Một số các báo cáo viên đại diện cho một số tổ chức trong và ngoài Myanmar cũng được các nước đồng chủ trì mời tham dự và thông tin về tình hình hiện nay ở Myanmar. Các báo cáo viên đều bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay ở Myanmar, cảnh báo về các nguy cơ khủng hoảng kinh tế, lương thực, y tế cũng như nguy cơ xảy ra nội chiến. Nhiều ý kiến kêu gọi kiềm chế bạo lực, tránh làm gia tăng căng thẳng tình hình và đề nghị giải quyết các khác biệt, bất đồng thông qua đối thoại và hòa giải phù hợp với nguyện vọng của người dân Myanmar.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo đảm tính mạng, an ninh, an toàn cho tất cả mọi người và hỗ trợ nhân đạo không bị cản trở cho những người cần được trợ giúp, nhất là các nhóm yếu thế trong xã hội. Đại sứ kêu gọi các bên liên quan ở Myanmar kiềm chế các hành vi bạo lực, tiến hành đối thoại và hòa giải theo ý chí và nguyện vọng của người dân, vì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Đại diện Việt Nam cho rằng cộng đồng quốc tế cần đóng góp một cách xây dựng để giúp Myanmar ngăn chặn bạo lực, thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đối thoại và hòa giải, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Myanmar, ủng hộ vai trò của Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Myanmar và kêu gọi các bên tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến công tác này của Đặc phái viên tới Myanmar.
Đại sứ khẳng định 55 triệu người dân Myanmar đều là thành viên của Đại gia đình ASEAN và ASEAN luôn sẵn sàng giúp đỡ Myanmar một cách xây dựng, hòa bình thông qua các cơ chế liên quan. Các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam đã và đang cùng các bên liên quan ở Myanmar thúc đẩy đối thoại, tạo thuận lợi cho việc tìm giải pháp cho vấn đề này. Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ các nỗ lực và lập trường của ASEAN, mong muốn các cuộc thảo luận ở LHQ về các vấn đề quan trọng liên quan cần có sự tham vấn đầy đủ với các nước ASEAN và các nước khác trong khu vực.
Họp theo thể thức Arria là hình thức họp không chính thức của HĐBA nhằm thảo luận về các vấn đề quan trọng, mới nổi, có sự tham dự của các nước trong và ngoài HĐBA cũng như các tổ chức liên quan. Các nước khởi xướng sẽ đồng chủ trì cuộc họp, trong đó có việc thu xếp hình thức tham dự của các nước ngoài HĐBA và các báo cáo viên. Cuộc họp lần này được tổ chức công khai, trong đó các báo cáo viên và các thành viên HĐBA phát biểu trực tiếp, các nước không phải là thành viên HĐBA gửi các bài phát biểu tới các nước chủ trì.