Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, gần đây, Đảng và Chính phủ đã thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực rất mạnh mẽ. Mọi người dù ở bất kì vị trí nào cũng phải theo tinh thần thượng tôn pháp luật, kể cả người đang giữ chức vụ cũng như người đã nghỉ hưu. Đây là quyết tâm rất đúng đắn.
Các phương tiện khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà hồi tháng 7/2014. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc khởi tố ông Phí Thái Bình đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của người dân. Những người gây hậu quả cho người dân thì phải chịu trách nhiệm. Việc chống tiêu cực thời gian qua của Đảng và Chính phủ được người dân đồng tình. Nó cũng giúp mỗi người dân có ý thức tốt hơn trong chấp hành pháp luật, không còn suy nghĩ người ở vị trí cao thì có thể hạ cánh an toàn.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Dương Minh Ánh cho rằng, cử tri rất hoan nghênh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong xử lý sai phạm cán bộ.
"Bước đầu là xử lý những cán bộ đã về hưu, từ đó làm gương cho các cán bộ quản lý đang tại vị. Đó là lời cảnh tỉnh cho những cán bộ hiện nay. Về lâu dài, cần phát hiện sai phạm sớm hơn để đẩy lùi tiêu cực. Không thể để tình trạng về hưu hạ cánh an toàn”, đại biểu Ánh cho biết.
Còn theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, việc cơ quan điều tra Bộ Công an tiến hành khởi tố ông Phí Thái Bình về sai phạm trong thời kỳ làm lãnh đạo tại Tổng Công ty Vinaconex đã cho thấy: Thứ nhất, xử lý sai phạm cán bộ ngay cả khi đương chức hay đã về hưu. Thứ hai, điều này đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của cử tri, nhân dân Thủ đô nói chung, cả nước nói riêng trong việc xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật. Thứ ba, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, loại bỏ tất cả vùng cấm cũng như những cá nhân hạ cánh an toàn trong thời gian qua.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà trao đổi với phóng viên. |
Về việc cơ quan điều tra không bắt tạm giam đối với ông Phí Thái Bình, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, khi áp dụng biện pháp tạm giam phải cân nhắc rất chặt chẽ quy định của pháp luật. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng có cần phải áp dụng biện pháp này hay không tùy thuộc vào đối tượng, thời điểm áp dụng và những đặc điểm cụ thể tình hình tội phạm. Ví dụ như bị can có địa điểm cư trú rõ ràng và phạm những tội mà Bộ luật Hình sự quy định ở mức chưa đến mức tạm giam, lại có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự thì chưa cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc là tước bỏ quyền tự do của họ. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định.
Liên quan đến đường ống nước sạch sông Đà thứ 2 đang được triển khai, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị cần rút kinh nghiệm từ đường ống thứ nhất.
"Có thể nói vỡ đường ống thứ nhất là bài học đau đớn. Từ bài học này, cần có kế hoạch bố trí con người, kế hoạch giám sát, kiểm tra, tuân thủ các quy trình trong việc lắp đặt, kiểm tra chất lượng đường ống để đảm bảo chất lượng cho đường ống thứ 2. Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thời gian tới có thể sẽ đưa thêm vào chương trình giám sát những vấn đề liên quan đến cung cấp nước sạch cho người dân, nhất là trong mùa hè năm nay", đại biểu nói.
Dự án nước sạch sông Đà – Hà Nội do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư. Năm 2009, dự án được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Trong quá trình vận hành, khai thác, đường ống liên tục xảy sự cố, bị vỡ 20 lần, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm nghìn hộ dân Thủ đô.