức 2008, sau 20 năm, chất lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đã được chuẩn hóa, hơn 90% có trình độ đại học. Khi Nhà nước đặt ra yêu cầu cao đối với họ thì cũng phải đánh giá cho đúng và có chế độ đãi ngộ phù hợp, nhất là về tiền lương.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Hữu Thành nêu, thực tế, có những giai đoạn, đặc biệt sau năm 1945, chúng ta gần như không để ý đến tiêu chuẩn của cán bộ, công chức cấp xã, thậm chí chưa có trình độ văn hóa, chỉ cần biết đọc, biết viết cũng được xếp vào trong đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Quy định của nhà nước ở mỗi giai đoạn cũng khác nhau. Khi Pháp lệnh Cán bộ, công chức được ban hành năm 1998, sau đó là Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã dần dần hình thành và phát triển, từng bước được chuẩn hóa. Chế độ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, chế độ tiền lương, khen thưởng, kỷ luật, các quy định về cán bộ, công chức cấp xã được nâng cấp, tiệm cận dần với đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện trở lên.
Khi xây dựng Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Bộ Nội vụ đã tính đến việc liên thông. Tuy nhiên, qua quá trình xây dựng, đối chiếu các quy định, tổng kết, thống kê, đánh giá cho thấy, vấn đề năng lực, điều kiện thực tiễn của cán bộ, công chức cấp xã chưa thể tương đồng với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên.
Tuy vậy, một số quy định của Nghị định đã một bước tiếp cận việc này, cụ thể, những vấn đề thực tiễn cán bộ, công chức cấp xã đã đáp ứng được thì quy định liên thông. Ví dụ, quy định về tuyển dụng công chức cấp xã, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng được áp dụng như đối với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên.
Tiêu chuẩn, trình độ của cán bộ, công chức cấp xã từ sơ cấp, trung cấp đã nâng lên đại học, để bảo đảm chuẩn hóa về trình độ và phù hợp với tiêu chuẩn đối với ngạch bậc của cán bộ, công chức cấp huyện. Hiện nay trên 80% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học.
Theo ông Thành, vướng nhất hiện nay của việc liên thông là trình độ của đội ngũ cán bộ đoàn thể của cấp xã. Trong cán bộ đoàn thể cấp xã có cả những người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, đối tượng nhiều nhất là cựu chiến binh, mà để đáp ứng các điều kiện đặt ra cũng rất khó khăn.
“Chúng tôi rất trăn trở, làm thế nào để nâng chuẩn được trình độ, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ đoàn thể của cấp xã”, ông Thành băn khoăn.
Ông Nguyễn Hữu Thành cho biết, đối với cán bộ đoàn thể có hai loại, cán bộ và người hoạt động không chuyên trách. Tức là trưởng các đoàn thể là cán bộ, nhưng phó là người hoạt động không chuyên trách. Về thể chế, quy định giữa hai đối tượng này là khác nhau nên khi liên thông cũng là vấn đề đặt ra cần thảo luận có ý kiến của các nhà khoa học, các nhà thực tiễn ở địa phương.
Vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, cán bộ đoàn thể khi chuyển sang công chức phải có đào tạo nghề nghiệp mới điều động, tiếp nhận được. Còn nếu không thì không tiếp nhận, điều động được. Liên thông nhưng phải có chuyên môn nghiệp vụ.
Liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện
Bày tỏ ủng hộ việc liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện để tạo nên một chế độ công vụ thống nhất, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh nhận định: “Chúng ta vẫn lúng túng, chạy theo giải quyết vấn đề trước mắt, chưa giải quyết căn cơ”. Vị trí vai trò của công chức cấp xã là phải gần dân, sát dân, xử lý công việc của dân, không nhất thiết vị trí nào cũng cần trình độ đại học. Thực tế có những vị trí nhân viên, phục vụ chỉ cần trình độ trung cấp, cao đẳng, ông Minh cho hay.
Theo ông, điều quan trọng là bố trí đúng người đúng việc. Từng vị trí cần có những yêu cầu cụ thể. Việc bố trí sử dụng phải phù hợp, có điều động, luân chuyển, có thể từ xã này sang xã kia, huyện này sang huyện kia.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã cơ bản tán thành và đóng góp nhiều ý kiến về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên thông, thống nhất cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức cấp huyện, cấp tỉnh.
Kết thúc Hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam Trần Anh Tuấn đặt ra hàng loạt vấn đề như hiện trong cán bộ, công chức cấp xã chỉ có công chức tư pháp - hộ tịch là trình độ trung cấp (do Luật Hộ tịch quy định công chức tư pháp - hộ tịch chỉ ở trình độ trung cấp), vậy sẽ liên thông, đảm bảo chất lượng thế nào? Tới đây sửa Luật Cán bộ, công chức có thực hiện một luật sửa nhiều luật không. Hay việc Bộ Công an thực hiện đưa công an chính quy về xã thì chức danh Trưởng công an xã theo Luật Cán bộ, công chức có còn là công chức không?
Vị Chủ tịch này cho rằng, trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự “đã đến lúc đưa ra khỏi chức danh công chức cấp xã nhằm đảo bảo tính thống nhất trong lực lượng vũ trang”.
Đối với ý kiến đề nghị thực hiện cơ chế công chức liên thông, thống nhất phải theo lộ trình, ông Trần Anh Tuấn nêu quan điểm “lộ trình là kéo dài thời gian, gây ra chậm chạp, theo tôi là thay cũ đổi mới”. Ông cũng cho rằng, cần tham mưu sửa đổi các quy định về cán bộ, công chức theo hướng không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh, nâng cao vị thế của cán bộ, công chức.