Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành Trung ương, nhiều tỉnh, thành trong cả nước cùng hàng nghìn cán bộ, công chức, đoàn viên, nhân dân trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu tham dự buổi lễ.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Trái đất, ngôi nhà chung của nhân loại đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như việc khai thác, sử dụng quá mức, thiếu bền vững biển, đại dương gây ra.
Việt Nam có bờ biển dài, vừa trải qua quá trình phát triển dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân lực giá rẻ, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong giải quyết vấn đề môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển. Tình trạng ô nhiễm môi đất, nước, không khí, suy giảm đa dạng sinh học, xâm nhập mặn, cạn kiệt tài nguyên biển, xói lở và xâm thực biển đang đe dọa trực tiếp đến phát triển kinh tế, sức khỏe và sinh kế bền vững cho hàng triệu người dân, nhất là các nhóm yếu thế. Thực tế đó đòi hỏi tất cả chúng ta phải nỗ lực, có các giải pháp tổng thể để giải quyết những thách thức đã và đang đe dọa đến sự sống còn của cả Hành tinh xanh và của chính chúng ta.
Theo Phó Thủ tướng, tại tỉnh Bạc Liêu, nơi đang phải chịu những tác động lớn của xâm thực bờ biển, nước biển dâng, chúng ta hãy cùng nhau tăng cường nhận thức và cùng đặt quyết tâm hành động nhằm tổ chức thành công và hiệu quả Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng chủ đề ngày Đại dương và ngày Môi trường thế giới năm 2019. Làm được điều đó, chính mỗi người chúng ta đang tự bảo vệ môi trường sống, sức khỏe của bản thân và cho các thế hệ mai sau, góp phần vào phát triển bền vững đất nước.
Để ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ nhanh hiện nay, Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và kêu gọi các tổ chức cũng như tất cả người dân cùng chung tay thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp, nhất là tăng cường bảo vệ môi trường biển, đảo; nâng cao nhận thức về biển và đại dương, xây dựng xã hội, ý thức, lối sống, hành vi văn hóa gắn bó, thân thiện với biển trên cơ sở thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về phía Chính phủ sẽ sớm ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện để các bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch thực hiện, trong đó phải ưu tiên nguồn lực và quyết liệt tổ chức thực hiện. Cùng với đó, phát huy tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng dân cư vùng biển, ven biển; bảo đảm quyền tiếp cận, tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với biển một cách công bằng, bình đẳng, chú trọng tạo điều kiện cho sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong các hoạt động quản lý tổng hợp, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
Chính phủ tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường, trong đó đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ môi trường ngay từ trong đất liền thông qua từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn để tận dụng được tối đa tài nguyên, đồng thời giảm tối đa lượng chất thải ra môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng.
Theo Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng, trước mắt, các bộ, ngành, các cấp, cần tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý chất thải rắn theo hướng thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn trên phạm vi cả nước; triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo hướng tập trung xử lý, kiểm soát và giám sát khí thải phát sinh từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn; áp dụng các công cụ, biện pháp để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa hoạt động xả thải của doanh nghiệp; khẩn trương xây dựng các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế về môi trường đối với các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao khu vực ven biển, bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các sự cố gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm; quản lý rác thải biển, nhất là rác thải nhựa; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển.
Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo bám sát thực tế và theo kịp tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Các địa phương, đơn vị tăng cường phổ biến, tuyên truyền những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tài nguyên và môi trường đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên cả nước. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, giữa Trung ương với địa phương về công tác biển, đảo; kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao năng lực quản lý các đảo, quần đảo và vùng ven biển. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm.
Phó Thủ tướng lưu ý, các cơ quan chủ quản cần rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cần ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay như ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng…
Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng nhấn mạnh: Việt Nam tiếp tục chung tay cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ môi trường, giữ gìn màu xanh của biển; lên án và phản đối các hoạt động, hành vi thiếu trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường, xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại các hệ sinh thái. Việt Nam sẵn sàng và tham gia tích cực các hoạt động hợp tác về bảo vệ môi trường, biển và hải đảo ở cấp độ quốc tế, khu vực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển.
Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quản lý, sử dụng, bảo tồn bền vững biển, đại dương; phát hiện, nêu gương, nhân rộng các điển hình, mô hình, cách làm hay về sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững biển…