Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo. Hội thảo khoa học còn có sự tham dự của đông đảo các học giả, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Phát biểu Khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học là sự kiện sinh hoạt khoa học quan trọng bậc nhất của giới nghiên cứu Việt Nam học trên toàn thế giới, là một diễn đàn khoa học hội tụ những thành quả nghiên cứu giá trị hàng đầu về đất nước và con người Việt Nam. Đã có năm kỳ hội thảo được tổ chức thành công.
Mặc dù diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng và làm biến đổi toàn diện đời sống kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới, hội thảo lần này vẫn thu hút được sự quan tâm sâu sắc, rộng rãi của các học giả quốc tế và trong nước. Điều này là một minh chứng thuyết phục về vị thế ngày càng lớn mạnh của Việt Nam trên thế giới cũng như tác động ngày càng mạnh mẽ và tích cực của ngành Việt Nam học vào quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Nhật Quang, hội thảo lần này là cơ hội để giới thiệu với bạn bè quốc tế về kho tàng văn hiến Việt Nam cũng như những thành quả phát triển của Việt Nam ngày nay. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học Việt Nam nhìn lại đất nước mình, dân tộc mình, tìm ra những quy luật vận động, bài học lịch sử và động lực phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Sứ mệnh của các nhà khoa học Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, chú giải lịch sử hào hùng của dân tộc trải dài suốt hàng nghìn năm, mà không kém phần quan trọng, còn phải xuất phát từ chính thực tiễn của đất nước, tìm ra lời giải để khai phóng sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, hướng đến một tương lai tươi sáng của đất nước, thực hiện khát vọng phát triển phồn vinh, sánh vai cùng bạn bè năm châu.
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ cảm ơn các nhà khoa học đã dành tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam, đã có những cống hiến khoa học rất quan trọng, ý nghĩa trong nghiên cứu về Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đây là hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên được tổ chức sau Đại hội XIII của Đảng. Báo cáo chính trị tại Đại hội đã nhận định về sự vận động toàn cảnh của thế giới, trong đó nhấn mạnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tuy gặp nhiều trở ngại nhưng vẫn là xu hướng chủ đạo; phát triển bền vững tiếp tục là xu thế bao trùm. Đồng thời cũng khẳng định quan điểm phát triển nhanh và bền vững, dựa trên khoa học và công nghệ, hài hòa giữa kinh tế với văn hóa-xã hội; chủ động tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh thế giới hậu đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Việt Nam cũng tái khẳng định quan điểm lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực của phát triển; khơi dậy khát vọng phát triển quốc gia phồn vinh, hạnh phúc; phát huy vai trò là thành viên tích cực, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần kiến tạo, gìn giữ hòa bình, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều đang đối mặt với nhiều thách thức, nhiều vấn đề mới, cần được nhận thức đúng đắn và giải quyết kịp thời, hiệu quả. Giới khoa học nói chung và những người nghiên cứu Việt Nam học nói riêng đứng trước đòi hỏi tiếp tục đi sâu làm rõ các giá trị, các tiềm năng và phương cách để phát huy các giá trị, khơi dậy các tiềm năng, biến thành năng lực nội sinh để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, tiếp tục làm rõ hơn, sâu sắc hơn nội dung của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như vị trí và vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như những cách tiếp cận phù hợp để đấu tranh hiệu quả với những hành vi phản văn hóa; những lệch lạc trong định hướng giá trị và hiện trạng suy đồi đạo đức. Bên cạnh văn hóa, Việt Nam học cũng cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, không gian mạng và các yếu tố an ninh phi truyền thống ngày càng hiện hữu, qua đó dự báo xu thế, đưa ra những cảnh báo về các vấn đề xã hội, các biện pháp khắc phục những bất cập, mâu thuẫn mới nảy sinh, đảm bảo thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy vai trò và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 730 tham luận của các học giả, chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó chọn được 400 bài tham luận để đưa vào kỷ yếu và 120 báo cáo toàn văn. Các báo cáo thể hiện trên các lĩnh vực: Lịch sử, kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế, văn hóa, xã hội, môi trường,…
Bên lề hội thảo còn có Diễn đàn khoa học với chủ đề: “Nghiên cứu Việt Nam học: thành tựu và triển vọng” nhằm đánh giá vai trò, ý nghĩa khoa học và thực tiễn cũng như những thành tựu đạt được trong giảng dạy và nghiên cứu Việt Nam học hiện nay.
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI là hội thảo tiếp nối 5 kỳ hội thảo được tổ chức thành công tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào các năm 1998, 2002, 2008, 2012, 2016 và 2021. Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI kéo dài đến hết ngày 29/10, tại Hà Nội.