Việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân sẽ không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của công đoàn cơ sở

Sáng 10/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (sửa đổi). Đối với việc thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, trong quá trình thảo luận dự thảo Luật, có hai luồng ý kiến, gồm: Luật này cần quy định cả việc thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và ngược lại; chỉ quy định  việc thực hiện dân chủ ở các doanh nghiệp nhà nước.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Để có nhìn nhận, đánh giá toàn diện, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng Luật này chỉ quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước, còn ở các loại hình doanh nghiệp khác thì dẫn chiếu đến pháp luật về lao động. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trước hết, phải thống nhất nhận thức rằng, dân chủ và thực hiện dân chủ ở Việt Nam là thống nhất ở tất cả các loại hình cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở là luật về thực hiện dân chủ chung, trên đất nước Việt Nam thống nhất thì ở đâu cũng phải thực hiện dân chủ theo Luật này, bên cạnh các luật chuyên ngành khác. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở "ở tất cả các loại hình cơ sở, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội".

Pháp luật Việt Nam hiện nay đã thống nhất điều chỉnh các loại hình doanh nghiệp trong một đạo luật chung là Luật Doanh nghiệp. Ngay cả trong các loại hình doanh nghiệp, mặc dù có sự khác biệt liên quan đến sở hữu vốn, tài sản, nhưng trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động về thực hiện dân chủ ở cơ sở thì không có sự khác biệt. Do vậy, nếu không quy định trong luật chung này, có thể dẫn đến hiểu nhầm là ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước thì không phải thực hiện dân chủ.

Việc bổ sung các quy định về thực hiện dân chủ ở các loại hình doanh nghiệp khác là cần thiết, nhằm bảo đảm việc thực hiện dân chủ của người lao động thực chất hơn, có tính khả thi hơn, không chỉ giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện quan hệ lao động mà còn mở rộng hơn với tư cách là công dân tham gia quản lý xã hội. Quy định như vậy sẽ tạo cơ sở cho việc thực hiện thống nhất, đồng bộ pháp luật về thực hiện dân chủ ở tất cả các loại hình cơ sở. 

Theo ông, trong quá trình thảo luận, có những ý kiến cho rằng việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có thể chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với công đoàn cơ sở?

Việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân sẽ không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của công đoàn cơ sở. Bởi theo quy định của dự thảo Luật, quyền năng của Ban thanh tra nhân dân rất rộng, không chỉ liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động, mà cả trách nhiệm bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, xã hội, doanh nghiệp( khác với luật hiện hành)

Theo quy định, công đoàn cơ sở nhiệm vụ chủ yếu là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Điều này khác với Ban thanh tra nhân dân có các quyền như kiểm tra, giám sát, kiến nghị, xác minh vụ việc… Ban Thanh tra nhân dân giúp phát huy quyền làm chủ của người lao động thông qua Công đoàn trong tham gia quản lý kinh tế - xã hội (Điều 10 Hiến pháp), có thể phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác của doanh nghiệp ngoài quan hệ lao động như doanh nghiệp trốn thuế, chuyển giá, sản xuất hàng giả, vi phạm Luật bảo vệ môi trường…

Việc thành lập Ban thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là rất cần thiết. Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn nhiều hạn chế hơn so với doanh nghiệp nhà nước. Với vai trò, trách nhiệm của mình, Ban Thanh tra nhân dân có thể phát hiện từ sớm về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để cảnh báo, đề xuất, kiến nghị với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, qua đó góp phần bảo đảm quyền dân chủ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở các tổ chức có sử dụng lao động sẽ tạo cơ sở pháp lý để tổ chức Công đoàn làm tốt công tác này, từ đó phát huy rộng rãi vai trò của mình trong tất cả các loại hình doanh nghiệp, kể cả ở những nơi chưa thành lập được tổ chức Công đoàn cơ sở.

Theo ông, việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước có làm tăng chi phí cho doanh nghiệp không?

Theo quy định của dự thảo Luật, đối với Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động thì Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân. Dự thảo Luật cũng đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí về thực hiện dân chủ ở cơ sở và kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Về kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, tôi cho rằng cả công đoàn và chủ doanh nghiệp sẽ cùng chia sẻ. Nếu hỗ trợ một phần kinh phí người lao động được tôn trọng, phát huy khả năng sáng tạo, quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ, doanh nghiệp phát triển hơn, người lao động có thu nhập cao hơn, thì đó là khoản chi phí rất cần đầu tư. Nếu chỉ thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước, sẽ là không bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, khi mà vấn đề sở hữu vốn nhà nước đã giải quyết bằng sự hiện diện của người đại diện phần vốn nhà nước và các cơ chế khác, không liên quan đến Ban Thanh tra nhân dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Bình/TTXVN (thực hiện)
Ngày 10/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023
Ngày 10/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, ngày 10/11 biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN