Sáng kiến này nằm trong chuỗi các sáng kiến và đóng góp thiết thực của Việt Nam với tư cách thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Việt Nam cùng Brazil và Gavi - Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng - đã tổ chức cuộc tọa đàm trên với sự tham dự của đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, nhấn mạnh chính sách và thành tựu của Việt Nam về đảm bảo quyền con người được tiếp cận vaccine, tiêm chủng, góp phần quan trọng thúc đẩy sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh sự nỗ lực từ phía chính phủ và người dân, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định tầm quan trọng của sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam đạt được thành tựu về tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là sự hỗ trợ của WHO, Gavi, COVAX - chương trình phân phối vaccine công bằng do WHO khởi xướng dành cho các nước nghèo - và các đối tác quốc tế khác. Đáng chú ý, Việt Nam đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 gần 100%, là một trong những nước đạt tỷ lệ cao nhất trên thế giới, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát hiệu quả đại dịch, bảo vệ sinh mạng của người dân đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế trong đại dịch và phục hồi sau đại dịch.
Cũng tại cuộc tọa đàm, 3 diễn giả gồm các đại diện của Brazil, WHO, Gavi đều chia sẻ quan điểm của Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêm chủng, tầm quan trọng của vaccine trong việc giảm thiểu bất bình đẳng về y tế, cải thiện kết quả giáo dục và việc thụ hưởng các quyền khác của con người. Các diễn giả còn đề cập đến vai trò quan trọng của Hội đồng nhân quyền trong việc thúc đẩy tiêm chủng, quyền con người được tiêm chủng, vốn là thành tố quan trọng của quyền được hưởng một tiêu chuẩn sức khỏe về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể được, đồng thời nêu bật vai trò, thách thức đối với chương trình tiêm chủng. Các diễn giả cũng nhấn mạnh rằng Hội đồng nhân quyền cùng các quốc gia và các đối tác có liên quan cần thúc đẩy, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế nhằm thực hiện đầy đủ chương trình tiêm chủng, bảo đảm thụ hưởng quyền được tiêm chủng, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương.
Trong phiên thảo luận chung về các quyền con người tại Khóa họp 54 Hội đồng nhân quyền, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đã trình bày phát biểu chung về quyền con người được tiêm chủng. Phát biểu chung này nhận được sự ủng hộ của đông đảo các nước, với sự đồng bảo trợ chính thức của gần 60 nước từ tất cả các châu lục.
Phát biểu chung nhấn mạnh mối liên hệ và tác động quan trọng giữa tiêm chủng và quyền được hưởng một tiêu chuẩn sức khỏe về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể đạt được, tầm quan trọng của vaccine, chủ nghĩa đa phương vaccine và các nỗ lực đa phương, vai trò của Hội đồng nhân quyền LHQ nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng, giá thành hợp lý và kịp thời, cũng như việc thúc đẩy quyền được tiêm chủng, thực hiện đầy đủ chương trình tiêm chủng.
Phát biểu chung kêu gọi các quốc gia và các bên liên quan thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về tiêm chủng của WHO nhằm đảm bảo tất cả mọi người dân, ở mọi nơi và mọi lứa tuổi, được tiêm chủng, đặc biệt là các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người già và trẻ em.