Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cùng nhiều đại diện các ban, bộ, ngành trung ương... đã tới dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nhấn mạnh, thực tế hiện nay cho thấy, bệnh lao hiện nay vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới dẫn đến cái chết của gần 2 triệu người hàng năm và bệnh lao kháng thuốc đã đe dọa an ninh y tế toàn cầu. Mặc dù, khoa học công nghệ đã tạo ra những công cụ để phát hiện và chẩn đoán lao nhanh, chính xác có đủ các thuốc, phác đồ điều trị nhưng số người chết vì lao có giảm nhưng rất chậm, vẫn có nhiều người tiếp tục mắc lao và bệnh lao vẫn trường tồn – đó là một thực tế nghịch lý buồn.
Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có gần 130.000 người mắc lao mới hàng năm, gây ra tử vong cho khoảng 16.000 người năm 2015.
Việt Nam đã đặt chỉ tiêu giảm 30% tỷ lệ hiện mắc và giảm 40% tỷ lệ tử vong do bệnh lao trong vòng 5 năm từ 2015 – 2020. Chương trình Phòng chống lao quốc gia đã áp dụng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong việc sử dụng các test chẩn đoán mới như genExpert, Hain test trong phát hiện sớm bệnh lao và cắt đứt nguồn lây. Đồng thời chương trình cũng thí điểm sử dụng các thuốc mới như Bedquiline và phác đồ điều trị lao đa kháng ngắn hạn.
Bác sĩ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh thăm khám cho bệnh nhân lao. Ảnh: Phương Vy/TTXVN. |
Việt Nam đang là nước đi đầu thế giới trong công tác phòng chống lao vì những chiến lược mới và phù hợp. Thế giới có 54% số ca mắc Lao đa kháng thuốc được chữa khỏi nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam đã đạt hơn 70%. Nếu điều trị theo phác đồ chín tháng, tỷ lệ thành công có thể lên tới 85%. 98% gia đình có người mắc lao sẽ không phải đối diện với chi phí "thảm họa" như trước.
Hiện số người mắc bệnh lao đang giảm hàng năm khoảng 5-6%, số tử vong vì bệnh giảm nhanh hơn. Trong hai năm 2015-2016, cả nước đã giảm 3.000 người chết vì lao. Nguyên nhân là bệnh nhân được phát hiện sớm, chủ động và nhiều hơn.
Việt Nam có kết quả điều trị bệnh Lao rất tốt, phát hiện sớm tất cả các thể lao, cung cấp dịch vụ điều trị lao cho tất cả người bệnh sau chẩn đoán, điều trị lao tiềm ẩn. Hàng năm cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% trường hợp mắc mới.
Tuy nhiên, dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. 20% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng. Nguyên nhân khiến công tác phòng chống lao vẫn gặp khó khăn do hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng...
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, chủ đề ngày thế giới phòng chống lao năm nay là: "Lãnh đạo cam kết hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao. Mỗi người, mỗi ngành, mỗi tổ chức hãy cùng hành động để chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam". Chủ đề muốn nêu rõ định hướng và mục tiêu cụ thể đó là cơ bản chấm dứt bệnh lao, tức là với dân số 100 triệu thì cả nước chỉ còn 1000 người mắc lao 1 năm, trong khi hiện nay hàng năm ước tính Việt Nam vẫn có 126.000 mắc lao mới.
"Chúng ta cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lãnh đạo các cấp cần nêu cao trách nhiệm của mình cho mục tiêu này. Đồng thời các ngành các cấp và toàn thể người dân có đầy đủ kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình, người thân của mình bằng cách tiếp cận tốt nhất với dịch vụ phòng chống lao hiện đại, sẵn có trên toàn quốc", Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh.
Năm 2018, Chương trình chống lao quốc gia sẽ mở rộng sàng lọc tới các nhóm đối tượng nghi kháng thuốc và 100% nhóm bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới. Để thực hiện được yêu cầu này, Chương trình chống lao sẽ tăng số máy Gene, đảm bảo cung ứng cartridge, falcon đầy đủ, vận dụng tối ưu hệ thống chuyển mẫu qua bưu điện; xây dựng mô hình quản lý bệnh nhân lao kháng thuốc một cách linh hoạt, tiếp cận lấy người bệnh làm trung tâm và giảm thiểu tỷ lệ bỏ điều trị; mở rộng triển khai phác đồ ngắn hạn điều trị lao đa kháng thuốc trên phạm vi toàn quốc; tăng cường phát hiện và quản lý bệnh nhân tiền kháng, siêu kháng; cung ứng đủ thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, xét nghiệm theo dõi điều trị đảm bảo bệnh nhân được thu nhận điều trị kịp thời ngay sau khi phát hiện và đạt tỷ lệ điều trị thành công cao (90%)…
Nhân ngày Thế giới phòng chống lao 24/3/2018, Chương trình chống lao quốc gia, Bệnh viện Phổi trung ương phát động cuộc thi sáng tác về chủ đề “Chúng ta hãy cùng nhau để chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam” nhằm giới thiệu về bệnh lao và phòng chống lao qua các tác phẩm văn học nghệ thuật để dễ đi vào lòng người nhằm lan toả lòng nhân ái, ý chí vượt khó khăn, xoá đi kỳ thị để tăng tiếp cận cho mọi người dân. Động viên khuyến khích, tôn vinh những gương người tốt việc tốt, tấm lòng hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ áo trắng, nhà hoạt động xã hội tích cực, nhà lãnh đạo tiên phong trong công tác phòng chống lao; huy động khối đoàn kết toàn xã hội hành động và đầu tư nguồn lực cho chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam.
Cùng với đó, Chương trình cũng ra mắt “Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao” nhằm khích lệ động viên mọi người bao gồm người bệnh, thầy thuốc, cộng đồng cùng thực hiện tiến trình chấm dứt bệnh lao tốt hơn, nhân văn hơn. Mục tiêu cơ bản của Quỹ là hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho những người bệnh lao chưa có thẻ, giúp kinh phí đồng chi trả cho tất cả những người bệnh lao trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn để tất cả mọi người dân đều được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao. “Không bỏ lại ai ở phía sau” như tiêu chí của Đại hội đồng Liên hiệp quốc cho mục tiêu phát triển bền vững.