Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới của Đại học Việt Đức. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN
|
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Đại học Việt-Đức sẽ là một trong những ví dụ thể hiện quyết tâm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế. Việt Nam và Đức sẽ nỗ lực xây dựng Đại học Việt - Đức trở thành mô hình đại học mới, xứng đáng là ngọn hải đăng trong quan hệ đối tác chiến lược Việt – Đức.
Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân cũng vui mừng nhận thấy: Thời gian qua trường Đại học Việt – Đức tiếp tục phát triển toàn diện, bước đầu hình thành nền tảng cơ bản của một trường đại học theo định hướng nghiên cứu. Trường đã xây dựng thành công 17 phòng thí nghiệm hiện đại cho 11 chương trình đào tạo: phòng thí nghiệm robot, phòng thí nghiệm tự động hóa, phòng thí nghiệm mô phỏng tốc độ tính toán cao cho ngành tính toán kỹ thuật và mô phỏng trên máy tính, phòng thí nghiệm máy gia công và chế tạo khuôn mẫu, phòng thí nghiệm công nghệ lắp ráp, phòng thí nghiệm nghiên cứu quản lý giao thông của Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải, phòng thí nghiệm thời gian thực.
"Chúng ta sẽ nỗ lực hết sức cùng xây dựng trường Đại học Việt-Đức trở thành mô hình đại học mới, có vai trò thúc đẩy hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đổi mới cơ bản, toàn diện và hội nhập quốc tế; góp phần nâng vị thế giáo dục đại học Việt Nam xứng tầm với khu vực và quốc tế" – Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng lãnh đạo và các cán bộ nhân, viên nhà trường, những người đã tham gia xây dựng dự án để phát triển Đại học Việt-Đức theo hướng kết hợp hài hòa những giá trị tốt đẹp nhất trong truyền thống của Việt Nam và Đức, là cầu nối hữu nghị giữa hai nền văn hóa.
Đại biện lâm thời Cộng hòa Liên bang Đức Hans-Joerg Brunner cho rằng với dự án trường Đại học Việt – Đức, Việt Nam không chỉ có thêm một dự án tiêu biểu cho mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa hai nước mà Việt Nam có thêm một trường đại học xuất sắc kiểu mẫu.
Với sự hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy từ phía Đức, trường được xem là một dự án mang tính chất cải cách đối với hệ thống giáo dục ở Việt Nam. Cơ sở mới của trường đang được xây dựng, sau khi hoàn thiện sẽ tạo điều kiện triển khai các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy với quy mô xứng tầm thế giới.
Ngày 20/6/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 145/2006/QĐ-TTg về chủ trương và những định hướng lớn xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế với mục tiêu: "xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam đạt trình độ đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của nước ta, có khả năng cạnh tranh quốc tế; tạo mô hình trường đại học mới có tác dụng thúc đẩy, tạo động lực, làm bài học kinh nghiệm cho đổi mới hệ thống giáo dục đại học nước nhà".
Từ chủ trương lớn với tầm nhìn xa của Thủ tướng, Đại học Việt - Đức đã ra đời với sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ hai nước Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức. Sau 7 năm thành lập, đến nay, trường Đại học Việt -Đức đã, đang đào tạo trên 1.400 sinh viên, học viên với 4 chương trình bậc cử nhân và 7 chương trình bậc thạc sỹ.
215 sinh viên và học viên cao học đã tốt nghiệp, đa phần các em đều tiếp tục học bậc cao hơn hoặc học tại Cộng hòa Liên bang Đức. Trên 94% học viên cao học tốt nghiệp tìm được việc làm đúng với chuyên môn được đào tạo hoặc học lên bậc Tiến sỹ.
Trường Đại học Việt Đức xây dựng và phát triển thành một đại học nghiên cứu theo mô hình đào tạo, quản trị của các đại học Đức với sự thống nhất giữa giảng dạy, nghiên cứu, cơ cấu đào tạo, bằng cấp theo các chuẩn mực châu Âu. Theo đó, nhà trường đưa ra các yêu cầu cao về điều kiện tuyển sinh cho tất cả các bậc học, công tác giảng dạy định hướng theo nghiên cứu.
Trường đã tạo và giữ mối quan hệ giữa nhà trường - doanh nghiệp, thông qua đó nhiều sinh viên của trường được nhận học bổng, được tiếp nhận thực hành, tiếp cận việc làm sau khi tốt nghiệp ngay tại các doanh nghiệp. Chương trình được giảng dạy tại trường bằng tiếng Anh, trong quá trình học tập sinh viên được học song song cùng với tiếng Đức. Sinh viên tốt nghiệp nhận bằng của Cộng hòa Liên bang Đức và bằng của Trường Đại học Việt - Đức, mở ra nhiều cơ hội việc làm, tiếp tục đào tạo, nghiên cứu lên bậc cao hơn.
Trường Đại học Việt Đức nhận được sự hỗ trợ từ Hiệp hội hơn 30 trường đại học của Đức trên toàn Liên bang thông qua việc cung cấp các chương trình đào tạo và giáo sư giảng dạy tại trường. Để thu hút sinh viên, Đại học Việt - Đức có nhiều cơ chế khuyến khích sinh viên tài năng, sinh viên nghèo với nhiều học bổng do nhiều cơ quan, tổ chức, ngân hàng tài trợ. 40% sinh viên năm cuối có thành tích học tập xuất sắc được Cơ quan trao đổi hàm lâm Cộng hòa Liên bang Đức cấp học bổng để thực tập và làm luận văn tốt nghiệp tại các trường đại học của Đức từ 6 tháng đến 1 năm.
Giai đoạn 2015-2021, Đại học Việt Đức sẽ triển khai đào tạo 6 khối ngành: Điện tử viễn thông, Cơ khí, Xây dựng - Kiến trúc, Kỹ thuật môi trường và chế biến, Kinh tế và Quản lý và Khoa học máy tính với mục tiêu tuyển sinh đạt 5.000 sinh viên, trong đó khoảng 4.000 sinh viên đại học và 1.000 sinh viên cao học. Sau 2021, nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng ngành nghề đào tạo sang các lĩnh vực khoa học tư nhiên và khoa học xã hội, thiết thực với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam; quy mô đào tạo dự kiến đạt 12.000 sinh viên sau năm 2030.