Phiên họp được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Myanmar đã nhận được sự quan tâm của nhiều Thành viên WTO với 278 câu hỏi từ 16 Thành viên trước Phiên họp và phát biểu của 23 Thành viên tại Phiên họp.
Phát biểu tại Phiên Rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Myanmar tại WTO, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva nhấn mạnh: "Việt Nam đánh giá cao những thành tựu về cải cách cơ cấu và phát triển kinh tế ấn tượng của Myanmar trong những năm qua. Với tư cách láng giềng và là một trong 10 đối tác lớn nhất về thương mại - đầu tư của Myanmar, Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với Myanmar trong thời gian tới".
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam và Myanmar đã không ngừng được củng cố và phát triển, được nâng lên thành đối tác toàn diện. Thương mại song phương và đầu tư của Việt Nam tại Myanmar tiếp tục được thúc đẩy mặc dù có những thách thức, khó khăn do đại dịch COVID-19. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng nêu rõ Việt Nam hoan nghênh Myanmar đã tích cực tham gia tiến trình hội nhập khu vực, trong đó có việc cùng các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và Trung Quốc hoàn thành đàm phán và ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - dấu mốc quan trọng của hợp tác thương mại khu vực; đồng thời Việt Nam chúc Myanmar thành công trong Phiên Rà soát chính sách thương mại này.
Thông qua Phiên họp, các Thành viên WTO có cơ hội để nắm bắt sâu hơn và toàn diện hơn về sự phát triển, những thay đổi và thách thức trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và các chính sách liên quan của Myanmar trong giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 11/2020.
Đại diện cho ASEAN, Đại sứ Brunei tại Geneva đã trình bày phát biểu chung của các nước ASEAN, trong đó đánh giá cao những cam kết hội nhập thương mại toàn cầu và khu vực cũng như những phát triển và cải cách đáng kể của Myanmar về thương mại và đầu tư. Myanmar cùng với các nước thành viên ASEAN đã và đang hợp tác trong hành trình liên tục hướng tới hội nhập kinh tế khu vực rộng lớn hơn, đánh giá cao sự ủng hộ của Myanmar đối với cơ chế thương mại và đầu tư tự do, cởi mở, minh bạch và tích hợp trong khu vực ASEAN thông qua việc nước này tham gia vào các hiệp định thương mại khu vực để cùng nhau đạt được tăng trưởng và thịnh vượng.
Các nước ASEAN hoan nghênh Myanmar đã tăng cường minh bạch trong các lĩnh vực như cấp phép nhập khẩu, định giá hải quan, tiêu chuẩn kỹ thuật và các biện pháp an toàn vệ sinh dịch tễ; đồng thời đánh giá cao các ứng phó của Myanmar làm giảm nhẹ tác động của đại dịch COVID-19 thông qua các gói cứu trợ và thúc đẩy thương mại, tạo thuận lợi cho đầu tư.
Bên cạnh đó, trước những phát biểu của một số nước nêu quan ngại về diễn biến chính trị hiện nay ở Myanmar, bài phát biểu chung của ASEAN tại Phiên họp này cho biết, các nước ASEAN đang theo sát diễn biến hiện nay ở Myanmar và có chung quan điểm rằng ổn định chính trị ở các quốc gia thành viên ASEAN là điều cần thiết để đạt được một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Các Thành viên WTO phát biểu tại Phiên họp đều đánh giá cao, ủng hộ các nỗ lực của Myanmar về giảm đói nghèo và bất bình đẳng, thực hiện sự chuyển đổi kinh tế rõ ràng, từng bước đưa nền kinh tế mở cửa hơn với thương mại và đầu tư nước ngoài. Một số ý kiến hoan nghênh sự tham gia tích cực của Myanmar tại WTO, khi nước này đã tham gia vào quá trình đàm phán nhiều bên về thương mại điện tử; đàm phán đa phương về Hiệp định trợ cấp thủy sản; thuận lợi hóa đầu tư; doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; đồng thời cũng tham gia tuyên bố Buenos Aires về vai trò của phụ nữ trong thương mại.
Tuy nhiên, một số Thành viên WTO đã nêu quan ngại về tính minh bạch của các quy định về thương mại và đầu tư, việc thực thi nghĩa vụ thông báo của Myanmar trong lĩnh vực thuận lợi hóa thương mại, doanh nghiệp nhà nước, nông nghiệp và sở hữu trí tuệ; giấy phép nhập khẩu và những hạn chế nhập khẩu hoa quả; việc tuân thủ Hiệp định về định giá hải quan; tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt là về việc chấp nhận Mẫu D điện tử và theo dõi trực tuyến Mẫu D. Đồng thời, nhiều ý kiến phát biểu cũng khuyến khích Myanmar tiếp tục thúc đẩy các cải cách nhằm thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa và giải quyết bất bình đẳng, kêu gọi Myanmar tiến hành cải cách cơ cấu sâu hơn và tăng cường tự do hóa trong các lĩnh vực chiến lược.