Theo con số cập nhật của Bộ Y tế, lúc 21h00 ngày 6/2, toàn thế giới có 28.357 người mắc nCoV, 565 người tử vong (trong đó lục địa Trung Quốc có 563 người tử vong, Phillippines có 1 người tử vong, Hồng Kông (Trung Quốc) 1 người tử vong). Việt Nam đã có 12 người mắc nCoV (trong đó 2 trường hợp bị phát hiện trong ngày 6/2 là người thân của bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó), 3 người được điều trị khỏi và đã được xuất viện.
Danh sách bệnh nhân nhiễm nCoV tại Việt Nam tiếp tục được bổ sung, cho thấy tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, một số trường đại học và địa phương đã có quyết định cho sinh viên, học sinh đươc tiếp tục nghỉ thêm 1 tuần, tới 17/2, để công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả.
Trong các diễn biến khác, tại Hà Nội, nhằm giải toả “cơn khát” khẩu trang kháng khuẩn của người dân, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân đã cung cấp khẩu trang vải với giá bán không lợi nhuận cho cộng đồng. Nhằm ứng phó với tình trạng nước rửa tay sát khuẩn khan hiếm trên thị trường và thực hiện trách nhiệm với xã hội, một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã pha chế ra nước rửa tay nhằm phòng chống bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV), phát miễn phí cho cán bộ, sinh viên và các trường học, cư dân lân cận. Người dân các thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) bắt đầu hưởng ứng việc hiến máu nhân đạo nhằm hỗ trợ người bệnh sau thời gian bệnh viện khan hiếm máu điều trị do ảnh hưởng của virus Corona. Cũng vẫn người dân tại các thành phố lớn đã tích cực tham gia hoạt động “giải cứu” những mặt hàng nông sản của nông dân và đang “bí” đầu ra do tắc nghẽn tại các cửa khẩu.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm thực hiện tốt công tác phòng dịch nhưng vẫn duy trì nhịp độ sinh hoạt, sản xuất...
Cụ thể: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra công điện đề nghị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh hoạt động bình thường đồng thời trong hoạt động phải đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh. Ngân hàng hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Các tàu hàng liên vận, xe buýt, xe taxi đều có các giải pháp phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Đã có trường THPT đầu tiên trong cả nước tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh đang phải nghỉ học vì dịch bệnh. Các tỉnh Vĩnh Long, Quảng Trị, Đắk Lắk, Hòa Bình đã tổ chức diễn tập, triển khai kế hoạch chủ động ứng phó với mọi tình huống nếu dịch xảy ra trên địa bàn; vệ sinh trường lớp, bảo đảm điều kiện an toàn cho học sinh khi trở lại học...
Đáng chú ý, trong ngày 6/2, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo, cho phép giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu và thực hiện nghiêm việc kiểm dịch hàng hóa bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định.
Đặc biệt, chiều 6/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình phát triển logistics, việc thông thương hàng hóa qua biên giới, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại... Theo Phó Thủ tướng, dịch nCoV bùng phát đã khiến tình hình thương mại, giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc khó khăn, nhất là mặt hàng nông sản, trái cây đã xảy ra hiện tượng ùn ứ, tắc nghẽn do việc kiểm soát các cửa khẩu biên giới.
"Chúng ta vừa phải đáp ứng yêu cầu đặt ra là phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát cửa khẩu, đường mòn lối mở, vừa phải tiếp tục thông thương, tạo điều kiện cho thuận lợi thương mại", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về sản xuất, cung ứng các sản phẩm chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, Phó Thủ tướng cho biết: Cần có giải pháp tạo điều kiện làm ăn cho doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh. Mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn vừa qua cháy hàng, giá đẩy lên cao do nhu cầu tăng đột biến. Nguyên liệu chính để sản xuất mặt hàng này là vải lọc kháng khuẩn phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì thế, Chính phủ đã thống nhất miễn thuế có thời hạn nhập, xuất khẩu về thành phẩm và nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước khử trùng, vật tư thiết bị dùng trong chống dịch. Tùy tình hình thực tế Thủ tướng sẽ quy định thời hạn. Các công ty sản xuất khẩu trang, nước khử trùng cũng đã làm thêm ca, tiết kiệm chi phí và không tăng giá mặt hàng này. Theo tính toán, việc miễn thuế này khiến ngân sách bị thất thu khoảng 400-500 tỷ đồng, nhưng "không đáng gì so với việc chúng ta tập trung phòng, chống dịch bệnh".
Phó Thủ tướng yêu cầu việc kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu cần bổ sung biện pháp để vừa tạo điều kiện thuận lợi, nhưng không làm ách tắc giao thương
Theo Phó Thủ tướng, liên quan đến thông quan hàng hóa trong điều kiện chống dịch nCoV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cần phối hợp với các ngành hàng, doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển từ thương mại tiểu ngạch sang chính ngạch để sớm tận dụng các cơ chế về xuất nhập khẩu. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan, y tế, tài chính thống nhất với phía Trung Quốc về quy trình kiểm soát hàng hóa, phương tiện cũng như con người thông quan qua cửa khẩu theo hướng đề xuất của Bộ Công Thương và Bộ Y tế.
Các bộ ngành cần theo dõi sát tình hình mở cửa biên giới để đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, vừa đảm bảo an toàn, vừa kiểm soát được dịch bệnh, không chỉ trên đường bộ mà cả ở cảng biển. Việc khử trùng hàng hóa, phương tiện nên thống nhất, đặc biệt là đối với nguyên liệu để sản xuất khẩu trang và nước sát khuẩn, thiết bị dụng cụ trong phòng, chống dịch, trên cơ sở đã miễn thuế, các cơ quan cần tạo điều kiện cho thông quan.