Đây là ngày hội truyền thống của những người làm công tác tiêu chuẩn trên toàn cầu và là dịp để tôn vinh lợi ích của hoạt động tiêu chuẩn hóa trong đời sống kinh tế - xã hội. Nhân Ngày Tiêu chuẩn thế giới 14/10/2021, với chủ đề "Tiêu chuẩn phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn", phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) về vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa cũng như định hướng của thông điệp "Tiêu chuẩn phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn", thưa ông?
Ngày 14/10 hàng năm là ngày hội truyền thống của những người làm công tác tiêu chuẩn trên toàn cầu và là dịp để tôn vinh lợi ích to lớn của hoạt động tiêu chuẩn hóa trong đời sống kinh tế - xã hội. Thông điệp ngày 14/10 năm nay nhấn mạnh đến vai trò của tiêu chuẩn là công cụ, là cách thức giúp các Chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan góp phần đạt các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc. Đó là những mục tiêu toàn cầu, mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Mới đây nhất, ngày 25/9/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP về phát triển bền vững. Theo đó, mục tiêu tổng quát là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, công bằng, dân chủ, văn minh và bền vững. Nghị quyết nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các cấp, ngành và các địa phương đến năm 2030.
Liên quan đến chính sách về tiêu chuẩn hóa, Nghị quyết số 136/NQ-CP đặt ra các mục tiêu như hoàn thành xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới để đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế; quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn Việt Nam và thông lệ quốc tế; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động ứng dụng và phát triển các công nghệ cao, công nghệ chủ chốt, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tiêu chuẩn có mặt ở mọi nơi và đóng góp những công cụ hữu hiệu, hỗ trợ cả ba trụ cột của phát triển bền vững. Theo đó, tiêu chuẩn thúc đẩy kinh tế bền vững bằng cách tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, cải thiện cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia và hỗ trợ thực hành kinh doanh bền vững; tiêu chuẩn thúc đẩy xã hội bền vững bằng cách giúp cả quốc gia và cộng đồng cải thiện sức khỏe và hạnh phúc; tiêu chuẩn thúc đẩy môi trường bền vững bằng cách giúp các doanh nghiệp và các quốc gia quản lý tác động môi trường.
Qua thông điệp “Tiêu chuẩn phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn”, ba tổ chức là Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) muốn truyền tải ý nghĩa: tiêu chuẩn cung cấp những giải pháp để giải quyết các thách thức liên quan đến các SDG (mục tiêu phát triển bền vững); tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên sự hợp tác (thế giới không thể đạt được các SDG một cách đơn độc); tiêu chuẩn giúp gây dựng và phục hồi mọi thứ trở lại tốt đẹp hơn (COVID-19 đã làm gia tăng tính cấp thiết phải đạt được các SDG).
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Hệ thống Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay?
Hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), Hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) là cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội, hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trở thành một bộ phận không thể tách rời của hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý kinh tế - xã hội trên tiến trình hội nhập sâu rộng vào các thị trường quốc tế hiện nay. Tiêu chuẩn là công cụ và phương tiện quan trọng để đảm bảo duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại trong nước và quốc tế.
Hệ thống TCVN được phát triển theo hướng tăng cường hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến, ưu tiên cam kết hài hòa tiêu chuẩn trong ISO, IEC, ITU, Codex, CEN/CENELEC, APEC… góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo an toàn, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ. Do vậy, các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu theo TCVN cũng có chất lượng tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn Châu Âu và các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản... được thị trường thế giới chấp nhận.
Bên cạnh đó, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quốc gia ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế là một công cụ quản lý hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế về quản lý sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định, xây dựng, triển khai hiệu quả các chính sách công và các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình hiệu suất năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống (khí thiên nhiên CNG/LNG, pin mặt trời, nhiên liệu sinh học…), thúc đẩy sử dụng, nhiên liệu tái chế giảm ô nhiễm môi trường sinh thái (tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất làm nguyên liệu vật liệu xây dựng, giao thông vận tải), phục vụ công tác đo kiểm, đánh giá, xử lý ô nhiễm như: xử lý ô nhiễm tại các khu công nghiệp tập trung sản xuất thép, nguyên liệu dệt may - da giầy…
Việc xây dựng và công bố TCVN những năm qua đã giúp cho hệ thống TCVN ngày càng được hoàn thiện mà cụ thể là tăng cả về số lượng, chất lượng và đảm bảo tính đồng bộ. Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố hơn 13.000 TCVN với tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực là hơn 60%, đã bao trùm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực và chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất trong việc tuân thủ các quy tắc và quy định đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu. Hệ thống TCVN cũng hỗ trợ công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN). Đến nay, các bộ, ngành đã ban hành khoảng 800 QCVN. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này đã trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội.
Thời gian qua, hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, vậy Việt Nam có những định hướng chiến lược gì cho việc phát triển trong thời gian sắp tới , thưa ông?
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong thời gian qua hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biễn phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội… Mặt khác, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới suy giảm, nhiều nước tăng cường các biện pháp kỹ thuât bảo hộ thương mại trong nước thông qua xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thế hệ mới với nhiều yêu cầu kỹ thuật khắt khe hơn, gây khó khăn cho hàng hóa nhập khẩu.
Nhận thức được thách thức này, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, ngành khoa học và công nghệ nói chung và tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói riêng thúc đẩy “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”.
Giai đoạn 2021 - 2030, hoạt động tiêu chuẩn hóa cấp quốc gia tập trung vào xây dựng Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030; nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng tận dụng tối đa các thuận lợi của Việt Nam trong quá trình thực hiện các FTA thế hệ mới; tạo lập hạ tầng tiêu chuẩn tiên tiến, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất phục vụ cộng đồng doanh nghiệp đi tắt đón đầu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và Liên hợp quốc; thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn, gắn chặt với doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; xây dựng các nhóm TCVN cốt lõi phục vụ trực tiếp cho hoạt động của doanh nghiệp, cơ chế hỗ trợ, thu hút, khuyến khích doanh nghiệp trực tiếp xây dựng TCVN nhằm hướng hệ thống TCVN gắn kết hữu cơ hơn với nền kinh tế thị trường, đáp ứng kịp thời những yêu cầu, đòi hỏi khách quan từ thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, cần tăng cường nguồn lực Tiêu chuẩn hóa quốc gia thông qua việc đổi mới tổ chức, hoạt động Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, cải tiến quy trình xây dựng, thẩm định, công bố TCVN; tăng cường áp dụng các công cụ, giải pháp công nghệ thông tin; đẩy mạnh biện pháp bảo vệ bản quyền tiêu chuẩn quốc tế, xuất bản phát hành TCVN... Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác đa phương, khu vực, song phương (ISO, IEC, ITU, Codex, APEC, ASEAN, PASC…) trong hoạt động xây dựng tiêu chuẩn; tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên gia trẻ về tiêu chuẩn hóa để chuẩn bị lực lượng kế cận cho cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia, các ban kỹ thuật, doanh nghiệp, đồng thời kết hợp kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực tham gia đào tạo và xây dựng tiêu chuẩn...
Trân trọng cảm ơn ông!