Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác khu vực và vai trò hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có LHQ, trong việc giải quyết bất ổn an ninh tại CH Trung Phi.
Báo cáo tại HĐBA về tình hình khu vực Trung Phi, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ kiêm Trưởng Văn phòng UNOCA François Louncény Fall cho biết giai đoạn vừa qua chứng kiến nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác và hội nhập của các nước khu vực. Điểm nhấn là việc tổ chức tiểu khu vực Cộng đồng Kinh tế các nước Trung Phi (ECCAS) tiếp tục thúc đẩy cải tổ thể chế và thực hiện các ưu tiên chiến lược giai đoạn 2021-2025, với trọng tâm là duy trì hòa bình và an ninh. Một tổ chức tiểu khu vực khác tại Trung Phi là Tổ chức Khu vực các hồ lớn (ICGLR) cũng đang đẩy mạnh các nỗ lực trung gian, hòa giải nhằm hỗ trợ tiến trình hòa bình tại CH Trung Phi. Trước thách thức to lớn mà đại dịch COVID-19 gây ra do nguồn lực hạn chế, các nước khu vực cũng duy trì nỗ lực hợp tác nhằm ngăn ngừa tác động của đại dịch, trong đó có thúc đẩy triển khai các chiến lược tiêm vaccine phòng bệnh.
Tuy nhiên, Đại diện đặc biệt Fall cho rằng tình hình an ninh trong khu vực vẫn phức tạp, đáng chú ý là hoạt động của Boko Haram tại lưu vực hồ Chad, hoạt động của cướp biển trên Vịnh Guinea và giao tranh căng thẳng giữa chính quyền và các nhóm vũ trang đối lập tại Tây Bắc và Tây Nam Cameroon.
Bạo lực, thiên tai, dịch bệnh cùng tác động của COVID-19 đang gây hậu quả nhân đạo nghiêm trọng tại Trung Phi, đặc biệt khi tiểu khu vực này là nơi có nhiều người bị buộc rời khỏi nơi cư trú nhất châu lục.
Các nước ủy viên HĐBA nhìn chung chia sẻ lo ngại về tình hình an ninh, kinh tế-xã hội khó khăn và khủng hoảng nhân đạo tại Trung Phi. Các nước cũng ghi nhận và ủng hộ tăng cường các nỗ lực hợp tác khu vực nhằm giải quyết thách thức chung, đặc biệt là đối phó với các nhóm vũ trang và khủng bố.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Đại biện lâm thời của Việt Nam tại LHQ, hoan nghênh nỗ lực của các nước trong bảo đảm an ninh, ổn định và thúc đẩy hợp tác khu vực. Đại sứ cũng chia sẻ lo ngại về bất ổn kéo dài ở một số nơi và tình hình hình nhân đạo phức tạp do tác động của bất ổn, bệnh dịch, biến đổi khí hậu cũng như COVID-19. Đại sứ nhấn mạnh cần phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bất ổn an ninh vì mục tiêu hòa bình và ổn định lâu dài cho người dân khu vực Trung Phi, cụ thể thông qua việc thúc đẩy hợp tác giải quyết các thách thức an ninh từ hoạt động của khủng bố và các nhóm vũ trang, tăng cường quản lý tài nguyên, thúc đẩy hòa giải ở cấp quốc gia và khu vực, đẩy mạnh hội nhập. Để làm việc này, đại diện Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác khu vực và vai trò hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có LHQ.
Cùng ngày, HĐBA đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 2609 với sự đồng thuận tuyệt đối. Nghị quyết quyết định gia hạn nhiệm vụ cho UNISFA và nhiệm vụ hỗ trợ Cơ chế Giám sát và phân định biên giới (JBVMM) của UNISFA đến ngày 15/5/2022. Nghị quyết kêu gọi Sudan và Nam Sudan có các nỗ lực để thúc đẩy giải quyết vấn đề Abyei và bảo đảm an ninh, an toàn, tự do đi lại cho nhân viên của UNISFA. Nghị quyết cũng khuyến khích Liên minh châu Phi (AU) và Đặc phái viên Tổng Thư ký LHQ về khu vực Sừng Châu Phi tăng cường hỗ trợ Sudan và Nam Sudan trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài cho vấn đề Abyei.