50 năm thống nhất đất nước:

Vẹn nguyên khát vọng thống nhất non sông ở vùng giới tuyến

Cầu Hiền Lương-sông Bến Hải (Vĩ tuyến 17) là giới tuyến chia cắt đất nước đằng đẵng suốt 21 năm (1954-1975), đã trở thành biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông.

Cầu Hiền Lương-sông Bến Hải ngày nay thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, là nơi giáp ranh giữa hai huyện Gio Linh ở bờ Nam và Vĩnh Linh ở bờ Bắc, tỉnh Quảng Trị. 

Chú thích ảnh
Cầu Hiền Lương – sông Bến Hải thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, tỉnh Quảng Trị. 

“Nhân chứng” cho khát vọng thống nhất non sông

Ngược dòng thời gian, cách đây 71 năm, Hiệp định Giơnevơ ký kết ngày 21/7/1954 đã lấy Vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời trong hai năm để chuẩn bị Tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam-Bắc. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Đế quốc Mỹ đã dựng nên chính quyền tay sai ở miền Nam, ngang nhiên bội ước, rắp tâm xâm lược nước ta, biến miền Nam thành bàn đạp để tấn công miền Bắc. Sông Bến Hải là nơi phân chia giới tuyến, chia cắt hai miền Nam-Bắc nước ta.

Trong Nhà trưng bày "Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất" ở bờ Bắc cầu Hiền Lương, còn lưu giữ bức ảnh bà Hoàng Thị Chẩm (thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh) cùng đồng đội cắm cờ tại Căn cứ quân sự Dốc Miếu của Mỹ trong trận đánh giải phóng huyện Gio Linh vào rạng sáng 2/4/1972. Chiến thắng này đã tạo đà cho quân và dân ta tiến lên giải phóng tỉnh Quảng Trị vào ngày 1/5/1972. Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng.

Bà Hoàng Thị Chẩm năm nay đã 75 tuổi, người dân địa phương vẫn thường gọi là O Chẩm - nữ du kích 9 lần được phong “Dũng sỹ diệt Mỹ” giai đoạn 1969-1972. Bà Chẩm kể, những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, bờ Nam sông Bến Hải được gọi là “vành đai trắng”, bởi Mỹ - Ngụy thường xuyên mở những đợt càn quét nên nơi này không còn sự sống. Sống và chiến đấu ở vùng giới tuyến, nơi chia cắt sự thống nhất đất nước, bà và đồng đội luôn khắc ghi lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Lời Bác Hồ như hiệu triệu, thôi thúc quân và dân ta ở vùng giới tuyến chiến đấu vì một nước Việt Nam thống nhất và hòa bình.

Hãng Thông tấn AP của Mỹ, tháng 5 năm 1967 viết về cuộc chiến đấu ở vùng giới tuyến: “Trong cuộc chiến tranh ở phía Nam khu phi quân sự, lính thủy đánh bộ Mỹ bị thương vong hơn bất kỳ lực lượng nào đóng ở nước này. Các máy bay ném bom của Mỹ không thể nào bịt miệng các khẩu đại bác hạng nặng, rốc két và súng cối của cộng sản – các loại vũ khí đã gây ra phần lớn trong tổng số 8.000 quân Mỹ thương vong vùng này”. Cầu Hiền Lương-sông Bến Hải là minh chứng, là niềm tự hào về ý chí không gì nay chuyển, vượt qua mọi khó khăn hy sinh gian khổ:

 “Gươm nào chém được dòng Bến Hải?
  Lửa nào thiêu được dải Trường Sơn?"
                             (Ba mươi năm đời ta có Đảng – Tố Hữu)

Cầu Hiền Lương-sông Bến Hải cũng là biểu tượng nỗi đau chia cắt đất nước đằng đẵng suốt 21 năm (1954 – 1975), là niềm khắc khoải nhớ mong ở đôi bờ. Quãng thời gian ấy, người thân chỉ sống cách nhau một dòng sông mà phải xa cách nên không khỏi nhớ nhung và luôn khát khao đất nước liền một dải để được đoàn tụ:

  “Bên ven bờ Hiền Lương
  Chiều nay ra đứng trông về
  Mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê…”
            (Câu hò bên bờ Hiền Lương - Hoàng Hiệp)

Những ngày tháng Tư lịch sử, dòng người nối nhau đến tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải. Cột cờ Giới tuyến ở bờ Bắc Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải ngày ngày vẫn kiêu hãnh tung bay trong gió. Hai bên thành cầu Hiền Lương lịch sử, lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng, đỏ thắm tung bay phấp phới dưới nắng vàng đầu Hè. Từ cầu Hiền Lương nhìn ra xa, sông Bến Hải bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ chảy ra cửa biển Cửa Tùng, uốn lượn mềm mại như một dải lụa với dòng nước trong xanh, hiền hòa. Những chiếc thuyền đánh bắt tôm cá ngày đêm xuôi ngược qua cầu Hiền Lương và lướt nhẹ trên dòng nước êm ả của sông Bến Hải. Ven đôi bờ sông Bến Hải là cuộc sống thanh bình với các khu dân cư đông đúc yên vui; những cánh đồng lúa, vườn ngô, rau màu xanh bạt ngàn nhờ phù sa sông Bến Hải.

