Viettel khai trương mạng viễn thông tại Haiti

Tối 7/9/2011 (sáng 8/9 giờ Việt Nam), Tổng thống Michel Martelly cùng các quan chức đại diện Haiti và Việt Nam đã ấn nút khai trương mạng viễn thông của công ty Natcom - liên doanh giữa Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel (chiếm 60% cổ phần) và đối tác Teleco của chính phủ Haiti (40% cổ phần).

Từ phải sang trái: Thống đốc Ngân hàng TƯ Haiti Castel Charles, phó TGĐ Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thống Michel Martelly và Đại sứ VN tại Cuba Vũ Chí Công ấn nút khai trương Natcom


Đây là quốc gia thứ ba (ngoài Việt Nam) Viettel đầu tư vào dịch vụ viễn thông sau khi đã thu được những kết quả khả quan trong các liên doanh Metfone tại Campuchia và Unitel tại Lào.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Haiti đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Viettel tại Việt Nam và các nước khác. Ông hoan nghênh những nỗ lực của liên doanh Natcom, sau 1 năm hoạt động đã xây dựng được một mạng lưới viễn thông toàn diện lớn nhất Haiti, tạo ra môi trường cạnh tranh, đem lại lợi ích cho nhân dân Haiti và thúc đẩy ngành viễn thông ở quốc đảo còn lạc hậu này phát triển. Tổng thống Martelly ghi nhận những đóng góp của Natcom trong công tác xã hội, từ thiện ở Haiti như giúp đỡ các nạn nhân động đất, cung cấp dịch vụ internet miễn phí tới các trường học, trợ giá cước di động cho sinh viên, lực lượng cảnh sát và người nghèo.

Cũng tại buổi lễ, Phó TGĐ Viettel Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định triết lý của Viettel khi đầu tư ra nước ngoài là cung cấp những công nghệ, dịch vụ tiên tiến nhất cho người dân nước sở tại. Ông cam kết trong vài ba năm tới, liên doanh Natcom sẽ giúp phát triển ngành viễn thông Haiti lên ngang tầm các nước tiên tiến, góp phần tái thiết và phát triển đất nước Haiti sau thảm họa động đất tháng 1/2010.

Thành công nhờ ý chí vượt khó khăn

Trao đổi với các phóng viên khi vừa từ Việt Nam bay sang Haiti dự lễ khánh thành mạng Natcom, Phó TGĐ Viettel Nguyễn Mạnh Hùng “bật mí”: bí quyết kinh doanh của Viettel là lao vào những chỗ khó khăn, những nơi mà nhiều người không ngờ tới. Chính trong khó khăn và môi trường cạnh tranh, những người Viettel đã biết vươn lên, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Các kỹ thuật viên Viettel và các đồng nghiệp Haiti đang hàn đường cáp quang bị đứt tại một điểm ở ngoại ô Poóctô Pranhxơ ngày 6/9/2011.


Việc Viettel hồi năm 2009 tiến hành đàm phán đấu thầu mua cổ phần của Teleco -công ty viễn thông quốc doanh làm ăn thua lỗ triền miên của Haiti- đã khiến không ít chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông và báo chí quốc tế tỏ ra hoài nghi. Họ lại càng không tin tưởng khi Viettel dám làm dịch vụ viễn thông tại một nước có 85% trong tổng số trên 9 triệu dân sống dưới mức nghèo khổ, hạ tầng cơ sở yếu kém, lại đang gánh chịu hậu quả của thảm họa động đất đầu năm 2010. Trình độ dân trí thấp, tình trạng tội phạm, đói kém... nạn trộm cắp, cắt phá đường dây cáp quang, làm nản lòng các nhà mạng. Thảm họa động đất ngày 12/1/2010 như muốn nhấn chìm kế hoạch của Viettel khi đất nước Haiti bị vùi trong đổ nát. Số người thiệt mạng được trù tính từ 220.000 đến 700.000 người, 90% các công trình lớn bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng.

Và từ những hoài nghi ban đầu, ngày 7/5/2010, các hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới đã không khỏi ngạc nhiên và ngưỡng mộ khi đưa tin: Viettel đã trúng thầu đầu tư 59 triệu USD nắm cổ phần chi phối trong công ty Natcom trước hai đối thủ là những nhà mạng chính của Haiti liên doanh với Mỹ và Ailen.

Từ đó đến nay, hơn 200 cán bộ nhân viên của Viettel có mặt tại Haiti cùng trên 1.200 nhân viên bản địa thực sự đang "nếm mật nằm gai", gây dựng và duy trì một cơ sở dịch vụ viễn thông cách xa trung tâm lãnh đạo của Tập đoàn đúng nửa vòng trái đất. Đội ngũ nhân viên Viettel được rải khắp 10 tỉnh và thủ đô Poóctô Pranhxơ. Các anh, chị làm việc không kể ngày đêm, vừa xây dựng, vận hành và bảo dưỡng mạng lưới vừa đào tạo nhân viên người Haiti. Nhiều người sau vài tháng đến Haiti đã sút tới 6-7 kg do ăn uống thất thường, áp lực công việc, điều kiện sống thiếu thốn cả về tinh thần và vật chất. Nhưng họ khẳng định: sang Haiti trước hết là trách nhiệm với công ty, với đất nước, cho dù thu nhập cao gấp 2 đến 4 lần ở Việt Nam.

Kinh doanh và trách nhiệm xã hội

Sau 1 năm chính thức vào cuộc, đến nay liên doanh Natcom đã xây dựng được một mạng lưới viễn thông lớn nhất Haiti với gần 3.000 km cáp quang (trước động đất, cả nước Haiti chỉ có 150 km cáp quang); gần 1.000 trạm BTS, trong đó có hơn 200 trạm 3G, đã được dựng lên ở hầu khắp các huyện trên cả nước, nhiều hơn 30% so với số trạm mà Digicel- nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất tại Haiti- đã xây dựng trong 10 năm qua. Hệ thống siêu thị, cửa hàng giao dịch, đại lý với tổng cộng lên tới gần 2.000 điểm cùng với mạng lưới nhân viên bán hàng trực tiếp trải khắp đến từng thị trấn đã được thiết lập. Giá cước mà hãng áp dụng sẽ rẻ hơn tới 20% so với các nhà cung cấp khác trên thị trường như Digicel và Voila.

Tuy mới kinh doanh thử nghiệm từ ngày 20/7/2011, đến nay Natcom đã có khoảng 140.000 thuê bao di động và hàng chục nghìn thuê bao Internet 3G và ADSL. Ông Trần Sỹ Tiến, Phó TGĐ Natcom, cho biết công ty phấn đấu đến cuối năm 2011 sẽ đạt 500.000 thuê bao di động và 20.000 thuê bao 3G. Ngoài dịch vụ di động và Internet không dây và có dây, Natcom còn kinh doanh điện thoại cố định, cho thuê kênh và buôn bán thiết bị đầu cuối. Natcom phấn đấu đến cuối năm 2012 sẽ có 2 triệu thuê bao di động và bắt đầu làm ăn có lãi.Viettel cũng đã tuyển 34 người Haiti sang học tiếng Việt ở Việt Nam nhằm phục vụ chiến lược lâu dài ở đất nước vùng Caribê này.

Với triết lý kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội, Natcom đã cung cấp thuê bao di động trợ giá cho 80.000 cảnh sát Haiti (nước này không có quân đội) và 50.000 sinh viên. Liên doanh cũng đang xúc tiến xây dựng “chính phủ điện tử” phục vụ công tác điều hành của chính phủ và các các cơ quan cấp tỉnh. Đặc biệt, Natcom cam kết cung cấp Internet miễn phí cho toàn bộ 18.000 trường học ở Haiti và đến nay đã cung cấp cho 100 trường đầu tiên.

