Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, Đông Anh là huyện đóng vai trò rất quan trọng ở cửa ngõ phía Bắc thành phố; tới đây, trong chiến lược phát triển Thủ đô có nhiều dự án lớn, tầm cỡ được xây dựng tại đây. Thành phố xác định mục tiêu phát triển Đông Anh trở thành quận vào năm 2020, là trung tâm của đô thị thông minh.
Với lợi thế địa bàn rộng, Đông Anh có nhiều tiềm năng phát triển thành một đô thị hiện đại. Vì vậy, huyện cần triển khai đồng bộ các biện pháp để sớm xây dựng Đông Anh trở thành quận; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1/500 theo hướng là quận trung tâm của đô thị thông minh với các khu công viên phần mềm, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm cao cấp, trung tâm y tế…
Đặc biệt, huyện Đông Anh cần sớm xây dựng đề án xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn, xử lý nước thải ở tất cả các làng, xã, trồng cây xanh tạo cảnh quan và cải tạo chất lượng không khí, phấn đấu thu gom vận chuyển rác thải trong ngày đạt tỷ lệ 100%, phát triển mạng lưới chiếu sáng nông thôn bằng hệ thống đèn led tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, huyện cần đẩy mạnh công tác cấp nước sạch nông thôn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư lắp đặt đường ống dẫn nước từ Nhà máy nước mặt sông Đuống phục vụ nhân dân. Với những tuyến ống cũ, cần tiến hành kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng đảm bảo đạt tiêu chuẩn, hợp vệ sinh. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự quan tâm sát sao, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các xã, thôn.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu huyện Đông Anh đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo các trường học, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện lên 85% vào năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Đồng thời, để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, huyện cần nhanh chóng hoàn thành xây dựng các thiết chế văn hóa, quản lý chặt các di tích, không để phát sinh vi phạm trật tự đất đai; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng các dự án trọng điểm của thành phố.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Trung Kiên - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, 9 tháng đầu năm 2018, UBND huyện đã chủ động điều hành thực hiện đồng bộ các giải pháp, đạt được nhiều kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện ước tăng 10,3%; trong đó, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng, giá trị công nghiệp - xây dựng cơ bản đạt hơn 16.000 tỷ đồng, giá trị thương mại - dịch vụ đạt gần 40.000 tỷ đồng...
Huyện cũng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt xây dựng nông thôn mới, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí theo tiêu chuẩn mới. Lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền, thanh tra, tư pháp, quy chế dân chủ được thực hiện nghiêm túc…
Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn huyện Đông Anh vẫn xảy ra một số vụ việc gây bức xúc như tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực Lò Vôi, Bãi Than, Nhà máy bê tông Cổ Loa, ô nhiễm từ các cơ sở tái chế sắt thép tại xã Dục Tú, kênh Hà Bắc…
Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư được tập trung chỉ đạo quyết liệt song vẫn xảy ra các vụ tụ tập đông người, khiếu nại phức tạp, kéo dài. Trong 9 tháng của năm 2018, UBND huyện Đông Anh đã tiếp 801 lượt công dân với 1.314 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh; tổng số đơn nhận được là 779 đơn. Huyện đã giải quyết theo thẩm quyền được 48/56 đơn khiếu nại, 1/6 đơn tố cáo, các đơn còn lại đang trong quá trình giải quyết…