Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã nghe 5 tham luận về: Vai trò của các cơ sở Phật giáo Việt Nam tại Viêng Chăn nói riêng và CHDCND Lào nói chung trong việc huy động bà con tham gia các hoạt động xã hội và từ thiện; thúc đẩy hoạt động hướng về nguồn thông qua các hoạt động văn hóa - xã hội, bao gồm các hoạt động văn hóa tâm linh của cộng đồng; đẩy mạnh các hoạt động phong trào cộng đồng nói chung và hoạt động xã hội, nhân đạo nói riêng, tạo tiền đề cho sự phối hợp, gắn kết giữa cộng đồng, Phật giáo và dân tộc…
Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa tâm linh, không chỉ hoạt động Phật giáo, để góp phần xây dựng đoàn kết, phát triển cộng đồng người Việt Nam tại Lào vững mạnh, cùng hướng về quê hương, đất nước và cùng tham gia đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước Lào.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phạm Kiên/PV TTXVN tại Lào |
Theo số liệu thống kê không đầy đủ, tại Lào hiện đang có khoảng gần 100.000 người Việt đang làm việc, học tập và sinh sống, trong đó đa phần đều hướng về Phật giáo, xem các ngôi chùa Việt tại Lào là ngôi nhà chung, vừa là nơi thực hành tín ngưỡng, vừa là nơi để gặp gỡ, chia sẻ tình cảm đồng hương, đồng bào với nhau. Bởi vậy, việc kết hợp tốt sinh hoạt văn hóa tâm linh với các hoạt động cộng đồng sẽ không chỉ giúp thúc đẩy công tác vận động, tập hợp, đoàn kết cộng đồng người Việt Nam tại Lào vững mạnh, mà còn giúp bà con giữ được bản sắc văn hóa và những phong tục truyền thống tốt đẹp của quê hương, đồng thời luôn hướng về quê hương tổ quốc.
Phật giáo Việt Nam du nhập vào Lào từ khoảng đầu thế kỷ XX nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của bà con người Việt tại Lào. Hiện tại, trên khắp cả nước Lào có 13 ngôi chùa Phật giáo của người Việt, trong đó riêng tại thủ đô Viêng Chăn có 3 chùa và 1 tịnh xá.