Đây là cuộc họp riêng diễn ra hằng năm nhằm trao đổi thông tin, đối thoại giữa HĐBA và Tòa án Quốc tế về các vấn đề pháp lý liên quan đến duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, khẳng định Tòa án Quốc tế đóng vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế thông qua cơ chế xét xử các vụ kiện giữa các quốc gia và cơ chế cho ý kiến tư vấn pháp lý. Đại sứ cũng khẳng định HĐBA và Tòa án Quốc tế có vai trò tách biệt song bổ trợ lẫn nhau, đặc biệt trong giải thích, áp dụng, thúc đẩy, đề cao và phát triển luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh các thách thức đối với hòa bình, an ninh quốc tế gia tăng và các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế tiếp diễn tại nhiều khu vực, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh HĐBA cần đề cao và sử dụng luật pháp quốc tế như các công cụ hữu hiệu nhằm duy trì hòa bình an ninh quốc tế. Đại sứ đề nghị HĐBA và Tòa án Quốc tế tăng cường hợp tác thông qua các cơ chế được Hiến chương LHQ cho phép như HĐBA khuyến khích các bên tranh chấp đưa vụ việc sang giải quyết tại Tòa án Quốc tế, xin ý kiến tư vấn của Tòa án Quốc tế về các khía cạnh pháp lý liên quan đến các đề mục thuộc chương trình nghị sự của HĐBA hoặc hỗ trợ thực thi bản án của Tòa án Quốc tế nếu có yêu cầu từ các bên tranh chấp.
Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; khẳng định các quốc gia có thể lựa chọn nhiều phương thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiến chương LHQ, trong đó bao gồm cơ chế xét xử tài phán. Đại sứ khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tăng cường vai trò của các cơ quan pháp lý quốc tế trong thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các nước, góp phần vào duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết, Việt Nam ủng hộ các tiến trình pháp lý quốc tế, trong đó có Tòa án Quốc tế, ủng hộ tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực quốc gia trong sử dụng các cơ chế xét xử, trọng tài quốc tế và kêu gọi Tòa án Quốc tế tăng cường các hoạt động đào tạo, kết nối với những người trẻ tuổi trong lĩnh vực pháp lý quốc tế.
Tòa án Quốc tế là cơ quan xét xử chính của LHQ, được thành lập năm 1945 theo Hiến chương LHQ, có tiền thân là Tòa án Quốc tế thường trực được thành lập cùng với sự ra đời của Hội Quốc liên. Tòa án Quốc tế có thẩm quyền xét xử các tranh chấp giữa các quốc gia, cung cấp ý kiến tư vấn pháp lý cho HĐBA, Đại Hội đồng LHQ, một số tổ chức quốc tế và cơ quan chuyên môn được Đại Hội đồng LHQ cho phép.