Ra đời cách đây vừa tròn 47 năm chỉ với năm thành viên, ASEAN đã trải qua một hành trình đặc biệt trước khi trở thành tổ chức gồm 10 quốc gia thành viên như ngày nay.Với triển vọng gia nhập của Timor Leste, quốc gia Đông Nam Á duy nhất còn lại, ASEAN sẽ trở thành một tổ chức khu vực có tổng dân số 609 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội gần 3.000 tỷ USD, trong đó quan hệ chính trị và tinh thần hữu nghị giữa các quốc gia thành viên là nhân tố quan trọng đảm bảo hòa bình và ổn định cho khu vực. Đồng thời, tình đoàn kết giữa các quốc gia thành viên chính là nền tảng cho những nỗ lực nhằm hiện thực hóa một Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, và có trách nhiệm về xã hội.
Toàn cảnh Hội nghị các Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) đã diễn ra tại Nay Pyi Taw, Myanmar ngày 8/8. Ảnh: THX/ TTXVN |
Thay đổi tích cựcNăm năm kể từ khi thông qua Lộ trình xây dựng Cộng đồng, ASEAN đã hoàn tất thực thi gần 80% các biện pháp đề ra trong Kế hoạch Tổng thể xây dựng ba trụ cột Cộng đồng. Kết quả đó đã làm chuyển biến về căn bản tình hình của từng trụ cột Cộng đồng. Tác động của tiến trình hội nhập và hợp tác của ASEAN đã và đang thể hiện rõ nét ở khu vực, trong đó ASEAN ngày càng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội; đồng thời, khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên dần thu hẹp, trong khi kết nối về hạ tầng, thể chế và giao lưu nhân dân được thúc đẩy mạnh mẽ.
Trên bình diện quốc tế, ASEAN ngày càng có tiếng nói thống nhất trong các vấn đề khu vực và toàn cầu cũng như đối với việc giải quyết các thách thức đang nổi lên.
Với những biện pháp còn lại chiếm khoảng 20% tổng thể các biện pháp đề ra trong các Kế hoạch Xây dựng Cộng đồng, ASEAN về căn bản đang đi đúng tiến độ tiến tới hoàn thành tiến trình xây dựng Cộng đồng vào cuối năm 2015.
Tác động tích cực của những thay đổi diễn ra trong ba trụ cột Cộng đồng đã giúp ASEAN củng cố vai trò là diễn đàn đối thoại và hợp tác nhằm tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực, đồng thời góp phần tiếp tục duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Bên cạnh đó, quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu.
Một trong những nhân tố thành công của ASEAN là khả năng điều chỉnh trước những thay đổi, thúc đẩy hội nhập khu vực. Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN,với trọng tâm là ổn định và gắn kết về chính trị, chia sẻ các trách nhiệm xã hội, xây dựng thể chế và hướng tới người dân, đã góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc thực hiện hiệu quả các biện pháp hội nhập kinh tế, nâng cao tính tự cường cho các nền kinh tế thành viên trước những bất ổn kinh tế toàn cầu, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm của khu vực ở mức trung bình trên 5% ngay cả vào những thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế thế giới do tác động của cuộc khủng hoảng 2008 và khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro.
Tầm nhìn sau 2015
Mặc dù đạt được tiến bộ đáng kể, ASEAN còn phải đối mặt với nhiều thách thức phải vượt qua nhằm đạt tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm, trong đó các giá trị về dân chủ, quản trị và pháp trị được coi trọng, phát triển kinh tế-xã hội được thúc đẩy nhằm tạo điều kiện cho hội nhập toàn diện cùng với tiến bộ hài hòa, cân bằng và bền vững trên cả ba trụ cột.
Vị thế của ASEAN trong vòng 20 năm tới sẽ phụ thuộc vào khả năng và cách thức Hiệp hội ứng phó với những thay đổi của tình hình thế giới cũng như bối cảnh quốc tế và khu vực. ASEAN sau 2015 cần tiếp tục tăng cường và củng cố Cộng đồng bằng cách tiếp tục hội nhập sâu hơn và toàn diện hơn. Để đạt được các mục tiêu trên, Cộng đồng Kinh tế ASEAN cần tiếp tục được củng cố. ASEAN cần phấn đấu trở thành trung tâm của mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực cũng như toàn cầu nhằm thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng và hội nhập kinh tế, tạo điều kiện cho ASEAN đạt đến trình độ phát triển cao hơn.
Xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa hợp, lấy người dân làm trung tâm là nhằm đảm bảo tăng trưởng trên diện rộng, theo đó mọi người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, được hưởng lợi từ phát triển kinh tế. Trong khi hòa bình và ổn định là điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng khu vực, Tầm nhìn ASEAN sau 2015 cũng cần định hướng và đề ra các biện pháp thiết thực nâng cao mức sống của hơn 600 triệu người dân ASEAN. Hội nhập kinh tế ASEAN thông qua Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ không có nhiều ý nghĩa đối với những công dân bình thường của ASEAN nếu như tiến trình hội nhập đó không mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ.
ASEAN đồng thời cần tiếp tục nỗ lực thu hẹp một cách hiệu quả hơn khoảng cách phát triển trong mỗi nước thành viên và giữa các nước thành viên; duy trì tốc độ giảm nghèo tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Để đạt được Tầm nhìn sau 2015 này, ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, cải thiện sức khỏe người dân, phát triển khoa học và tiến bộ kỹ thuật. Thúc đẩy phát triển bền vững cần tiếp tục được ưu tiên.Vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên cần được tiếp tục coi trọng.
Những chuyển biến không ngừng của tình hình khu vực và quốc tế đòi hỏi ASEAN phải điều chỉnh phương thức hội nhập hiện tại với trọng tâm là tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, tập trung hơn vào việc tăng cường điều phối chính sách, ứng phó với các vấn đề xuyên quốc gia, thống nhất và hài hòa hóa các quy định, tiêu chuẩn và thủ tục, nâng cao năng lực giám sát việc thực thi các thỏa thuận, cam kết, đảm bảo lợi ích thiết thực của quá trình hội nhập.
Sự thay đổi của đặc điểm dân số cũng sẽ có thể ảnh hưởng tới tiến trình hội nhập của ASEAN. Trong vòng 20 năm tới, tầng lớp trung lưu gia tăng và dân số trẻ hơn sẽ là động lực mạnh mẽ chi phối xu thế và đặc điểm tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trong ASEAN.
Tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN sẽ tương tác mạnh mẽ hơn với tiến trình hội nhập về văn hóa - xã hội, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến cơ hội việc làm, y tế, giáo dục, tiêu dùng và thúc đẩy quyền con người.
Sức mạnh và tính chất đa cực ngày càng gia tăng của thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa cũng đòi hỏi ASEAN mở rộng quan hệ với các đối tác khác, ngoài 10 đối tác đối thoại hiện có. ASEAN sẽ thiết lập mới hoặc tăng cường các thỏa thuận thương mại tự do cũng như các thỏa thuận hợp tác khác với các quốc gia này. Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong các thiết chế khu vực do ASEAN khởi xướng càng có ý nghĩa quan trọng hơn.
Đông Nam Á là một trong những khu vực năng động nhất ở Châu Á-Thái Bình Dương, với nhiều cơ hội cũng như thách thức. Trên hết, hòa bình và ổn định ở khu vực đã tạo điều kiện cho ASEAN đạt được những tiến bộ đáng kể và mang lại nhiều cơ hội cho Hiệp hội những năm tới. Việc ASEAN có nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức hay không sẽ tùy thuộc vào khả năng của Hiệp hội trong việc duy trì hòa bình và ổn định cần thiết cho các nỗ lực xây dựng Cộng đồng và hội nhập khu vực trong bối cảnh khu vực còn nhiều vấn đề phức tạp như tranh chấp ở Biển Đông.
Giải pháp cho vấn đề này không những phụ thuộc vào đoàn kết và việc tuân thủ Nguyên tắc 6 điểm củaASEAN mà còn đòi hỏi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với việc đảm bảo tôn trọng luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, đặt biệt các nguyên tắc không sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Ưu tiên đối với ASEAN sau 2015 vẫn tiếp tục là duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực nhằm phục vụ hội nhập kinh tế và xã hội ở mức độ cao hơn, với thể chế được củng cố vững chắc hơn. Thời gian tới, khi ASEAN tập trung nhiều hơn vào thực thi và giám sát, chúng ta sẽ chứng kiến một ASEAN hội nhập mạnh mẽ và hiệu quả hơn, một Cộng đồng ASEAN gắn kết chặt chẽ hơn với cộng đồng các quốc gia trên quy mô toàn cầu.
Lê Lương Minh (Tổng Thư ký ASEAN)