Nhân kỷ niệm 65 năm Bác Hồ viết thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâycu, Gia Lai (19/4/1947-19/4/2012), tối 19/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự Đêm hội tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đây là điểm nhấn của Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2012 được tổ chức trong 2 ngày 18 -19/4, tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Tham dự đêm hội còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cùng đông đảo nghệ sỹ, nghệ nhân, già làng, trưởng bản và bà con các dân tộc từ khắp mọi miền đất nước.
Với chủ đề “Vận hội năm Rồng - Đại đoàn kết, khát vọng và thăng hoa", Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2012 là cơ hội giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các dân tộc, góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Đêm hội có sự tham gia của 14 cộng đồng dân tộc từ 10 tỉnh, thành phố bao gồm: H’Mông, Tày (Hà Giang); Dao, Thái (Sơn La); Mường (Hòa Bình); Nùng (Lạng Sơn); Bana, Giarai (Kon Tum); M’Nông (Đắk Nông), Êđê (Đắk Lắk); Chăm, Khmer (An Giang); Hoa (TP Hồ Chí Minh) và cộng đồng dân tộc Kinh đến từ Thủ đô Hà Nội.
Trình diễn nghệ thuật trong đêm hội. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN |
Vui mừng tới dự, chung vui trong Ngày hội của đồng bào các dân tộc cả nước, phát biểu tại đêm hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Hàng ngàn năm qua, trong suốt chặng đường lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, 54 dân tộc anh em đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; đồng thời không ngừng sáng tạo, trao truyền, bồi đắp nền văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, kết tinh thành giá trị văn hóa truyền thống, mang bản sắc dân tộc Việt Nam hết sức đặc sắc, độc đáo.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng thực hiện nhất quán chính sách bình đẳng, đại đoàn kết các dân tộc, quan tâm chăm lo phát triển văn hóa, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Các chủ trương, chính sách phát triển văn hóa ngày càng được hoàn thiện, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh giao lưu quốc tế, xây dựng những giá trị văn hóa mới, đi đôi với việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng, hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, các địa phương, vùng, miền, tôn vinh bản sắc văn hóa của các dân tộc sẽ góp phần tích cực trong bảo tồn, quảng bá và phát triển văn hóa Việt Nam, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam và tạo động lực cho sự phát triển phồn vinh của đất nước.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc trong đêm hội khắc họa hình tượng Rồng bay lên cùng vận hội mới của đất nước với các tiết mục đa dạng, giàu giá trị nghệ thuật của cộng đồng dân tộc Việt như: Trống hội rồng bay với gần 100 nghệ sỹ, diễn viên; đặc sắc văn hóa chợ Việt Nam, tái hiện quang cảnh các phiên chợ vùng cao Tây Bắc, các phiên chợ nổi nhộn nhịp của đồng bào Tây Nam bộ, chợ đồng bằng Bắc bộ sống động, vui tươi; các màn hợp tấu dân ca ba miền, lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, múa rối nước, dân ca quan họ, hát xoan, ca vọng cổ…
Trong hai ngày diễn ra liên hoan, bà con các dân tộc đã tham gia nhiều hoạt động cộng đồng bổ trợ khác như: Trình diễn xe ô tô địa hình, đấu vật (Bắc Ninh), nhảy lửa (Pà Thẻn), võ thuật Lâm Sơn Động, võ sáo (Bắc Giang), thi trượt pa-tanh, thi câu cá... tạo không gian văn hóa đặc sắc, tiêu biểu tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em.
Quang Vũ