Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với phát triển đô thị

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội bà Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu việc xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Ngày 12/7, phát biểu tại hội nghị giao ban quý II về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 do Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu, việc xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, gắn kết với phát triển du lịch, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị. 

Chú thích ảnh
Bà Ngô Thị Thanh Hằng Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo các ban, ngành cũng như cấp uỷ, chính quyền, các địa phương tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu, sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao... Trong xây dựng nông thôn mới, thành phố tăng cường tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức để tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong nhân dân. 

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ xuân và đang tập trung triển khai sản xuất vụ Mùa. 

Về kết quả xây dựng nông thôn mới, thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) và 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung (huyện Đan Phượng) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hiện nay, thành phố đang chỉ đạo hai huyện Gia Lâm, Quốc Oai hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Đồng thời, chỉ đạo huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019; chỉ đạo các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí.

Từ năm 2016 đến hết quý II/2019, Hà Nội đã huy động tổng kinh phí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là hơn 41.986,6 tỷ đồng.

Mặc dù, trong xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả xong tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung xã và lập quy hoạch chi tiết trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn của các xã theo Thông tư số 02/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn còn rất chậm, chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu đề ra.

Việc quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn còn hạn chế. Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, thiếu ổn định, kinh tế còn khó khăn. Một số huyện tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tương đối cao như: Ba Vì (3,18%); Mỹ Đức (2,84%); Chương Mỹ (2,48%), các huyện: Phú Xuyên, Ứng Hoà, Phúc Thọ (2,4%);..

Nam Giang (TTXVN)
 Phú Quốc tăng cường phát triển hạ tầng nông thôn trên đảo
Phú Quốc tăng cường phát triển hạ tầng nông thôn trên đảo

Từ nay đến năm 2020, huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, lưới điện, giao thông nông thôn phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và du lịch đảo ngọc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN