Ngày 12/6, Hội nghị Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) Đông Á đã khai mạc tại thủ đô Giacácta (Inđônêxia), với sự tham dự của hơn 600 đại biểu gồm Tổng thống nước chủ nhà Susilo Bambang Yudhoyono, Chủ tịch WEF đồng thời là nhà sáng lập WEF Klaus Schwab cùng nhiều lãnh đạo nhà nước, chính phủ, quan chức cấp cao các nước và đại diện một số tổ chức quốc tế. Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát dẫn đầu.
Tổng thống Inđônêxia Susilo Bambang Yudhoyono (giữa) tại phiên khai mạc Hội nghị WEF Đông Á ngày 12/6. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Yudhoyono đã nêu bật tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước trong khuôn khổ WEF nhằm đối phó với một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại hiện nay là đảm bảo an ninh lương thực bền vững. Tổng thống Inđônêxia khẳng định, châu Á hiện đang dẫn đầu về tăng trưởng, có thể giúp cân bằng nền kinh tế thế giới, đồng thời nhấn mạnh rằng kinh tế thế giới không thể chỉ dựa vào sự tăng trưởng mạnh của các nền kinh tế mới nổi mà còn cần sự phát triển lành mạnh của các nền kinh tế trên toàn cầu, và điều này đòi hỏi phải điều chỉnh cơ cấu để khắc phục tình trạng mất cân bằng toàn cầu.
Tổng thống Yudhoyono lưu ý đến đòi hỏi giải quyết các áp lực ngày càng tăng xuất phát từ tình trạng mất an ninh thực phẩm, năng lượng và nước, nhất là ở châu Á – khu vực chiếm tới 60% trong tổng dân số 7 tỷ người của Trái Đất. Theo Tổng thống Yudhoyono, sự gia tăng dân số cùng với sự phát triển kinh tế sẽ làm gia tăng hoạt động tìm kiếm và cạnh tranh các nguồn tài nguyên hữu hạn của tự nhiên. Tổng thống Inđônêxia đề nghị châu Á nỗ lực hơn nữa để trở thành trung tâm của sự đổi mới toàn cầu, và nhấn mạnh trong tiến trình này công nghệ sẽ là chìa khóa để giải quyết những thách thức của châu lục như nghèo đói, bất công và suy thoái.
Hội nghị đã tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến sáng kiến "Tầm nhìn mới về nông nghiệp ở Đông Á" của WEF, trong đó có các cơ chế, biện pháp xử lý rủi ro như sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu, các thảm họa tự nhiên, tình trạng suy giảm độ che phủ của rừng, mất cân bằng hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường... trên thế giới và châu Á. Hội nghị cũng đã trao đổi về cơ hội và thách thức đối với khu vực, trong đó tập trung vào các chủ đề giải pháp của Đông Á đối với an ninh lương thực toàn cầu, phối hợp công - tư; các biện pháp của châu Á nhằm đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng và nước bền vững cả về khía cạnh chính trị lẫn môi trường, nhất là trong bối cảnh sức ép dân số gia tăng trên phạm vi toàn cầu.
Phát biểu tại hội nghị, đồng Chủ tịch WEF Paul Polman, đồng thời là Giám đốc đièu hành tập đoàn Unilever đã nhấn mạnh đến sự cấp thiết xây dựng một hệ thống đảm bảo an ninh lương thực, bởi "cứ 6 giây lại có một trẻ em trên thế giới bị chết vì thiếu thức ăn".
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Mỹ Marvell Technology dự đoán châu Á sẽ trở thành khu vực kinh tế lớn nhất thế giới trong một thập kỷ tới, bởi động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới đang "chuyển từ phương Tây sang châu Á".
Trước phiên khai mạc chính thức, ngày 11/6, WEF Đông Á đã có phiên họp kín bàn về việc thúc đẩy sáng kiến “Tầm nhìn mới về nông nghiệp ở Đông Á”; tập trung thảo luận về các mô hình sáng kiến hợp tác và xác định các cơ hội để triển khai sáng kiến “Tầm nhìn mới về nông nghiệp ở Đông Á”; thông qua các giải pháp thị trường nhằm xây dựng nền nông nghiệp có khả năng đảm bảo an ninh lương thực bền vững về môi trường và có lợi về kinh tế.
Cũng trong ngày 11/6, bên lề phiên họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Nông nghiệp Inđônêxia Suswono.
Việt Tú (P/v TTXVN tại Inđônêxia)