Việt Nam – Đất nước mà người dân Bangladesh đồng cảm

Nhân kỷ niệm 50 năm Việt Nam và Bangladesh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (11/2/1973 – 11/2/2023), báo Tin tức xin giới thiệu bài viết của nguyên Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam, ông Ashraf ud Doula.

Chú thích ảnh
 Nguyên Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam Ashraf ud Doula.

"Năm 2023, Bangladesh và Việt Nam kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tôi rất hạnh phúc khi trong cuộc đời mình có cơ hội phục vụ đất nước mình, vun đắp cho mối quan hệ này, với tư cách là Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam. 

Thời gian ở Việt Nam không chỉ giúp tôi hiểu hơn và ngưỡng mộ sự nghiệp đấu tranh kiên cường giành độc lập, quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam vĩ đại, được chiêm ngưỡng sự trù phú và phong cảnh hữu tình của đất nước này, mà còn có cơ hội đóng góp một phần khiêm tốn vào quá trình phát triển của mối quan hệ song phương.

Chúng tôi, những người sinh ra trong thập niên 50 của thế kỷ trước, lớn lên cùng với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Những câu chuyện về cuộc đấu tranh đó làm chúng tôi trào dâng cảm xúc đồng cảm và ngày càng quan tâm về Việt Nam. 

Bên cạnh đó, tên tuổi vị Lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khắc sâu vào trái tim và tâm trí chúng tôi.

Năm 1971, khi đất nước chúng tôi lâm vào thử thách sống còn, nhờ lòng yêu nước to lớn mà phần nào đó xuất phát từ sự đồng cảm với cuộc chiến vì độc lập của người dân Việt Nam, không một phút do dự, tôi đã tham gia cuộc chiến, quyết chiến đấu vì tự do, giải phóng đất nước khỏi tay kẻ thù.

Cuốn sách “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Giáp là tài sản quý giá nhất của tôi trong cuộc chiến tranh giải phóng, tôi đã đọc đi đọc lại hết ngày này qua ngày khác. Hơn cả định mệnh, ngay cả trong mơ, tôi cũng không bao giờ tưởng tượng được một ngày nào đó tôi sẽ đến Việt Nam mà lại với tư cách Đại sứ của đất nước mình.  

Chú thích ảnh
Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Phạm Việt Chiến (thứ hai từ phải sang) cùng các cán bộ Đại sứ quán chụp ảnh chung cùng Thủ tướng Chính phủ Bangladesh, bà Sheikh Hasina năm 2020. Ảnh: Ảnh: Huy Lê - P/v TTXVN tại Nam Á

Tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố nền độc lập của Việt Nam trước một cuộc mít tinh lớn. Trong Bản Tuyên ngôn độc lập, Người đã tuyên bố: “Chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Chúng ta có thể nghe thấy tiếng vọng của lời tuyên ngôn độc lập này trong phát biểu ngày 7/3/1971 của ông Bangabandhu, kêu gọi nhân dân Bangladesh sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù bằng bất cứ thứ gì họ có: “Cuộc đấu tranh lần này là cuộc đấu tranh giành độc lập. Cuộc đấu tranh lần này là cuộc đấu tranh cho tự do. Một khi chúng ta đã đổ xương máu của mình, nếu cần, chúng ta sẵn sàng hy sinh nhiều hơn thế. Chúng ta sẽ giành được độc lập của chính mình. Tôi kêu gọi các đồng chí, mọi người hãy chuẩn bị tinh thần để chiến đấu với kẻ thù bằng tất cả những gì có trong tay". 

Theo suy nghĩ của tôi, sự tương đồng trong tư tưởng của lãnh tụ hai nước, thể hiện trong lời hiệu triệu đồng bào mình đứng lên đấu tranh giành tự do cho dân tộc mình, giành độc lập cho đất nước mình, chính là nền tảng cho việc thiết lập và phát triển mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Bangladesh. 

Tháng 2/1973, nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và tiếp theo cũng trong năm này là với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, người đại diện chân chính của nhân dân Miền Nam. Ngay sau đó, đầu năm 1974, Việt Nam đã mở Cơ quan đại diện thường trú tại Dhaka, sau đó đóng cửa. Việt Nam mở lại Đại sứ quán tại Dhaka vào năm 2003. Trong khi đó, Bangladesh mở Đại sứ quán thường trú tại Hà Nội từ năm 1993. 

Là Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam từ năm 2002 đến 2004, trong quãng thời gian này, với trọng trách của mình, tôi đã cố gắng thúc đẩy quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước. Hai sự kiện có ý nghĩa mà tôi đã góp phần là thúc đẩy Việt Nam mở lại Cơ quan đại diện tại Dhaka vào năm 2003 và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Bangladesh vào năm 2004. 

Liên quan đến chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tôi có một câu chuyện thú vị. Trước chuyến thăm, Chủ tịch Trần Đức Lương mời riêng tôi lên gặp trực tiếp. Tại cuộc gặp, ngoại trừ một phiên dịch, chỉ có tôi và Chủ tịch Trần Đức Lương. Sau khi hỏi một số chi tiết về Bangladesh, Chủ tịch Trần Đức Lương hỏi tôi có thể làm gì cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước trong chuyến thăm Dhaka. Tôi nhận ra rằng Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều dược phẩm và thời điểm đó, còn Bangladesh đã có một số nhà máy dược, sản xuất thuốc có chất lượng và giá cả phải chăng. Đây có thể là lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác hiệu quả. Tôi đã báo cáo với Chủ tịch Trần Đức Lương về ngành dược phẩm của Bangladesh và khuyến nghị ông thăm một nhà máy tại Dhaka. Tôi cũng báo cáo với Chủ tịch Trần Đức Lương là thuốc tây của Bangladesh sản xuất có chất lượng cao và rẻ hơn nhiều so với những nguồn khác, nên tôi cho rằng Việt Nam có thể tiết kiệm được ngoại tệ nếu nhập khẩu thuốc của Bangladesh. 

Theo khuyến nghị của tôi, Bộ Ngoại giao Bangladesh đã thu xếp chương trình để Chủ tịch Trần Đức Lương thăm nhà máy Square Pharma tại Tongi, Dhaka trong chuyến thăm Bangladesh. Tôi đã tháp tùng Chủ tịch Trần Đức Lương thăm nhà máy dược phẩm này. Chủ tịch Trần Đức Lương đã chia sẻ với tôi rằng Bangladesh có thể tự hào vì có một nhà máy hiện đại như vậy. Hoạt động này của Chủ tịch Trần Đức Lương có ý nghĩa trong việc mở cửa thị trường Việt Nam cho dược phẩm Bangladesh. 

Chú thích ảnh

Trong 50 năm qua, quan hệ hai nước Bangladesh và Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Hợp tác song phương bao trùm toàn bộ các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa… đến giao lưu nhân dân. Quan hệ hợp tác tại các diễn đàn đa phương cũng ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn khi Bangladesh và Việt Nam đều cùng là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực.

Bangladesh và Việt Nam đã trao đổi nhiều chuyến thăm ở các cấp khác nhau, đặc biệt là cấp lãnh đạo cao nhất của mỗi nước. Mỗi chuyến thăm cấp cao đều mang ý nghĩa quan trọng và tạo thêm xung lực mới cho mối quan hệ song phương vốn đã rất tốt đẹp giữa Bangladesh và Việt Nam. 

Hai nước đã ký kết một số hiệp định, thỏa thuận, bản ghi nhớ liên quan đến hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau mà cả hai bên cùng quan tâm và mong muốn đẩy mạnh hơn nữa, như thương mại, nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa... Kim ngạch thương mại song phương Bangladesh - Việt Nam hiện đã đạt gần 1,5 tỷ USD, hoàn toàn có khả năng cán và vượt mốc 2 tỷ USD trong vài năm tới. 

Trong thời khắc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Bangladesh, với rất nhiều điểm tương đồng, mối quan hệ giữa hai nước chúng ta có nhiều tiềm năng để mở rộng, tăng cường, vì lợi ích chung của cả hai nước".

Ashraf ud Doula (Nguyên Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam)
50 năm quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam và Bangladesh
50 năm quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam và Bangladesh

50 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (11/2/1973 - 11/2/2023), quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam và Bangladesh đã có bước phát triển to lớn về mọi mặt, từ chính trị, kinh tế, thương mại cho đến văn hóa, giao lưu nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN