Việt Nam kêu gọi tăng cường bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang trước tác động của đại dịch 

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 7/5, Hội đồng Bảo an LHQ đã họp theo thể thức Arria về “Tác động của đại dịch COVID-19 đối với trẻ em trong xung đột vũ trang” với sự tham dự của 32 nước, một số cơ quan của LHQ và các tổ chức phi chính phủ.

Chú thích ảnh
Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. Ảnh: Hữu Thanh/PV TTXVN tại New York

Cuộc họp lần này được các ủy viên HĐBA gồm Estonia, Na Uy, Pháp, Tunisia, Ireland, Anh, Mỹ, Kenya, Niger, Saint Vincent và Grenadines, Việt Nam cùng các nước Bỉ, Thụy Điển, Đức và Canada đồng tổ chức.

Tại cuộc họp, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về trẻ em và xung đột vũ trang, bà Virginia Gamba đã chia sẻ một số đánh giá của LHQ về tác động của đại dịch đối với trẻ em trong xung đột vũ trang, trong đó nhấn mạnh đại dịch COVID-19 và các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh đã làm trì hoãn nhiều hoạt động hỗ trợ trẻ em trong xung đột vũ trang. Bên cạnh đó, đại dịch cũng tác động nghiêm trọng đến năng lực của LHQ trong việc giám sát và xác minh các vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em trong xung đột vũ trang, cản trở các nỗ lực của LHQ ở cấp quốc gia trong việc liên hệ với các bên tham gia xung đột nhằm chấm dứt và ngăn ngừa các vi phạm đối với trẻ em. Bà cũng cho biết theo dữ liệu hiện có của LHQ, việc tuyển mộ, sử dụng bạo lực tình dục và đối xử tệ bạc đối với trẻ em trong trại giam có xu hướng gia tăng. 

Các ý kiến tại cuộc họp chia sẻ những thách thức liên quan đến bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang, cho rằng đại dịch đang gây thêm nhiều khó khăn cho công tác này. Giữa đại dịch, trẻ em trong xung đột còn phải chịu nhiều tổn thương và thiệt thòi hơn như không được tới trường do trường học bị đóng cửa hay bị tấn công, dễ bị bạo lực tình dục, có khả năng bị các nhóm vũ trang, khủng bố lôi kéo, tuyển mộ và sử dụng. Các nước đã trao đổi về những giải pháp đối với vấn đề này, trong đó, nhiều nước nhấn mạnh các chính phủ cần có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ và bảo đảm lợi ích tốt nhất của các em, cũng như cần tăng cường hợp tác quốc tế, cả về mặt tài chính, nhằm thúc đẩy việc bảo vệ trẻ em ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. 

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý bày tỏ quan ngại về những mất mát cũng như những thiệt thòi của trẻ em trong xung đột vũ trang, cho rằng đại dịch COVID-19 đã và đang làm trầm trọng thêm hiện trạng, gây thêm khó khăn cho cơ chế giám sát và báo cáo của LHQ đối với vấn đề này.

Đại sứ nhấn mạnh các quốc gia trong xung đột vũ trang phải chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ, ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em, bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của trẻ em và tuân thủ luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế.

Đồng thời, để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, Đại sứ cho rằng cần bảo đảm giáo dục và tăng cường trao quyền cho trẻ em, qua đó sẽ giúp các em nuôi dưỡng và phát triển văn hóa hòa bình. Các bên tham gia xung đột vũ trang cần ngay lập tức ngăn ngừa và chấm dứt tất cả các cuộc tấn công vào trường học.

Đại sứ cũng nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác quốc tế hơn nữa để công tác giám sát được hiệu quả, các biện pháp bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang được triển khai kịp thời, đầy đủ và hiệu quả ở cả cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. 

Họp theo thể thức Arria là hình thức họp không chính thức của Hội đồng Bảo an nhằm thảo luận về các vấn đề quan trọng, mới nổi, có sự tham dự của các nước trong và ngoài HĐBA cũng như các tổ chức quốc tế.

Hải Vân (TTXVN)
Việt Nam với HĐBA LHQ: Dấu ấn và thông điệp của Việt Nam trên trường quốc tế
Việt Nam với HĐBA LHQ: Dấu ấn và thông điệp của Việt Nam trên trường quốc tế

Việt Nam vinh dự lần thứ hai làm Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN