Dù đã được tiếp cận với khá nhiều thông tin nhưng Haiti vẫn khiến chúng tôi ngỡ ngàng khi vượt nửa vòng Trái Đất tới thăm mảnh đất khốn khó này...
1. Một thủ đô tan hoang
20 tháng trôi qua kể từ khi xảy ra trận động đất kinh hoàng ngày 12/1/2010, thủ đô Poóctô Pranhxơ vẫn tan hoang. Số người chết đến nay vẫn chưa được thống kê chính xác. Các tổ chức cứu trợ quốc tế ước lượng khoảng 220.000-300.000 người, còn chính quyền và người dân Haiti nói vào khoảng 500.000-700.000 người; khoảng 1,6 triệu người mất nhà cửa. Cũng dễ hiểu, vì ở đất nước này mọi thứ đều ước lệ. Rất may là ở các địa phương khác thiệt hại không nhiều và cuộc sống vẫn bình thường.
Những người có mặt ở Haiti từ hơn 1 năm nay nói tình hình đã khá hơn rất nhiều, nhưng trước mắt chúng tôi khắp thủ đô vẫn là cảnh đổ nát và rác rưởi. Cảng Hoàng tử (dịch nghĩa tên của thủ đô Haiti) có trên 800.000 dân (trong tổng số trên 9 triệu người Haiti) là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất của trận động đất 7 độ Richter. Thủ đô, cũng như hầu hết các địa phương khác của Haiti, nằm len lỏi trên những sườn đồi. Poóctô chỉ còn lại vài tòa nhà cao tầng và những công trình được xây dựng kiên cố khác. 80-90% nhà cửa đã bị sập nát hoặc hư hại. Các khu dân cư nghèo được xây bằng gạch ximăng, không cốt thép, nay đổ rụi như những đống cát.
Quốc kỳ Haiti vẫn tung bay trước Dinh Tổng thống nhưng tòa nhà màu trắng kiến trúc kiểu thuộc địa, tráng lệ một thời, nay đổ xiêu vẹo. Tổng thống Michel Martelly vẫn làm việc trong khuôn viên Dinh Tổng thống nhưng trong một căn lều bạt được lắp đặt đầy đủ tiện nghi để điều hành đất nước. Những “cánh đồng” lều trại được dựng lên khắp nơi, trong đó có khu lều bạt rộng lớn tại nơi trước đây là quảng trường lớn nhất Haiti, ngay trước Dinh Tổng thống, dành cho hàng nghìn nạn nhân trú ngụ và sinh sống bằng viện trợ quốc tế.
Khu lều bạt ở quảng trường trung tâm thủ đô. |
Có người nói rằng nhiều người dân thủ đô Haiti vẫn bám trụ những khu lều bạt chỉ để nhận tiền cứu trợ (25 USD mỗi tháng) cho dù họ vẫn thu xếp được những chỗ ở khác. Nhưng có lẽ số này không nhiều, vì người ta đang phải tìm đủ kế sinh nhai và vẫn qua ngày theo cách riêng của Haiti. Hàng quán bày dọc vỉa hè, những người bán hàng rong lang thang với một thúng trái cây, nước uống hoặc đồ ăn đội trên đầu; xe khách, xe ôm, người ăn xin, người tụm năm tụm ba nơi góc đường, hè phố. Người Haiti thật khéo tay, họ chế tác đồ lưu niệm và đồ trang trí, từ tranh sơn dầu, tượng gỗ đến những phù điêu làm bằng sắt phế thải. Tại một ngõ hẹp trên sườn đồi khu Bourdon, chúng tôi gặp một "nghệ nhân" thoăn thoắt đục những tấm tôn thùng phuy thành những phù điêu hình người, hình động vật và phong cảnh, rồi sơn hoặc phủ nhựa mầu sặc sỡ để bày bán ở những bờ rào, vỉa hè. Anh là một trong những nạn nhân động đất đang phải bươn chải kiếm sống. Đồ thủ công mỹ nghệ "Made in Haiti" trông mộc mạc, không thật tinh xảo nhưng cũng đáng mua làm lưu niệm, vì những thứ khác tuy mang hình ảnh Haiti nhưng xem kỹ lại thấy những tem ghi chữ "Made in China".
Đây đó, một thủ đô đang cố hồi sinh qua những công trình ít ỏi sửa sang, xây mới nhà ở, công sở, tiếng máy xúc, máy ủi dọn dẹp thành phố và tiếng trẻ em ê a đọc bài trong lớp học ở những căn lều bạt.
Nhưng hình ảnh sáng sủa đó không nhiều. Đi sâu vào những ngôi làng nay phần lớn là lều trại ở ngoại ô thủ đô mới thấy mọi thứ đều tạm bợ. Phần đông người dân nghèo chỉ nói thổ ngữ Creole chứ không nói được tiếng Pháp, dù đây là hai ngôn ngữ chính thức ở Haiti. Những cô bé, cậu bé đen nhẻm không được đến trường, chúng cùng người lớn hàng ngày làm đầy những hẻm phố, như tất cả lúc nào cũng "xuống đường". May mà họ đều khỏe mạnh và sống như bất chấp hoàn cảnh, như cố quên thực tại và quá khứ đau thương.
2. Những người Haiti
Một tuần "cưỡi ngựa xem hoa" cũng giúp chúng tôi cảm nhận nhiều điều bất ngờ về đất nước và con người Haiti, để đôi lúc chạnh lòng nghĩ về lối sống của người Việt ở quê nhà.
Một chợ họp trên đường phố thủ đô. |
Chuyện một phiên dịch viên Việt Nam làm việc cho một công ty người Việt tại Haiti bị bắt cóc, bị đòi nửa triệu USD tiền chuộc nhưng trốn thoát và một nhân viên LHQ bị giết cách đây không lâu không làm mất đi ấn tượng về lối sống thanh bình của người Haiti. Nghèo khổ và đầy rẫy khó khăn, nhưng người Haiti vẫn chỉn chu ở mức có thể. Thứ bảy và chủ nhật, từng dòng người ăn vận lịch sự kéo đến nhà thờ. Nhiều người mặc comlê, cà vạt đi lại trên đường phố nóng bức. Ít người đi chân đất. Họ bước đi thong thả, cần mẫn chờ đến lượt mình trên đường phố, trong cửa hàng... Họ có thể cãi vã, vung tay to tiếng nhưng ít khi đánh nhau.
Milot, người lái xe cho nhóm nhà báo chúng tôi, nói rằng thái độ phản đối của phần đông người dân thủ đô mỗi khi bị chụp ảnh không phải là do quan niệm tôn giáo như ai đó từng lý giải. Có lẽ họ cảm thấy bị nhòm ngó. Và chúng tôi đã không gặp rắc rối gì khi làm theo gợi ý của Milot, là trước khi chụp ảnh thì nên xin phép họ. Ở các địa phương khác, đặc biệt là các tỉnh miền nam, như tỉnh Sud-Est mà chúng tôi đã đến thăm, người dân còn thân thiện và hiền hòa hơn nhiều. Tất nhiên, ở một nước còn nhiều bất ổn như Haiti, việc giữ gìn an ninh có sự đóng góp rất lớn của đội quân trong Sứ mạng ổn định Haiti của Liên hợp quốc và của lực lượng cảnh sát quốc gia (nước này tạm thời chưa có quân đội).
Xe khách được sơn màu sặc sỡ. |
Một nét văn hóa khá ấn tượng của người Haiti, cả ở thủ đô và các tỉnh lẻ, là ý thức chấp hành luật pháp, thái độ nhường nhịn nhau. Ngoài đi bộ thì phương tiện giao thông chủ yếu ở Haiti là những chiếc xe khách sơn màu sặc sỡ như những xe nhà táng, ôtô cá nhân, xe ôm (phần nhiều là xe Trung Quốc), hầu như không có taxi. Phần lớn các xe ôtô đều sứt mẻ do va chạm đất đá, nhưng rất lạ là ít tai nạn giao thông. Không phải vì người Haiti lái xe giỏi, mà là họ biết nhường nhịn nhau và sẵn sàng nhường người đi bộ qua đường dù dòng xe ôtô đứng chờ.
Nhưng sống ở quốc đảo Caribê này, người nước ngoài sẽ khó quen với bản tính phục tùng, máy móc của người Haiti. Các cán bộ Tập đoàn Viettel đang đầu tư tại nước này đã rất vất vả khi hướng dẫn công việc cho nhân viên bản xứ. Họ "chuyên môn hóa" đến thụ động, giao việc nào làm đúng việc đó và phản ứng khi phải làm công việc mà họ cho là không phải trách nhiệm của họ. Một cán bộ Viettel tại thị xã Jacmel của tỉnh Sud-Est kể rằng, nhân viên Haiti có thể làm việc với chiếc bàn vương vãi giấy tờ mà không chịu dọn, vì cho rằng việc đó là của người lao công. Họ sẵn sàng ra về ngay khi hết giờ hành chính, dù công việc dang dở...
3. Dấu ấn Việt Nam
Một bất ngờ đối với nhóm nhà báo chúng tôi là tình cờ gặp Tổng thống Michel Martelly tại sân bay thủ đô Poóctô Pranhxơ hôm 11/9/2011 khi chúng tôi rời Haiti về nước.
Tổng thống Haiti Martelly chụp ảnh kỷ niệm với các nhà báo Việt Nam và cán bộ Viettel. Ảnh: Trung Thành |
Vũ Văn Quýnh, nhân viên y tế kiêm hành chính công ty Natcom (liên doanh giữa Viettel và Teleco của Haiti) đưa chúng tôi tới sân bay làm thủ tục theo đường khách VIP. Phòng VIP chưa thể đúng nghĩa của nó nhưng để được vào lối này là một đặc ân, vì lẽ ra chúng tôi phải cùng những hành khách khác xếp hàng làm thủ tục trong những không gian chật hẹp và oi bức. Cả khu vực khách VIP đều bị phong tỏa để đón Tổng thống và phu nhân vừa xuống máy bay. Nhìn Quýnh mặc áo cộc tay để thõng, chân dép lê, quần xắn ống thấp ống cao, đi lại ở nơi sang trọng nhất sân bay, chúng tôi thấy ái ngại. Nhưng không ngờ anh lại tự tin "nói chuyện" thoải mái với mọi người đến như vậy, dù không biết một ngoại ngữ nào. Rồi Tổng thống xuất hiện, ăn mặc giản dị với áo phông và quần bò. Và thật bất ngờ, nhác thấy Quýnh, ông vẫy anh đến trò chuyện rồi mời chúng tôi lại chụp ảnh chung!
Có được cuộc gặp đó chính là nhờ Việt Nam và những người Việt đã trở thành thân thiết không chỉ với Tổng thống và các quan chức Haiti mà còn với rất nhiều người dân nước này thông qua sự hiện diện của các nhà đầu tư và doanh nhân người Việt. Dịp này, Tổng thống đã có một số buổi làm việc với lãnh đạo Viettel và Natcom. Ông đã trực tiếp giúp giải quyết vấn đề hắc búa nhất trong kinh doanh của Natcom, đó là kết nối giữa mạng viễn thông mới thành lập này với các nhà mạng khác ở Haiti, dọn đường cho công cuộc đầu tư của Viettel được thuận lợi hơn rất nhiều giữa lúc các đối thủ như Digicel và Voila không mặn mà gì khi Natcom xâm nhập thị trường viễn thông Haiti.
Cán bộ Viettel cùng đồng nghiệp trong liên doanh Natcom trong một chuyến hàn đường cáp quang. |
Sau gần 2 năm làm việc tại Haiti, cộng đồng vài trăm người Việt Nam đã làm cho đất nước mình nổi tiếng hơn ở miền đất vùng Caribê này. Thường thì "nhập gia, tùy tục", nhưng những người Việt làm ăn tại Haiti lại đã thay đổi được phần nào phong tục và cung cách làm việc của nhân viên bản địa. Không chỉ các cán bộ Viettel mà cả những công ty khác như Công ty TNHH Hồng Long đã nỗ lực làm gương, dẫn dắt họ trong từng công việc, làm ngoài giờ và làm những công việc đa dạng để người Haiti dần dần chấp nhận làm cả những việc mà họ cho là không thuộc bổn phận của mình. Anh Hoàng Long, chủ Công ty TNHH Hồng Long đang thi công các công trình của Natcom tại Haiti, thổ lộ: “Nếu không kiên trì và chịu khó vào cuộc như những công nhân thực thụ thì khó mà lôi cuốn và phát huy được những tố chất đáng quý của người Haiti như sức khỏe và sự tuân thủ”.
Đồng lương và tiền làm thêm giờ nhiều khi không làm cho người Haiti bỏ được những thú vui, những tập tục của mình. Nhưng có những người đã thay đổi, như trường hợp anh tài xế Milot của nhóm nhà báo chúng tôi. Anh sẵn sàng làm việc từ 8 giờ sáng đến 10 hay 11 giờ đêm mỗi khi công việc yêu cầu, với một sự tận tụy và kỷ luật chặt chẽ.
Phó Giám đốc chi nhánh Natcom tại tỉnh Sud-Est Châu Quang Trường, người Bến Tre, có thâm niên công tác tại Haiti gần 1 năm, tâm sự: Chính những cán bộ Việt Nam đã góp phần tạo giá trị Việt ở mảnh đất Haiti. Các anh đã thuyết phục được người bản xứ lao động và làm được những việc mà họ tưởng không thể làm như xây dựng, vận hành và xử lý sự cố cho mạng lưới hàng nghìn km cáp quang dọc ngang đất nước. Các anh cũng thay đổi được những nét văn hóa bản địa. Giờ đây, những người Haiti trong công ty đã không ngần ngại chia sẻ, mời anh em Việt Nam những món bánh, tấm quà.
Ở một số nơi, người Việt còn kết nối được những nguồn cung cấp thực phẩm cho bữa ăn thuần Việt. Bếp ăn nội bộ của cán bộ Viettel ở thủ đô Poóctô hầu như ngày nào cũng có rau muống nhờ "đường dây" cung ứng của người Haiti. Đó là thứ rau muống mọc dại cách thủ đô hàng trăm km mà dân bản xứ không quen ăn.
Cũng trong chuyến đi này, chúng tôi tình cờ gặp lại anh bạn Lê Thế Tâm khi đợi nối chuyến bay tại thủ đô Panama. Hóa ra anh cùng gia đình đã khăn gói từ Ba Lan sang Panama làm ăn từ 4-5 năm nay sau khi công việc kinh doanh tại Cuba - nơi anh từng gắn bó thời sinh viên và gần chục năm làm ăn nhưng không tiến triển. Tuy còn nhiều khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt từ những công ty quốc tế khác, nhưng doanh nghiệp VIETPA của anh đang ngày càng trụ vững ở khu ngoại quan Colon nổi tiếng của Panama.
Tâm đã xoay từ buôn bán giầy dép và hàng may mặc sang kinh doanh vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh và bàn ghế văn phòng. Các khách hàng Mỹ Latinh tỏ ra tín nhiệm những sản phẩm “Made in Vietnam”, đặc biệt là gạch ốp lát và đồ sứ vệ sinh của Viglacera. VIETPA có 6 nhân viên người Việt và hàng chục người Panama làm thuê với cơ ngơi hàng nghìn mét vuông kho bãi thuê tại Colon để trung chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang các nước châu Mỹ, trong đó có Haiti.
Trên chuyến bay của hãng Copa Airlines sang Haiti, hỏi chuyện một thương gia Panama, tôi mới biết vật liệu xây dựng Việt Nam được nhân dân Haiti và các nước trong khu vực đánh giá cao. Mừng vì Việt Nam ngày càng được biết đến như một quốc gia đang phát triển và hội nhập nhanh chóng, chứ không chỉ những ký ức về chiến tranh. Qua những công ty như VIETPA, Petrovietnam hay Viettel, sự hiện diện của Việt Nam ngày càng rộng khắp, kể cả ở những nơi xa xôi nhất này.
* * *
Và ấn tượng về Haiti càng in sâu trong chúng tôi khi trên chuyến bay rời thủ đô Poóctô Pranhxơ nghe tiếng trẻ con khóc, tiếng các đôi vợ chồng da trắng châu Âu dỗ dành... Trên gương còn thẫn thờ như vô hồn của các em hình như vẫn đọng nỗi buồn mất cha mẹ. Người sống sót sau động đất đã khốn khổ, trẻ mồ côi càng tội nghiệp hơn nhiều. Không biết mỗi ngày có bao nhiêu đứa trẻ Haiti được cưu mang? Các em chưa đủ lớn để nhìn thấy viễn cảnh cuộc sống của mình. Còn chúng tôi và những hành khách khác đã cảm thấy ấm lòng khi nghĩ đến một tương lai tốt đẹp đang chờ đợi các em. Nhưng những đứa trẻ và người dân Haiti khác thì sao? Chắc chắn không thể nghèo khổ mãi, bởi Haiti vẫn có những tiềm năng để vươn lên và phát triển.
Bài và ảnh: Duy Truyền