Vụ Tiên Lãng, Hải Phòng: Sẽ xử lý nghiêm không ngoại trừ ai

Ngày 22/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hải Phòng đã tống đạt quyết định khởi tố 4 bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, thời gian 4 tháng, để phục vụ công tác điều tra về tội "Hủy hoại tài sản".

Dư luận nhân dân có ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các ông Bùi Thế Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng; ông Nguyễn Văn Hiền, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng.



Thượng tá Phạm Duy Biên. Ảnh: http://dddn.com.vn



Để rộng đường dư luận, chiều 25/10, Thượng tá Phạm Duy Diên, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Công an thành phố Hải Phòng đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo chí chung quanh vấn đề này.

- Phóng viên: Thưa Thượng tá Phạm Duy Diên, trước khi bị bắt giam, ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng kiến nghị rằng bản thân không có tội, bị bắt oan. Đề nghị Thượng tá cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Thượng tá Phạm Duy Diên: Theo tài liệu của Cơ quan Cảnh sát điều tra, 4 bị can Nguyễn Văn Khanh, Phạm Xuân Hoa, Phạm Đăng Hoan và Lê Thanh Liêm, bị khởi tố là do hành vi của các đối tượng này đã phạm vào điểm a, khoản 3, Điều 143 Bộ luật Hình sự “Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng”.

Riêng đối với ông Nguyễn Văn Khanh, khi còn đương chức Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, là người được UBND huyện Tiên Lãng giao làm Trưởng ban cưỡng chế thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn.

Trong Quyết định cưỡng chế 3312/QĐ-UBND, ngày 25/11/2011 của UBND huyện Tiên Lãng không có nội dung phá dỡ các công trình xây dựng, tài sản, nhưng ông Khanh đã ra thông báo số 225/TB-BCĐ ngày 28/12/2011, với nội dung phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ cưỡng chế, trong đó phân công cho tổ 2 tháo dỡ nhà trông đầm của ông Đoàn Văn Vươn.

Khi thực hiện, ông Khanh đã chỉ đạo tổ này phá dỡ cả nhà ông Đoàn Văn Quý (nơi không nằm trong phạm vi cưỡng chế). Ngày 5/1/2012, khi tổ chức cưỡng chế, ông Khanh là người chỉ đạo trực tiếp, ra lệnh cho tổ cưỡng chế phá dỡ các công trình trên tại khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn.

Ông Khanh còn là người gọi điện thoại thuê máy ủi đến hiện trường để phá dỡ nhà ông Đoàn Văn Vươn. Đến nay, ông Khanh vẫn chưa nhận thức được hành vi của mình, loanh quanh chối tội, đổ tội cho người khác; không cộng tác với cơ quan điều tra.

Trong khi đó, tội “Hủy hoại tài sản” theo khoản 3, Điều 143 Bộ luật Hình sự là rất nghiêm trọng, mức án rất cao (từ 7 đến 15 năm). Do vậy, cần phải bắt giam để điều tra theo quy định của pháp luật.

- Phóng viên: Thưa Thượng tá, nếu tội danh nghiêm trọng như vậy tại sao không bắt giam cả ba ông Hoa, Hoan và Liêm?

- Thượng tá Phạm Duy Diên: Ngay khi có quyết định khởi tố vụ án, các ông Hoa, Hoan, Liêm đã có thái độ thành khẩn khai báo, nhận rõ hành vi phạm tội của mình và sẵn sàng tự giác bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Kết quả điều tra cũng cho thấy, ông Hoa, Hoan và Liêm cùng một số người khác chỉ là người thực hiện chỉ đạo của cấp trên. Do vậy, không cần thiết phải tạm giam.

- Phóng viên: Ngay sau khi có quyết định khởi tố 4 bị can, Liên Chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng có đề nghị truy cứu trách nhiệm liên đới đối với ông Lê Văn Hiền, nguyên Chủ tịch huyện Tiên Lãng. Ngay trong đơn của ông Nguyễn Văn Khanh gửi cơ quan chức năng cũng nêu ông Khanh thực hiện sự chỉ đạo của ông Lê Văn Hiền và ông Bùi Thế Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng. Thượng tá có thể nói rõ để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này?

- Thượng tá Phạm Duy Diên: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố nhận được tường trình của ông Khanh, đã tiến hành điều tra nhưng chưa đủ căn cứ để kết luận việc này. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, khi có đầy đủ căn cứ sẽ áp dụng các biện pháp tố tụng cần thiết, không ngoại trừ một ai; sẽ không có “vùng cấm”, không kể người đó ở cương vị nào, nếu có hành vi vi phạm pháp luật cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

- Phóng viên: Theo đơn của ông Khanh, ngay từ đầu ông Khanh đã phản đối việc cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn. Cụ thể vấn đề này như thế nào, thưa Thượng tá?

- Thượng tá Phạm Duy Diên: Theo kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố, đến nay không có bất cứ văn bản nào thể hiện ông Khanh phản đối việc cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của ông Vươn; lời khai và tường trình của ông Khanh tại cơ quan điều tra chưa một lần thể hiện việc ông Khanh phản đối chủ trương của UBND huyện Tiên Lãng về việc cưỡng chế đầm của ông Vươn. Cũng chưa có lời khai nào của các đối tượng thể hiện nội dung phản đối của ông Khanh đối với việc cưỡng chế.

- Phóng viên: Ngày 8-2-2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án nhưng đến ngày 22/10/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra mới khởi tố bị can. Thưa Thượng tá, như vậy có kéo dài và quá thời hạn quy định của pháp luật?

- Thượng tá Phạm Duy Diên: Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện việc điều tra theo đúng luật, việc khởi tố bị can nằm trong thời hạn luật cho phép. Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra chịu sự giám sát chặt chẽ của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố và của Cơ quan điều tra cấp trên.

- Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thượng tá!



PV


Khởi tố 4 bị can vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng
Khởi tố 4 bị can vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng

Ngày 22/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hải Phòng đã ra các Quyết định khởi tố 4 bị can liên quan đến vụ cưỡng chế đất đai tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, bao gồm: Nguyễn Văn Khanh, Phạm Xuân Hoa , Phạm Đăng Hoan, Lê Thanh Liêm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN