“Võ công truyền quốc sử, Văn đức quán nhân tâm”

Đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, nguyên Trợ lý Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có những dòng hồi ký rất chân thực và xúc động về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà quân sự thiên tài, nhà cầm quân lỗi lạc của thời đại Hồ Chí Minh. Được phép của gia đình Đại tá, báo Tin Tức xin trích đăng hồi ký của đồng chí về Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.


 

Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. Ảnh: Tư liệu TTXVN

 

Qua truyện kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta học được rất nhiều điều: Đó là lòng yêu nước được mẹ cha hun đúc từ thuở ấu thơ, là tinh thần khắc phục khó khăn, đam mê học tập của con nhà nghèo cộng với trí thông minh đặc biệt để không ngừng vươn lên, có học vấn ngày càng cao, phục vụ cách mạng ngày càng hiệu quả.


Một câu hỏi được đặt ra: Có gì khác giữa Tổng Tư lệnh của chúng ta với Tổng Tư lệnh quân đội các nước khác? Theo tôi, phải chăng có những điểm sau đây:


Thứ nhất: Khác với nhiều vị Tổng Tư lệnh khác trên thế giới, thường được giao nhiệm vụ thống lĩnh toàn quân khi quân đội ấy đã được tổ chức từ lâu, đồng chí Võ Nguyên Giáp có trách nhiệm lớn là người xây dựng và chỉ huy quân đội ta từ ngày đầu thành lập, từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh.


Trong khó khăn gian khổ, đồng chí đã dìu dắt một đội quân du kích với 34 chiến sĩ và vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ, từng bước lớn lên thành những trung đoàn, đại đoàn thiện chiến để làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp đó đã phát triển thành một đội quân cách mạng chính quy hiện đại gồm nhiều binh quân chủng hợp thành, với những sư đoàn, quân đoàn hùng mạnh, quân số có lúc lên tới hơn một triệu rưỡi người để đi đến một mùa Xuân toàn thắng. Đội quân đó được nhân dân gọi bằng cái tên trìu mến là “Bộ đội Cụ Hồ”, với bản chất cách mạng tốt đẹp, thể hiện rõ trong Mười lời thề danh dự do đồng chí Giáp soạn thảo từ những ngày chuẩn bị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Có thể nói hình ảnh Anh bộ đội Cụ Hồ là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, Võ Nguyên Giáp là người có công đầu trong việc tạo nên hình ảnh đó.


Thứ hai: Trước khi đảm nhận trọng trách của Đảng và nhân dân giao phó, Võ Nguyên Giáp là một nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà giáo, chưa trải qua một học viện hay trường lớp quân sự nào như Tổng tư lệnh quân đội nhiều nước khác. Với ý thức trách nhiệm cao trước vận mệnh của Tổ quốc, đồng chí đã ra sức tìm tòi tự học, trân trọng di sản quân sự quý báu của dân tộc, nghiên cứu các tác phẩm quân sự cổ kim Đông Tây và kinh nghiệm của quân đội các nước anh em, đặc biệt là học tập trong thực tiễn, coi trọng tổng kết và nâng cao kinh nghiệm của cán bộ, chiến sĩ, của nhân dân để bồi bổ kiến thức của mình, phấn đấu không mệt mỏi để vươn lên ngang tầm cao nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của người Tổng Tư lệnh trong chiến tranh du kích cũng như chiến tranh hiện đại, lần lượt đánh thắng 11 đại tướng tổng chỉ huy của hai đế quốc.


Thượng tướng, giáo sư Hoàng Minh Thảo, nguyên Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên nói với phóng viên báo quốc tế (1981): “Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa đảm bảo thắng lợi cao nhất cho trận đánh, vừa hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho tướng sĩ. Ông là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất…”.


Thứ ba: Là Bí thư Quân ủy Trung ương và Tổng Tư lệnh quân đội, có thời kiêm chức Tổng Chính ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà lãnh đạo và chỉ huy toàn diện.


Đồng chí coi trọng công tác Đảng, công tác chính trị, công tác quân sự cũng như công tác hậu cần, kỹ thuật; đi sâu chỉ đạo chiến lược cũng như nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, thường xuyên chăm lo tổng kết kinh nghiệm chiến tranh kế thừa, phát triển truyền thống và di sản quân sự quý báu của dân tộc lên một trình độ mới dưới ánh sáng đường lối quân sự của Đảng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, xây dựng nên học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại mới.


Các nhà xuất bản lớn trong và ngoài quân đội đã in ấn và phát hành hơn 100 tác phẩm của Võ Nguyên Giáp. Với những tác phẩm quan trọng ấy, Võ Nguyên Giáp vừa là một vị Tổng Tư lệnh toàn năng, vừa là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà kinh tế, văn hóa, khoa học, nhà lý luận quân sự hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh...


Thứ tư: Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một Tổng Tư lệnh “văn võ song toàn” mà còn là một người chỉ huy “đức tài trọn vẹn”, xứng đáng là học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Đồng chí luôn ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Người là “Dĩ công vi thượng”, không đề cao cá nhân mà luôn đề cao vai trò của Hồ Chủ tịch, của tập thể Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Ban Chấp hành Trung ương, giữ vững nguyên tắc của Đảng, có ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm chỉnh phục tùng sự phân công của lãnh đạo, kể cả trong trường hợp sự phân công ấy không phù hợp với cương vị và sở trường của mình, có ý thức tự kiềm chế và chờ đợi để giữ vững sự đoàn kết nhất trí.


Trong quân đội, đồng chí thường xuyên chăm lo bồi dưỡng cán bộ, thương yêu quý trọng những người có đức có tài, mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến và phát huy trí tuệ của cấp dưới, khi gặp khó khăn thì cùng nhau bàn bạc để tìm cách vượt qua. Trong những ngày chiến đấu gay go ác liệt ở Điện Biên Phủ, đồng chí đã nhiều lần viết thư tâm tình với chiến sĩ, nêu rõ thuận lợi, khó khăn của hai bên ta, địch, phương hướng phấn đấu của ta và triển vọng thắng lợi của chiến dịch để mọi người thông suốt, quyết tâm xông lên tiêu diệt địch. Có mặt ở Điện Biên Phủ trong những tháng ngày gian khổ đó, nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nhận xét: “Một vị Tổng Tư lệnh đồng thời là người chỉ huy chiến dịch mà viết thư gửi chiến sĩ với những lời thân mật như anh em, quả là điều hiếm thấy trong chiến tranh các nước!”. Cố Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam nói: “Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy”, “là một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”. Xúc động trước tình cảm của người chỉ huy cao nhất của quân đội đối với các liệt sĩ hy sinh trên đỉnh đèo Phu Lê Nhích, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn viết trong hồi ký: “Những giọt nước mắt dành cho những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trên trọng điểm này của vị Tổng Tư lệnh giữa chiều Trường Sơn thật sự thấm đậm tình người, lắng sâu trong tâm khảm chúng tôi, không thể nào quên được!”.


Thứ năm: Với công trạng, tài năng và đức độ như trên, đồng chí Võ Nguyên Giáp có hạnh phúc lớn là được sự tin yêu và ngưỡng mộ hầu như tuyệt đối của toàn quân và toàn dân, sự kính trọng của nguyên thủ quốc gia nhiều nước và bạn bè quốc tế. Đồng chí lại có hạnh phúc lớn là người sống lâu nhất trong những người lãnh đạo chủ chốt của Đảng và quân đội ta kể từ thời kỳ tiền khởi nghĩa cho đến ngày nay.


Ở nước ta, ngoài Hồ Chủ tịch, ít thấy vị nào mấy chục năm sau khi rời khỏi cương vị lãnh đạo mà hằng năm, đến các dịp kỷ niệm sinh nhật, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chiến thắng 30 tháng 4 và ngày thành lập Quân đội nhân dân, lại được các vị cách mạng lão thành, đông đảo cựu chiến binh, các học trò cũ và đại diện các tầng lớp nhân dân trên cả nước mang những lẵng hoa tươi thắm hay những bức trướng với những câu thắm đậm nghĩa tình lần lượt đến chúc mừng. Hàng trăm đoàn, hàng ngàn người kế tiếp nhau, phải nhiều ngày mới hết!


Đây thực sự là phần thưởng vô giá dành cho một trong những vị khai quốc công thần, xứng đáng với 10 chữ vàng: “Võ công truyền quốc sử, Văn đức quán nhân tâm”.


Hoàng Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN