Nội dung quan trọng của phiên họp là phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó tổng giám đốc và các trợ lý tổng giám đốc WIPO do Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang đề xuất. Do đại dịch COVID-19, phiên họp được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung tại trụ sở chính của WIPO tại Geneva.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, phát biểu khai mạc phiên họp, tân Tổng Giám đốc Daren Tang cho biết ông đã lựa chọn và đề xuất danh sách 8 người đứng đầu các bộ phận chức năng của WIPO, gồm 4 phó tổng giám đốc và 4 trợ lý tổng giám đốc, trên cơ sở đánh giá các kỹ năng và năng lực của họ nhằm dẫn dắt WIPO bước sang một trang giai đoạn mới.
Tổng Giám đốc Daren Tang nêu rõ: “Những người đứng đầu các bộ phận đóng vai trò quan trọng với tư cách những quan chức cao cấp nhất của tổ chức. Cùng nhau và cùng với tôi, họ đưa ra tiếng nói ở cấp cao nhất của tổ chức. Với tư cách là một ê kíp, chúng tôi không chỉ chịu trách nhiệm về chiến lược và định hướng mà còn phải chuyển các định hướng, chiến lược thành các chương trình, sáng kiến và hành động cụ thể”. Ông bày tỏ mong muốn của ban lãnh đạo WIPO hợp tác với tất cả các thành viên và các bên liên quan để xây dựng hệ sinh thái về sở hữu trí tuệ mang tính toàn cầu cân bằng, toàn diện, hướng tới tương lai và năng động.
Về danh sách đề cử này, Tổng Giám đốc Daren Tang nhấn mạnh 3 trong số 4 chức vụ phó tổng giám đốc WIPO do phụ nữ đảm nhiệm, chiếm 37,5% số quan chức cấp cao nhất của WIPO. Ông khẳng định đây là ban lãnh đạo cấp cao cân bằng nhất về bình đẳng giới trong lịch sử của WIPO, thể hiện sự nghiêm túc trong cam kết của tổ chức này về bình đẳng giới.
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đánh giá các ứng viên được đề xuất đều có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm làm việc với chuyên môn nghiệp vụ rất phong phú và họ có thể đại diện cho lợi ích của WIPO một cách cân bằng.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh Việt Nam tin rằng việc xem xét các khía cạnh về năng lực, kinh nghiệm và chuyên môn khác nhau, cũng như sự đại diện cân bằng về địa lý và đa dạng giới tính có thể tạo động lực mới cho sự phát triển hơn nữa của WIPO. Do đó, Việt Nam hoàn toàn ủng hộ đề xuất về đội ngũ lãnh đạo cấp cao do Tổng Giám đốc Daren Tang đưa ra. Việt Nam cũng đánh giá cao những đóng góp xuất sắc của đội ngũ lãnh đạo cấp cao WIPO sắp mãn nhiệm đối với công tác của WIPO trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cho biết với tư cách là thành viên tích cực và có trách nhiệm của WIPO, Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ và mang tính xây dựng với tân Tổng Giám đốc Daren Tang, đội ngũ lãnh đạo cấp cao mới của ông và các nước thành viên của WIPO để thúc đẩy hoạt động và vai trò của tổ chức này trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vì lợi ích của tất cả các nước thành viên.
Cũng tại phiên họp, đại diện của các nhóm nước khu vực và các nước thành viên Ủy ban Điều phối đều phát biểu ủng hộ các ứng cử viên vào các vị trí lãnh đạo cấp cao do Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang đề cử. Kết thúc cuộc họp, Ủy ban Điều phối đã nhất trí thông qua danh sách đề cử này. Nhiệm kỳ của các phó tổng giám đốc và các trợ lý tổng giám đốc WIPO sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2021 và trùng với nhiệm kỳ của Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang kéo dài 6 năm, bắt đầu từ ngày 1/10/2020.