Vui ngày hội lớn

Những ngày này, không khí trong Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) – “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam luôn tưng bừng, rộn rã.

Những ngôi nhà của đồng bào Chăm, đồng bào Giarai, Bana, Mông, Êđê... bừng lên sức sống khi được đón cộng đồng các dân tộc về tham gia Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam và hoạt động luân phiên định kỳ tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Và càng vui hơn, khi đồng bào các dân tộc hòa mình trong các hoạt động trong những ngày diễn ra Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (ngày 18-19/4/2012).

Đi chợ vùng cao ở thủ đô

Không cần phải lên tận vùng cao, mà ở ngay thủ đô cũng có thể đi chợ phiên vùng cao, mua sản vật địa phương, được đắm mình trong không gian mang đậm bản sắc văn hóa của một phiên chợ vùng cao. Phiên chợ đã được khai trương sáng 19/4, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, và sẽ kéo dài đến hết ngày 22/4/2012. Đây là lần đầu tiên, một không gian văn hóa chợ mang đậm bản sắc của các chợ truyền thống cộng đồng các dân tộc khu vực phía Bắc được tái hiện ở thủ đô Hà Nội.

Khu giới thiệu bán sản phẩm của đồng bào dân tộc Thái tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Chợ nằm trong khu vực Khu các Làng I – nơi tái hiện khá đầy đủ không gian văn hóa của 28 cộng đồng các dân tộc vùng Tây bắc, Đông bắc. Tại đây, du khách được chứng kiến những hình ảnh quen thuộc của chợ vùng cao Đồng Văn - Hà Giang, với kết cấu được xây dựng bằng đá, nằm trên sườn đồi. Bên trong chợ, những gian hàng nhỏ trưng bày, giới thiệu nét đặc trưng về văn hóa của cộng đồng các dân tộc thông qua các sản vật của địa phương, các mặt hàng thủ công truyền thống của các dân tộc như thổ cẩm, măng rừng, rau rừng, mật ong...

Ngay đầu khu chợ phiên, cách chỗ mua bán không xa, du khách đã cảm nhận được một không gian văn hóa rộn ràng, sôi động với các trò chơi dân gian như đấu vật, đẩy gậy, đánh cầu, leo cột. Rồi thích thú khi được tận mắt chứng kiến đồng bào chế biến các món ăn đặc trưng của vùng cao như đồ xôi, nấu thắng cố, hấp mèn mén, nướng cá...

Cách đó không xa, là những người phụ nữ Mông đang say sưa với công việc thường ngày của mình. Người se lanh, người dệt vải, người vẽ hoa văn lên vải để chuẩn bị đem đi nhuộm... Rồi tiếng khèn, tiếng sáo, những tràng pháo tay rộn rã cổ vũ cho những điệu múa khèn của đồng bào Mông, tiếng reo hò cổ vũ du khách giao duyên, uống rượu cần... Tất cả những âm thanh rộn ràng ấy đã tạo nên một phiên chợ vùng cao phía Bắc độc đáo, sôi động nhưng lại rất gần gũi, thân quen.

Tại Quảng trường Tây Nguyên, triển lãm Làng nghề dân gian truyền thống cũng thu hút đông đảo người dân tham gia. Với khoảng 30 gian trưng bày, sản xuất, tái hiện 10 làng nghề dân gian truyền thống của các vùng như Rượu làng Vân, Mỳ Chũ (Bắc Giang), Tranh đá quý (Chuyên Mỹ, Hà Nội), Gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), Dệt Triều Khúc (Hà Nội), Lụa tơ tằm (Hà Đông - Hà Nội), dát vàng bạc Kiêu Kỵ (Kiêu Kỵ - Hà Nội), Rượu cần (Hòa Bình)…, triển lãm là một điểm dừng chân thú vị cho du khách khi đến làng trong những ngày này.

Cùng chung vui trong ngày hội lớn

Đến với Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm nay, các nghệ nhân, đồng bào đại diện cho các dân tộc đến từ các tỉnh, thành trong cả nước đều rất vui và phấn khởi. Bởi khi đến đây, đồng bào vừa có cơ hội giao lưu với các địa phương khác, vừa có cơ hội giới thiệu với bạn bè và du khách những sản vật đặc trưng, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Bà Vàng Thị Mai, người dân tộc Mông, tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Đến với Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, chúng tôi rất vui, rất tự hào khi mặc những bộ quần áo của dân tộc mình, biểu diễn và giới thiệu với mọi người văn hóa của dân tộc mình. Và vui hơn nữa là chúng tôi còn có dịp được gặp gỡ và quen biết bạn bè ở các vùng khác...”. Còn với nghệ nhân A Thút (người Bana, Kon Tum), khi được sống trong Làng văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam ông thấy rất vui và thoải mái như ở nhà, bởi ông đang được sống trong không gian gần gũi và thân thiết của làng quê mình, được uống rượu với những người bạn cũ và làm quen với những người bạn mới...

Được biết, 13 cộng đồng dân tộc đến Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam lần này không chỉ tham gia các hoạt động trong Liên hoan Văn hóa các dân tộc, mà sẽ tiếp tục sống và tái hiện các hoạt động sinh hoạt sản xuất, những nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng quan trọng trong đời sống của cộng đồng các dân tộc trong thời gian từ nay đến hết ngày 1/5/2012.

Phương Lan

Đêm hội tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam
Đêm hội tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nhân kỷ niệm 65 năm Bác Hồ viết thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâycu, Gia Lai (19/4/1947-19/4/2012), tối 19/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự Đêm hội tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN