Về vụ kích động, gây rối ở xã Nghi Phương, Nghệ An - Bài 4: Vụ Nghi Phương dưới phán xét của tín điều và công lý

Trong những bài trước, chúng tôi đã gửi đến bạn đọc toàn cảnh bức tranh vụ kích động, gây rối ở Nghi Phương (Nghệ An); lời thú tội, xin khoan hồng của người phạm tội cũng như những đòi hỏi vô lý, thiếu cơ sở pháp luật của một số chức sắc tôn giáo, thì ở bài viết này, xin được chuyển đến bạn đọc tiếng nói của những tín đồ, giáo dân và cả những nạn nhân trong cuộc dưới sự phán xét của tín điều và công lý.

Đạo bất ly đời

Trước kính mến Đức Chúa Trời, sau lại yêu người như mình ta vậy. 10 Điều răn của Đức Chúa khuyên giáo dân làm việc tốt, tích cực tu nhân, tích đức, sống và làm việc thiện, ban phát tình thương yêu…

Dù ở bất kỳ quốc gia nào, dưới bất kỳ chế độ nào, mỗi mô hình nhà nước và tôn giáo nào đều phải có pháp luật, giáo luật của mình. Thiên Chúa giáo cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Trải qua hơn 5 thế kỷ du nhập, hình thành và phát triển, đạo Công giáo ở Việt Nam đã gắn bó nhiều với từng giai đoạn lịch sử thăng trầm của đất nước.

Linh mục Nguyễn Đăng Điền, giáo xứ Nhân hòa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh TTXVN.


Nhớ lại 4 năm trước, một buổi sáng năm 2009, tại Dinh Tông Tòa, Vatican, trong buổi tiếp các Giám mục trong Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Giáo Hoàng Benedict XVI đã khích lệ người Công giáo Việt Nam hãy thực hành trong cuộc sống hàng ngày bằng tình bác ái, sự chân thật và tình yêu mãnh liệt cho xã hội: “Một người Công giáo tốt cũng là một người công dân tốt” (un bon catholique est aussi un bon citoyen). Câu nói nổi tiếng của Giáo hoàng tại buổi tiếp kiến đã đi vào lịch sử, như một kim chỉ nam cho đường hướng mục vụ của cộng đồng Công giáo Việt Nam phụng sự Thiên chúa, tốt đời, đẹp đạo, sống phúc âm trong lòng dân tộc.


Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, phần Đường hướng mục vụ ghi rõ “Hội thánh trong lòng dân tộc”, “gắn bó với dân tộc và đất nước”: “chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa….”.

Linh mục Nguyễn Đăng Điền, giáo xứ Nhân hòa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An bế cháu bé khuyết tật tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và khuyết tật 19/3 (thuộc Hội dòng Thừa sai bác ái, Giáo phận Vinh) ở xóm 7, Nghi Diên, Nghi Lộc (Nghệ An). Ảnh: TTXVN.


Kính Chúa, yêu nước


Sự việc vừa qua tại giáo xứ Mỹ Yên đã gây nên sự bất bình trong cộng đồng người dân Việt Nam, dù là người có đạo hay không có đạo.

Như khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Văn Hằng, một người nhiều năm gắn bó với bà con giáo dân trên quê hương xứ xở của những câu hò, điệu ví: Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng bào Công giáo đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, cũng như quê hương Nghệ An. Sự việc vi phạm pháp luật tại giáo họ Trại Gáo vừa qua chỉ là do một số người dân bởi hạn chế về kiến thức pháp luật, bị một số tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước kích động dẫn đến hiểu sai vấn đề, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Linh mục Nguyễn Đăng Điền, giáo xứ Nhân hòa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An bế cháu bé khuyết tật tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và khuyết tật 19/3 (thuộc Hội dòng Thừa sai bác ái, Giáo phận Vinh) ở xóm 7, Nghi Diên, Nghi Lộc (Nghệ An). Ảnh: TTXVN.


