Tổng thư ký Pháp ngữ Michaëlle Jean:

Việt Nam có vai trò tích cực trong cộng đồng Pháp ngữ

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc từ ngày 11 đến 13/10 tại Việt Nam, Tổng thư ký Pháp ngữ Michaëlle Jean đã trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn :

PV: Xin bà cho biết thông điệp của chuyến thăm Việt Nam lần này của bà?


Bà Michaëlle Jean: Mục đích chuyến thăm của tôi trước hết là để cho những người dân Việt Nam hiểu rằng tôi rất yêu mến đất nước của các bạn và Việt Nam luôn trong trái tim tôi. Sở dĩ tôi nói như vậy bởi vì đất nước của các bạn đã trải qua nhiều gian nan thử thách trong quá khứ nhưng các bạn đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn vất vả, vượt lên đau thương để vươn lên như ngày hôm nay. Các bạn đã từng bước khẳng định mình trên trường quốc tế và tăng cường tình đoàn kết hợp tác với các quốc gia khác trên thế giới. Các bạn luôn cố gắng gắn kết một cách hài hòa giữa sự đầu tư với phát triển bền vững, luôn tăng cường sự hợp tác, trao đổi với các nước và chia sẻ kinh nghiệm cũng như khả năng của mình với bạn bè trên thế giới. Cộng đồng Pháp ngữ đánh giá cao điều này, cũng như luôn công nhận những gì Việt Nam đã làm được.

Tổng Thư ký Tổ chức Pháp ngữ (OIF) bà Michaelle Jean thăm Tòa soạn báo Le Courrier du Vietnam. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Mặt khác, chuyến thăm này cũng là một phần trong kế hoạch hành động và cũng là trách nhiệm của tôi với tư cách là Tổng thư ký của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ. Tôi muốn nói tới chiến lược kinh tế, một chiến lược mà theo tôi nghĩ, khá mạnh mẽ và đa dạng trong cộng đồng của chúng ta. Tôi muốn rằng Việt Nam, với tư cách là thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng. Tôi đã cảm nhận điều này ngay từ lần đầu tiên tôi đến Việt Nam vào năm 2014. Tôi thích cái cách mà Việt Nam đề ra những định hướng cho chiến lược kinh tế của mình và chúng tôi cũng đang làm điều đó. Đối với chúng tôi, khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực chiến lược cũng giống như châu Phi, châu Âu hay châu Mỹ. Việt Nam luôn là một quốc gia thành viên đầy tin cậy của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, một tổ chức có nhiều tiềm năng phát triển, trải dài trên năm châu lục với sự tham gia của 80 quốc gia và chính phủ. Số thành viên của tổ chức này đã tăng gấp 4 lần và còn tiếp tục phát triển hơn nữa. Hiện có nhiều quốc gia mong muốn gia nhập Tổ chức quốc tế Pháp ngữ trong đó có các nước ở châu Mỹ La tinh.

Trong khuôn khổ của tổ chức này, Việt Nam cũng có những nghĩa vụ nhất định phải làm với tư cách là thành viên. Đó là tiếp tục phát triển tiếng Pháp cũng như góp phần thúc đẩy tiếng Pháp phát triển hơn nữa trong khu vực nói chung và ngay trong đất nước các bạn nói riêng. Chúng tôi đã ký một Nghị định thư với Việt Nam liên quan đến việc đào tạo tiếng Pháp cho các cán bộ ngoại giao và công chức Nhà nước. Và tất nhiên, chúng tôi mong muốn các chương trình đào tạo này đạt hiệu quả. Tôi mong một ngày nào đó, khi quay lại thăm đất nước các bạn, tôi có thể thấy các vị bộ trưởng có thể nói tiếng Pháp trôi chảy. Tôi cũng mong muốn các cán bộ chuyên ngành của Việt Nam quyết tâm học tiếng Pháp vì tiếng Pháp là ngôn ngữ giao thương thứ ba trên thế giới. Nếu Việt Nam muốn khẳng định mình trên thị trường quốc tế và trong thị trường của khối Pháp ngữ, các chuyên gia của nước này nên biết sử dụng tiếng Pháp để giao dịch, trao đổi, đàm phán với các đối tác trong không gian Pháp ngữ. Trong các cuộc tiếp xúc với Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, cũng như nhiều quan chức Việt Nam khác, tôi nhận thấy quyết tâm của họ trong việc thúc đẩy tiếng Pháp tại Việt Nam. Biết tiếng Anh là tốt, nhưng có tiếng Pháp càng tốt hơn và chính vì vậy phải thúc đẩy việc học tiếng Pháp tại đất nước các bạn.

PV: Bà đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ ?

Bà Michaëlle Jean: Tôi cho rằng Việt Nam đang đóng một vai trò tích cực và với tinh thần xây dựng. Bản thân Việt Nam cũng nhận thấy cộng đồng Pháp ngữ là một môi trường cộng tác, đoàn kết, chia sẻ và đối thoại trong sự đa dạng của chính mình, rằng đây là một môi trường của những cơ hội vô cùng lớn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh.

Hiện tại, chúng tôi đang tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp trẻ và phụ nữ. Chúng tôi đang phát triển những kế hoạch hỗ trợ cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Cụ thể là giúp họ đưa ra những quy chuẩn về chất lượng; xây dựng thương hiệu và chứng chỉ nhằm giúp họ tăng khả năng cạnh tranh và tiếp cận thành công trên thương trường. Điều này là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy mà một trong những hoạt động đầu tiên của tôi khi tới Việt Nam đó là gặp gỡ các doanh nghiệp, những hạt nhân kinh tế của Việt Nam và một vài đối tác của họ trong cộng đồng Pháp ngữ. Ngay lập tức, họ đã đặt câu hỏi là: "Làm thế nào để Tổ chức quốc tế Pháp ngữ có thể giúp chúng tôi trong việc phát triển và trao đổi với đối tác trong các lĩnh vực đáng quan tâm như công nghệ mới, điện thoại di động, hệ thống truyền thông, mạng internet… ?". Thật hay khi có thể nói rằng chúng tôi có đầy đủ chất xúc tác và những yếu tố để thúc đẩy điều đó. Và bên cạnh những lĩnh vực mang tính sáng tạo đó, có thể kể tới cả những lĩnh vực hợp tác mà Việt Nam đã có truyền thống như nông nghiệp, lúa gạo, chè, công nghiệp dệt may.

Tôi cho rằng Việt Nam đang tiến lên với sự chắc chắn và đảm bảo. Đất nước này đang tự khẳng định mình với khả năng thu hút, khả năng nhận thức được những tiềm lực, sức mạnh của chính mình trong tinh thần tương hỗ và cộng tác.

PV: Hiện nay, có rất nhiều sinh viên Việt Nam đã theo học đại học tại các quốc gia Pháp ngữ như Pháp, Bỉ, Thụy Sỹ và Canada. Vậy các quốc gia trong cộng đồng Pháp ngữ đã có những chính sách như thế nào trong việc thu hút sinh viên, bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này ?

Bà Michaëlle Jean: Có rất nhiều nước triển khai các chính sách và các chương trình học bổng. Đất nước mà tôi hiểu rõ nhất về các chính sách nói trên là Canada. Tại đây, có rất nhiều học bổng Pháp ngữ. Điều này có một ý nghĩa rất quan trọng. Nhiều nước khác cũng có những học bổng Pháp ngữ trong đó có Pháp. Trường Đại học Sangor Alexandrie ở Ai Cập cũng có nhiều học bổng tại các cơ sở của họ ở châu Phi.

Cộng đồng Pháp ngữ cũng tạo điều kiện cho sinh viên và những tài năng trẻ tuổi có cơ hội được thực tập ở nước ngoài. Chúng tôi đang muốn mở rộng Chương trình tình nguyện viên quốc tế. Tại cơ quan của bạn hiện cũng đang có một tình nguyện viên Pháp ngữ làm việc. Chương trình cũng sẽ là cơ hội để các bạn trẻ Việt Nam mong muốn ra nước ngoài hoàn thiện bản thân, khám phá khả năng của chính mình và có thêm kinh nghiệm nghề nghiệp phong phú và đa dạng, góp phần bổ sung thêm vào những kỹ năng cá nhân. Chúng tôi rất quan tâm tới khía cạnh này, và chúng tôi cũng vừa mới thành lập Viện Pháp ngữ về Giáo dục và Đào tạo. Với chúng tôi, các vấn đề liên quan đến cơ hội thực tập và du học của sinh viên chính là mối quan tâm lớn nhất.

Ngoài ra, chúng tôi cũng rất quan tâm tới việc tăng cường trao đổi sinh viên và thanh niên Pháp ngữ. Ví dụ thông qua Tổ chức Đại học Pháp ngữ, các sinh viên theo học đại học tại một quốc gia Pháp ngữ cũng có cơ hội thực tập, trau dồi kỹ năng tại những cơ sở giáo dục hàn lâm khác, tiếp cận với những chương trình giáo dục khác. Mới đây chúng tôi đã tạo ra một cổng thông tin đa chiều với sự tham gia của nhiều quốc gia, nhiều trường đại học. Và trên cổng thông tin này, các sinh viên, giảng viên và lãnh đạo các trường có thể truy cập vào hơn 40.000 chương trình đào tạo thuộc mọi lĩnh vực. Cũng cần phải nói thêm là Tổ chức Đại học Pháp ngữ hiện có tới 828 trường đại học thành viên trên toàn thế giới.

PV: Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 16 sẽ diễn ra vào ngày 26-27/11 tới tại Madagascar, với tư cách là Tổng thư ký của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, bà có thể cho biết về công tác chuẩn bị cho sự kiện này?

Bà Michaëlle Jean: Chúng tôi đã mất rất nhiều tháng để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Thậm chí, ngay từ khi Hội nghị thượng đỉnh tại Dakar năm 2014 chưa kết thúc, chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị cho hội nghị lần này. Hội nghị thượng đỉnh Madagascar đóng một vai trò rất quan trọng. Đất nước này đã có giai đoạn bị chia cắt với cộng đồng Pháp ngữ do khủng hoảng chính trị sâu sắc sau cuộc đảo chính. Nhưng hiện nay, Madagascar đang hội nhập lại với cộng đồng Pháp ngữ với rất nhiều quyết tâm và trở thành nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 16.

Chủ đề của hội nghị thượng đỉnh lần thứ 16 cũng rất quan trọng. Đó cũng là một chủ đề mà Việt Nam cũng quan tâm sâu sắc, đó là tăng trưởng trên tinh thần chia sẻ, phát triển đi đôi với trách nhiệm - những điều kiện tiên quyết cho sự ổn định của thế giới và cộng đồng Pháp ngữ. Những vấn đề này rất cần được đưa ra để thảo luận vì chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng phức tạp với các vấn đề mà cá nhân một nước không thể tự giải quyết. Chúng ta phải cùng nỗ lực phối hợp với nhau trên tinh thần hợp tác và chia sẻ. Chúng ta phải ý thức được rằng tăng trưởng phải đi đôi với hợp tác.

Tôi đánh giá cao cách thức mà Việt Nam tiến hành để tăng cường hợp tác quốc tế và đầu tư ở một nước khác. Đó là phát triển đi đôi với ý thức trách nhiệm. Tôi đã chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đề cao trách nhiệm xã hội. Tôi cho rằng để đối mặt với các thách thức hiện nay, chúng ta cần sử dụng «vũ khí» chung, đó là giáo dục, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư cho các sáng kiến kinh tế của giới trẻ và phụ nữ, tạo ra của cải và các chuỗi giá trị, thúc đẩy tăng trưởng theo tinh thần sẻ chia. Với những vũ khí này, chúng ta có thể giải quyết các tình huống dẫn đến sự mất ổn định của các nước và trong các khu vực trên thế giới. Hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là dịp để chúng ta cùng thảo luận những chủ đề liên quan đến an ninh, ổn định, tốc độ tăng trưởng, phát triển, hợp tác và đầu tư nhiều hơn trong khả năng, sự sáng tạo và tinh thần kinh doanh của giới trẻ và phụ nữ, cũng như trên tinh thần trách nhiệm. Quyền lợi phải luôn đi kèm với trách nhiệm và nghĩa vụ.

Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 7 đã được tổ chức tại Hà Nội vào năm 1997 và sự kiện đó đã để lại rất nhiều tiếng vang. Việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh này đã quảng bá rất tốt cho hình ảnh Việt Nam. Tôi hi vọng rằng trong thời gian tới, chúng ta có thể tổ chức các cuộc họp Pháp ngữ trong khu vực, có thể là ở Việt Nam, Lào hay Campuchia, có thể là tổ chức các diễn đàn kinh tế hay ngày hội kinh tế Pháp ngữ. Các sự kiện đó sẽ hội tụ các nước Pháp ngữ về khu vực này, giúp họ hiểu thêm tính năng động của khu vực, khả năng tiếp nhận cũng như tạo ra một không gian để cùng suy nghĩ và thảo luận.

PV: Xin cảm ơn bà!

TTXVN/Tin Tức
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hội đàm với Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hội đàm với Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ

Sáng 12/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Michaelle Jean.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN