Tình đoàn kết đặc biệt
Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được hình thành từ lịch sử của hai quốc gia - dân tộc và được nâng lên tầm cao mới khi Đảng Cộng sản Đông Dương - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Việt Nam - Lào là hai quốc gia láng giềng, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, có những điểm tương đồng và sự giao thoa về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị. Nhân dân hai nước, nhất là ở vùng biên giới, đã thường xuyên nương tựa vào nhau, cưu mang đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày, cũng như mỗi khi có thiên tai, địch họa. Hai nước luôn giữ mối quan hệ bang giao hòa hiếu, gắn bó mật thiết với nhau qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Đặc biệt, trong suốt 6 thập niên qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Suphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, đã trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có.
Ngược dòng thời gian, năm 1962 sau khi Hiệp định Geneva về Lào được ký kết, một thời kỳ phát triển mới cho cách mạng hai nước đã mở ra. Với thời cơ và điều kiện thuận lợi đó, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, là dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập của mỗi nước.
Sau năm 1975, quan hệ Việt Nam - Lào bước sang kỷ nguyên mới, cùng sánh bước bên nhau tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa sống còn của quan hệ hợp tác đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, Chính phủ hai nước đã nhất trí ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ngày 18/7/1977. Đây là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hai nước, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thời kỳ mới, vừa tạo cơ sở để hai bên tiến tới ký kết hàng loạt các thỏa thuận hợp tác sau này.
Nhìn lại lịch sử mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào qua hơn 9 thập niên kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời đến nay, trong diễn văn đọc tại Thủ đô Hà Nội ngày 18/7/2022 nhân dịp kỷ niệm 45 năm hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn luôn ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện công cuộc đổi mới của Lào; đồng thời hết sức coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ đặc biệt vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa hai Đảng, hai nước chúng ta. Chúng tôi luôn luôn mong muốn hợp tác, hỗ trợ đất nước Lào với tinh thần “giúp bạn là giúp mình”, xem đây là nhiệm vụ chiến lược; mong muốn cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào không ngừng bồi đắp tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, không ngừng nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục đào tạo, cùng nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng; cùng phấn đấu để các thành tựu hợp tác ngày càng tương xứng với tầm vóc của quan hệ đặc biệt Việt - Lào, cũng như kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước”.
Trong diễn văn đọc tại Thủ đô Viêng Chăn cùng ngày nhân sự kiện trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cũng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào luôn kiên quyết và sẽ cùng với các đồng chí Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống làm cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam mãi mãi trường tồn, tăng cường và nâng cấp sự hợp tác trong các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước”.
Thắt chặt mối quan hệ vì sự phát triển phồn vinh
Trong công cuộc đổi mới của mỗi nước hiện nay, cả Việt Nam và Lào đều đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về kinh tế, xã hội, đối ngoại, giúp cho quan hệ hợp tác gắn bó giữa hai nước Việt Nam - Lào ngày càng mạnh mẽ và mở rộng trên nhiều lĩnh vực.
Tại “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022” - Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm; thường xuyên trao đổi chuyến thăm các cấp. Hai nước cùng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến kinh tế, thương mại, đầu tư ở các địa phương; tổ chức nhiều sinh viên Lào sang học tập tại Việt Nam. Đảng, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng, trao tặng Lào trường dạy nghề tại tỉnh Khammouane.
Bước sang năm 2023, hai nước tiếp tục tổ chức nhiều chương trình hợp tác quan trọng như: Hợp tác thông tin liên lạc giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam - Lào; hợp tác, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị; tăng cường giao lưu, hợp tác khoa học, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Lào...
Đáng chú ý, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức chương trình “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023” với chủ đề: Thông tin và truyền thông, điểm sáng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào. Diễn ra từ ngày 11 - 15/11 tại thành phố Huế, chương trình gồm chuỗi các sự kiện mang ý nghĩa lớn, thể hiện tình hữu nghị bền chặt giữa nhân dân hai nước như: Triển lãm ảnh, Hội chợ - Triển lãm, Tọa đàm khoa học và Đêm giao lưu nghệ thuật Việt Nam - Lào.
Với vai trò cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) chủ trì tổ chức “Hội chợ - Triển lãm trưng bày giới thiệu quảng bá các sản phẩm về lĩnh vực thông tin, truyền thông, văn hóa, du lịch của Việt Nam và Lào”. Đúng như chủ đề của Ngày hội, thông tin và truyền thông - trong đó, điểm nhấn là mối quan hệ hợp tác giàu truyền thống của hai hãng thông tấn hai nước là lĩnh vực được giới thiệu và tôn vinh tại sự kiện Hội chợ - Triển lãm.
Với TTXVN, mối quan hệ cùng Thông tấn xã quốc gia Lào (KPL) cũng đã trải qua hơn 5 thập kỷ đồng hành. Ngày 6/1/1968, ngay khi KPL được thành lập và TTXVN là hãng thông tấn đầu tiên đưa tin về sự kiện này.
Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, trong bất kỳ giai đoạn nào, mối quan hệ hợp tác thiết thực, hiệu quả giữa hai hãng luôn được phát huy. TTXVN và KPL đã cùng nhau vượt qua khó khăn để duy trì hợp tác trên các lĩnh vực như trao đổi thông tin, trao đổi các đoàn lãnh đạo, hợp tác báo chí, xuất bản, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ. Trên tất cả các lĩnh vực, TTXVN luôn cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ KPL với khả năng cao nhất có thể.
Mối quan hệ không chỉ được gây dựng trên cơ sở tình hữu nghị láng giềng truyền thống, mà còn được gây dựng từ biết bao mồ hôi, xương máu của nhân dân hai nước, sẽ được các thế hệ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên TTXVN và KPL tiếp tục kế thừa, phát huy, góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Ghi nhận sự giúp đỡ hiệu quả, chí tình của TTXVN, đầu năm 2019, Nhà nước CHDCND Lào đã trao tặng Huân chương Itxala hạng Nhì cho TTXVN và Huân chương Lao động hạng Ba cho 8 đơn vị thuộc TTXVN.
Mối quan hệ đặc biệt hiếm có Việt Nam - Lào đã được khẳng định qua tiến trình lịch sử vẫn đang được tiếp tục vun đắp trên cơ sở vì mục tiêu chung của hai quốc gia, với tinh thần quốc tế trong sáng, đưa cách mạng hai nước từng bước vượt qua những thử thách, chông gai. Sự kết nối của thông tin và truyền thông hai nước sẽ là một phần trong hành trang quý giá, nền móng vững chắc để các thế hệ Việt Nam - Lào hiện nay và mai sau tiếp tục phát huy tình đoàn kết, xây dựng quan hệ bình đẳng, tự chủ, hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.