Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, đã có phát biển thay mặt các nước ASEAN tại cuộc họp. Phát biểu chung của ASEAN ghi nhận những thách thức mới đối với giải trừ quân bị và an ninh quốc tế, khẳng định ASEAN ủng hộ các nỗ lực quốc tế về chống phổ biến và giải trừ quân bị các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm hướng tới một thế giới không còn vũ khí hạt nhân.
Đại sứ Đặng Đình Quý nêu bật quan ngại của ASEAN về sự tồn vong của vũ khí hạt nhân, cũng như hậu quả việc sử dụng loại vũ khí này. ASEAN cho rằng xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là giải pháp duy nhất, ủng hộ việc thực hiện nghiêm túc Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), hướng tới Hội nghị Kiểm điểm NPT lần thứ 10 vào năm 2021.
ASEAN kêu gọi các nước tiếp tục ký, phê chuẩn để Hiệp ước Cấm thử hạt nhân (CTBT) và Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) sớm có hiệu lực. Đại sứ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại, đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng hỗ trợ các bên liên quan thúc đẩy tiến trình này, khẳng định sự ủng hộ của ASEAN đối với các nỗ lực về quản lý và kiểm soát các loại vũ khí thông thường, vũ khí mới, sử dụng hòa bình khoảng không vũ trụ.
Qua phát biểu này, ASEAN cũng khẳng định cam kết đối với khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, đề cao hợp tác của ASEAN với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và hợp tác của ASEAN trong khuôn khổ Trung tâm Hành động về bom mìn của ASEAN (ARMAC) về giải quyết hậu quả bom, mìn sau chiến tranh.
Ủy ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế, còn gọi là Uỷ ban 1, là một trong 6 ủy ban chính của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ủy ban 1 phụ trách các vấn đề về giải trừ quân bị liên quan an ninh quốc tế. Phiên họp của Uỷ ban 1 kéo dài trong các tháng 10-11 hàng năm. Các vấn đề tại Ủy ban 1 liên quan chặt chẽ với nhiều vấn đề về an ninh quốc tế tại Hội đồng Bảo an. Ủy ban 1 thông qua khoảng 60 nghị quyết, quyết định mỗi năm về giải trừ quân bị và sau đó trình Đại hội đồng LHQ thông qua.