Cảnh tượng thường thấy ở các điểm giao dịch của Natcom những ngày này là người dân, đa số là thanh niên, xếp hàng trong cái nóng mùa hè để đăng ký dịch vụ viễn thông. Tại một điểm giao dịch ở thủ đô Poóctô Pranhxơ, anh công nhân Annastale Simon (33 tuổi) và sinh viên Marcé Lus (18 tuổi) hồ hởi nói với phóng viên Báo Tin tức: “Chúng tôi đăng ký dịch vụ 3G của Natcom vì giá rẻ và tốc độ cao. Chúng tôi cũng đang tính chuyển thuê bao di động từ mạng Digicel sang Natcom”. Nữ phóng viên Jude Kethia của đài Truyền hình quốc gia Haiti cũng ngỏ ý sẽ chuyển sang sử dụng mạng di động Natcom. Có thể nói, Natcom xuất hiện ở Haiti như một hiện tượng được đông đảo người dân mong đợi và hào hứng tìm hiểu.

Phát biểu với các phóng viên, Phó TGĐ tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Natcom đã cam kết với chính phủ Haiti đưa trình độ viễn thông của nước này lên ngang tầm khu vực Mỹ Latinh vào năm 2015 với 100% dân số sử dụng điện thoại di động và 20% thuê bao Internet. Trong 2-3 năm nữa, Natcom sẽ phổ thông hóa điện thoại di động cho người dân Haiti với những gói cước ưu đãi mà mọi người có thể tiếp cận được.

Tiếp tục chiến lược đầu tư ra nước ngoài

"Trâu chậm" vẫn tìm được "nước trong" là trường hợp của Viettel khi biết tạo ra sự khác biệt trong kinh doanh để xâm nhập thị trường thế giới trong bối cảnh những "đại gia" viễn thông quốc tế hầu như đã thâu tóm lĩnh vực này ở mọi nơi.

“Mọi lúc, mọi nơi, cho mọi người, với giá rẻ” là khẩu hiệu của Viettel trong mục tiêu bình dân hóa dịch vụ công nghệ cao này ở Việt Nam. Lãnh đạo Viettel còn lấy tiêu chí trên để định hướng cho những thị trường ở nước ngoài mà nhà mạng này đầu tư, trong đó hai thị trường đầu tiên đã thu được kết quả tốt đẹp là Campuchia với mạng Metfone 90% vốn của Viettel và Unitel- liên doanh giữa Viettel và Công ty Lao Asia telecom– hiện chiếm vị trí số 1 về thị phần thuê bao di động tại Lào.

Theo Phó TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng, Viettrel chủ trương cung cấp những công nghệ, dịch vụ tiên tiến nhất, tiện ích nhất cho các nước mà tập đoàn này đầu tư. Thực tế kinh doanh tại Campuchia, Lào và Haiti đã tích lũy thêm kinh nghiệm cho Viettel trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài và đặc biệt là đã tạo ra được một đội ngũ cán bộ cũng như phong cách làm việc thích hợp với môi trường hội nhập quốc tế. Ông Hùng cho biết, ở thời điểm này Viettel đang đàm phán hoặc đã hoàn tất đàm phán đầu tư vào viễn thông tại Môdămbích, Tandania, Camơrun (châu Phi); Pêru và Áchentina (châu Mỹ) Xlôvakia và Hunggari (châu Âu)… Dự kiến, trong năm 2012, Viettel sẽ khai trương dịch vụ viễn thông tại Môdămbích.

Bài và ảnh: Duy Truyền
(từ Haiti)

Ngỡ ngàng Haiti
Ngỡ ngàng Haiti

Dù đã được tiếp cận với khá nhiều thông tin nhưng Haiti vẫn khiến chúng tôi ngỡ ngàng khi vượt nửa vòng Trái Đất tới thăm mảnh đất khốn khó này...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN