Nói như ông Hoàng Văn Tùng, Trưởng Ban đại diện Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Ky-tô Việt Nam, việc được Nhà nước công nhận sẽ giúp cho cộng đồng tín hữu có được sự tổ chức chặt chẽ và đầy đủ để tuân thủ theo hướng dẫn của pháp luật. Điều này cho thấy chính sách tôn giáo ở Việt Nam có sự thay đổi mạnh mẽ, ngày càng tự do và rộng mở. Ông Bùi Thanh Hà, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã dành cho phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cuộc trao đổi cởi mở về vấn đề này.
Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà phát biểu tại Lễ đón nhận Quyết định công nhận Ban đại diện Giáo hội Các thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kytô - Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Với việc công nhận Ban đại diện Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Ky-tô - Việt Nam, đến nay ở Việt Nam đã có bao nhiêu pháp môn và tổ chức tôn giáo được công nhận? Và điều này có ý nghĩa thế nào, thưa ông? Cho đến giờ phút này, Việt Nam đã công nhận tới 39 tổ chức tôn giáo và một pháp môn tu. Chúng ta sẽ còn tiếp tục xem xét công nhận theo quy định pháp luật đối với các tổ chức tôn giáo trong thời gian tới. Tôi nghĩ việc công nhận một tổ chức tôn giáo cũng đã cho thấy rất rõ là việc thực hiện các quy định pháp luật của chúng ta được triển khai một cách cụ thể, từ việc công nhận tổ chức đến các hoạt động khác. Theo tôi ý nghĩa rất quan trọng đó là việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật đã được ban hành.
Thứ hai, việc công nhận và triển khai thực hiện các quy định pháp luật đối với các tổ chức tôn giáo cũng là một việc để Nhà nước bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người theo quy định của Hiến pháp.
Thứ ba, mặc dù là một tổ chức tôn giáo rất nhỏ so với nhiều tổ chức nhưng Nhà nước vẫn thực hiện công nhận Ban đại diện Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Ky-tô Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam không phân biệt đối xử giữa các tôn giáo. Chúng ta tôn trọng và đảm bảo sự bình đẳng của các tôn giáo. Dù tôn giáo lớn hay nhỏ đều được xem xét theo các quy định của pháp luật một cách bình đẳng.
Thứ tư, tôi cho rằng đây cũng là một dịp để bà con tín hữu các tôn giáo nói chung cũng như cộng đồng quốc tế thấy được việc chúng ta thực hiện chính sách tôn giáo đảm bảo quyền cho người dân theo tinh thần của Hiến pháp cũng như các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Họ sẽ thấy được trong quá trình chúng ta thực hiện, quyền đó được đảm bảo, không chỉ cho những tổ chức tôn giáo lớn mà cho cả những tổ chức tôn giáo nhỏ. Các nhóm tôn giáo, tổ chức tôn giáo tới đây khi xuất hiện ở Việt Nam cũng được thực hiện theo pháp luật, cũng được đảm bảo quyền hoạt động tôn giáo của mình.
Ông có thể cho biết đôi nét về tổ chức tôn giáo này ở Việt Nam? Đây là một tổ chức đã có ở Việt Nam từ năm 1967 nhưng qua thời gian, hoạt động của họ gián đoạn. Gần đây, Ban Tôn giáo Chính phủ đã công nhận lại hoạt động cho họ. Mặc dù như tôi nói đây là tổ chức có số lượng tín đồ ít, nhưng họ tham gia rất tích cực trong hoạt động chung của các địa phương cũng như phong trào chung của các cơ quan có trách nhiệm. Hiện tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Còn các địa phương khác, số lượng tín hữu cũng rất ít, họ về sinh hoạt tại các điểm nhóm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sinh hoạt của họ rất nề nếp, có quy định rất tốt. Đây là một tổ chức tôn giáo tuy nhỏ ở Việt Nam, nhưng chúng tôi đánh giá là một tổ chức tuân thủ pháp luật và có những hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, có những đóng góp rất cụ thể.
Ông mong muốn gì ở các tổ chức tôn giáo nói chung và Ban đại diện Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ky-tô nói riêng? Có rất nhiều việc chúng ta mong họ thực hiện. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hiện nay có số lượng tín hữu rất lớn, chiếm tới trên 27% dân số. Với một số lượng tín hữu như vậy, chúng ta rất mong muốn tín hữu của các tổ chức tôn giáo nói chung sẽ cùng với tất cả cộng đồng dân tộc thực hiện các mục tiêu chung, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh theo đúng định hướng chúng ta đã lựa chọn.
Thứ hai, chúng tôi cũng rất mong các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam sẽ phát huy được những giá trị về mặt văn hóa, đạo đức, để thông qua đó đóng góp trực tiếp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thứ ba, chúng tôi rất mong muốn các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục chung sống với nhau một cách hòa bình để không có những xung đột, va chạm do niềm tin khác nhau. Thông qua đó, giúp cho ổn định xã hội tốt hơn.