Hòa vào dòng người tham quan cầu Hiền Lương-sông Bến Hải, anh Nguyễn Văn Hoàng, 35 tuổi, đến từ tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, ngày nay để đi qua cầu Hiền Lương chỉ mất khoảng 10 phút đi bộ, nhưng ông cha ta đã mất 21 năm (1954 – 1975) với biết bao xương máu đổ xuống mới xóa được sự chia cắt, để non sông Việt Nam thống nhất nối liền một dải từ Bắc tới Nam. Cầu Hiền Lương-sông Bến Hải thực sự là nhân chứng lịch sử cho khát vọng thiêng liêng của dân tộc là thống nhất, hòa bình và vươn lên.

Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử

Ngày 14/4/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính ký Quyết định số 756/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải. Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử về cuộc đấu tranh cách mạng vĩ đại và hào hùng của dân tộc thông qua các di tích, điểm di tích hiện còn của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải; góp phần hình thành địa điểm tham quan về nguồn, nghiên cứu, tìm hiểu, giáo dục truyền thống cách mạng, cũng như tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình của nhân dân ta cho các thế hệ mai sau. Xây dựng khu vực di tích trở thành công viên lịch sử, văn hóa đặc sắc, điểm du lịch về nguồn hấp dẫn, góp phần tôn tạo cảnh quan sinh thái hai bờ sông Bến Hải, đưa di tích trở thành một trong những trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Quảng Trị; gắn kết đồng bộ với hệ thống di tích cách mạng của tỉnh Quảng Trị, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và cả nước.

Vào 7 giờ ngày 30/4 hằng năm, Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông" được tổ chức trang nghiêm, trên nền nhạc Quốc ca hùng tráng, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên và tung bay phấp phới kiêu hãnh trên Cột cờ Giới tuyến của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải. Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông" được tổ chức bên bờ con sông giới tuyến, không chỉ để ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng, mà còn để thế hệ hôm nay và mai sau phát huy tinh thần cách mạng trong công cuộc xây dựng quê hương.

Chú thích ảnh
Du khách quốc tế tham quan cầu Hiền Lương – sông Bến Hải thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, tỉnh Quảng Trị.

Ở bờ Bắc giới tuyến, Vĩnh Linh là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam. Vùng đất được ngợi khen là “lũy thép” này đã đạt huyện nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 63 triệu đồng/người. Vĩnh Linh đã có 3 thị trấn: Hồ Xá, Bến Quan, Cửa Tùng đạt chuẩn đô thị văn minh. Ngoài Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, Vĩnh Linh còn có nhiều nhà máy chế biến cao su, sản xuất dăm gỗ, khai thác khoảng sản. Địa phương cũng có thế mạnh về trồng cây công nghiệp giá trị cao, nhất là cao su với trên 6.500 ha, hồ tiêu gần 1.300 ha có thương hiệu nổi tiếng “Hồ tiêu Vĩnh Linh”.

Ở bờ Nam giới tuyến, huyện Gio Linh cũng đang đổi thay từng ngày, thu nhập bình quân đầu người gần 75 triệu đồng/người/năm, 14/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đã xây dựng được hai đô thị là thị trấn Cửa Việt và thị trấn Gio Linh. Khu công nghiệp Quán Ngang tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Trên địa bàn huyện đã và đang triển khai nhiều dự án lớn của tỉnh như: Cảng hàng không Quảng Trị vốn đầu tư 5.800 tỷ đồng, 3 nhà máy điện mặt trời, cảng biển Cửa Việt, hạ tầng phục vụ du lịch. Các bãi biển Cửa Việt, Gio Hải, Trung Giang được cải tạo trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách. Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chia sẻ, cùng với cả tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh đã phát huy tinh thần “kỳ tích” sông Bến Hải năm xưa, để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, chăm lo và nâng cao đời sống của người dân; tập trung đầu tư và khai thác tốt lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh để phát triển nhanh và bền vững.

Bài và ảnh: Nguyên Lý (TTXVN)
50 năm Thống nhất đất nước: Bạn bè Italy ghi nhớ và tôn vinh Chiến thắng 30/4
50 năm Thống nhất đất nước: Bạn bè Italy ghi nhớ và tôn vinh Chiến thắng 30/4

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), một loạt hoạt động tôn vinh Chiến thắng 30/4 do các tổ chức và bạn bè Italy tổ chức đã được khởi động, với 2 hoạt động đầu tiên được tổ chức tại thành phố Mestre (Venice) và thành phố Napoli trong các ngày 12 và 14/4/2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN