Theo Quyết định, việc phê duyệt Đề án nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với công tác dân số và phát triển. Nhà nước chăm lo, nâng cao khả năng tiếp cận và cung cấp dịch vụ về công tác dân số và phát triển cho mọi tầng lớp nhân dân. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân số và phát triển; xây dựng mạng lưới, cơ chế phối hợp liên ngành phù hợp với trọng tâm công tác dân số và phát triển, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Mục tiêu của Đề án: giai đoạn 2021-2025, giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp, củng cố kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; giai đoạn 2026-2030, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương, triển khai và đánh giá kết quả việc triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;…
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cư trú, về cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ về dân số và phát triển; Nghiên cứu đánh giá tác động về dân số đối với phát triển kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh,…
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước bố trí theo quy định của pháp luật.
Bộ Y tế được giao chủ trì thực hiện đề án, hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện đề án; kiểm tra, đánh giá và tổng hợp tình hình thực hiện đề án định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.