Bên lề buổi Tọa đàm “Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” do Ban Chỉ đạo nhà nước về Chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn (BM) sau chiến tranh (gọi tắt là Ban chỉ đạo 504) tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin Tức (TTXVN) về kế hoạch triển khai công tác khắc phục hậu quả BM trong thời gian tới.
Thưa Thứ trưởng, chương trình quốc gia khắc phục hậu quả BM có ý nghĩa như thế nào?
Đất nước chúng ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, từ kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, cho đến chiến tranh biên giới. Các cuộc chiến tranh đã gây ra nhiều khó khăn, tổn thất, mà nguy hiểm lớn nhất là hậu quả BM. Ngay sau khi các cuộc chiến tranh kết thúc, Đảng và Nhà nước đã tập trung mọi nguồn lực để giải quyết hậu quả này, cụ thể là rà phá bom mìn (RPBM) ở các khu dân cư, các khu đang phát triển. Một mặt đảm bảo an toàn cho người dân, mặt khác phục vụ cho quá trình phát triển. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của đất nước như hiện nay, nhất là với việc bảo vệ sinh mạng, sức khỏe của người dân thì nếu không tập trung cao độ, không có nhiều nguồn lực hỗ trợ cho công việc RPBM thì sẽ làm cản trở sự phát triển của xã hội, nguy hiểm luôn rình rập người dân.
Vì vậy, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước về khắc phục hậu quả sau chiến tranh nhằm tập trung chỉ đạo của Nhà nước vào tất cả các hoạt động về khắc phục hậu quả BM. Ban chỉ đạo 504 không chỉ quán xuyến công tác RPBM mà còn tham gia các Công ước về khắc phục hậu quả BM, hỗ trợ cho những người bị thương tật, khó khăn vì hậu quả BM hòa nhập cộng đồng để sản xuất, sinh hoạt... Ban Chỉ đạo 504 được thành lập để chỉ đạo tập trung toàn bộ các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh; tập trung các nguồn lực, trong đó nguồn lực của Chính phủ là chủ yếu và các nguồn lực khác của các nhà tài trợ, các tổ chức nhân đạo trong nước; các nhà tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Xin Thứ trưởng đánh giá đôi nét về thực trạng ô nhiễm BM hiện nay?
Tính từ khi kết thúc chiến tranh đến năm 2000, cả nước đã có khoảng 104.298 người chết và bị thương do BM. Nạn nhân chủ yếu là người lao động và trẻ em, nhiều người bị tàn tật suốt đời, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nông nghiệp, lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế nhưng chưa thể phát huy thế mạnh do diện tích đất đai phải bỏ hoang vì ô nhiễm BM chiếm 6,6% diện tích đất tự nhiên. |
Như tôi đã nói, chúng ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh và cuộc chiến tranh nào cũng để lại hậu quả của BM. Rõ ràng hậu quả của chiến tranh tại nước ta rất lớn. Có thể nói nước ta mới làm sạch được khoảng 20% diện tích đất mà chúng ta sử dụng trên toàn quốc, trong đó có những diện tích có di sản có khả năng chịu hậu quả BM. Thêm vào đó, những người bị thương tật, gặp khó khăn trong sinh hoạt cuộc sống và lao động bị ảnh hưởng của BM cũng rất lớn. Tại các khu vực các tỉnh miền Trung hay khu vực biên giới, rất nhiều người dân của chúng ta bị tàn tật do BM, có mức sống tối thiểu do Nhà nước hỗ trợ nhưng họ cũng đang rất cần hỗ trợ thêm để có cuộc sống tốt hơn.
Đây là một chương trình rất lớn, vậy để thực hiện thành công trong những năm tới, chúng ta cần có những bước đi như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Những bước đi và những giai đoạn thực hiện đã được nêu rõ trong báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Tôi chỉ nêu tóm tắt một số vấn đề như sau: Chúng ta phải xây dựng bộ máy cấp nhà nước để chỉ đạo toàn bộ chương trình này.
Với việc Thủ tướng Chính phủ trực tiếp dự buổi ra mắt của Ban Chỉ đạo 504 và tham dự buổi tọa đàm hôm nay, có thể nói bộ máy Ban Chỉ đạo 504 đã chính thức hình thành và đi vào hoạt động. Thứ hai, chúng ta xây dựng kế hoạch trình lên Chính phủ phê duyệt chương trình hành động từ nay đến năm 2015 và từ 2015 - 2025 để bắt tay vào thực hiện.
Trước hết, chúng ta thống nhất toàn bộ các số liệu về hậu quả BM trên toàn quốc. Thứ hai, xây dựng kế hoạch từng bước, từng địa phương, từng khu vực trọng điểm; những nơi nào cần thì làm trước, chưa cần thì làm sau. Thứ ba, chúng ta tận dụng các nguồn lực, trước hết là các nguồn lực của Nhà nước, sau đó là nguồn lực của các nhà tài trợ trong và ngoài nước. Và cuối cùng, chúng ta xây dựng các chương trình để nâng cao trình độ, năng lực của những người làm công tác khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh; ví dụ như các cơ quan, các đơn vị, những công ty trực tiếp RPBM, hay các công ty, tổ chức phi Chính phủ lo việc đảm bảo nâng cao đời sống của những người bị hậu quả do BM gây ra. Chúng ta phải chuyên môn hóa cơ quan này bằng quyết tâm của Chính phủ.
Vậy ý nghĩa của việc “Chung tay góp sức khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh” được đặt ra như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Ngoài trách nhiệm lớn của Đảng và Nhà nước, mỗi người dân cũng phải chung tay góp sức với những nạn nhân đang bị hậu quả của BM sót lại sau chiến tranh. Bên cạnh đó, chúng ta kêu gọi sự ủng hộ, hợp tác của cộng đồng quốc tế để làm sạch BM, vật nổ sót lại sau chiến tranh trên phạm vi toàn quốc. Trước hết là những nước có lịch sử quan hệ chiến tranh với chúng ta, sau đó là những nước có mối quan hệ với Việt Nam trên tinh thần hợp tác hữu nghị, giúp đỡ chúng ta một cách thịnh tình để Việt Nam có nguồn lực khắc phục hậu quả, RPBM, vật nổ sót lại sau chiến tranh.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nguyễn Viết Tôn (thực hiện)