Hơn 80 năm sống giữa lòng dân tộc, là người dựng xây và duy trì Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và khuyết tật 19/3 ở Nghi Lộc (Nghệ An), nuôi dưỡng, cưu mang miễn phí hàng chục trẻ tật nguyền, trẻ mồ côi không nơi nương tựa ở khắp mọi miền, hỏi về sự kiện ở Nghi Phương, Linh mục Nguyễn Đăng Điền, giáo xứ Nhân hòa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cho biết, dù ở thời kỳ lịch sử nào của đất nước, đồng bào Công giáo luôn có trong mình niềm tự hào dân tộc và ý thức gìn giữ, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân. Những vụ việc rất đáng tiếc như ở Con Cuông, Nghi Phương chỉ là do một số bà con giáo dân chưa thực sự thấm nhuần hết tinh thần Tin Mừng. Theo Linh mục Điền, lời Chúa dạy về Tin Mừng là phải yêu thương tất cả mọi người, không ghét bỏ tất cả người nào Chúa dựng nên. Tin Mừng cũng nói rõ, hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét các con. “Vì hiểu chưa đúng tinh thần Tin Mừng và thiếu trách nhiệm với sự nghiệp mà cha ông để lại nên một số người đã gây nên sự việc đáng tiếc trên. Sự kiện này hoàn toàn không phù hợp với Tin Mừng mà còn là một sự đau thương, gây mất ổn định trong đời sống của bà con giáo dân”, Linh mục Điền nói.


Ông Nguyễn Văn Bảy (76 tuổi, ở xóm 3, giáo xứ Vạn Lộc, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An), một giáo dân kính Chúa, yêu Đảng, luôn tâm niệm: “Vâng lời Chúa để ngày sau linh hồn được lên thiên đường, cùng với Đảng xây thiên đường hàng ngày nơi cuộc sống”. Nói về sự việc ở Nghi Phương, ông Bảy khẳng định: “Là một giáo dân, tôi cho rằng ai cũng phải sống và chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Ai làm trái thì hoàn toàn phải chịu trách nhiệm. Việc một số người dân ném đá, hành hung cán bộ xã ở Nghi Phương là việc làm sai”. Cũng theo ông Bảy, qua sự việc như ở Nghi Phương, phải kiên quyết xử lý thích đáng những kẻ lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Bảy (76 tuổi, ở xóm 3, giáo xứ Vạn Lộc, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An) một giáo dân kính Chúa, yêu nước trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh TTXVN.


Mong muốn của những người trong cuộc


Lắng nghe tâm tư của giáo dân, chúng tôi tìm đến hiện trường vụ việc, UBND xã Nghi Phương, khu vực Đền Thánh An Tôn (giáo họ Trại Gáo), để tìm hiểu tâm tư của những người trong cuộc, những nạn nhân, người bị hại trong vụ án gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích mới xảy ra vài ngày trước đó.

Nhiều lần bị lăng nhục, chửi bới, cấu xé, hành hung, bị bắt giữ, thậm chí bị đe dọa đến những người trong gia đình, thế nhưng khi đề cập đến chuỗi sự kiện vừa qua, phóng viên chúng tôi không hề thấy sự trách móc nào từ Chủ tịch UBND xã Nghi Phương Nguyễn Trọng Tạo. “Sự việc vừa qua chỉ đơn giản là những hành động xuất phát từ hạn chế hiểu biết về kiến thức pháp luật của một bộ phận bà con giáo dân, do chịu sự kích động, lôi kéo của kẻ xấu dẫn đến vi phạm pháp luật”, ông Tạo nói.

Về cách ứng xử của chính quyền, Chủ tịch UBND xã Nghi Phương khẳng định, trong quá trình xảy ra các vụ việc, tất cả cán bộ xã Nghi Phương đều cư xử đúng mực và thân tình, giải thích về pháp luật với bà con, bản thân ông và các cán bộ xã không oán trách bất cứ người nào tham gia gây rối trật tự công cộng vừa qua mà chỉ mong bà con xóa bỏ mọi mặc cảm để đối xử với nhau thân thiện trong tình làng nghĩa xóm. Trong sự việc vừa qua, bản thân ông và con gái ông đều bị xé rách quần áo, lăng nhục, chửi bới rất nhiều. Nhưng ông cho rằng, đó chỉ là những hành động bột phát, nhất thời của một số bà con, “vì trong đời thường chúng tôi luôn gắn bó, chia sẻ trong cuộc sống”. Ông Tạo khẳng định, ông và các cán bộ xã đã và sẽ làm hết sức mình để chính quyền và nhân dân cùng đồng thuận, chung tay xây dựng quê hương ngày một phát triển.

Nhà thờ thuộc giáo xứ Vạn Lộc (xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh TTXVN.


Cũng giống như ông Nguyễn Trọng Tạo, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Nghi Phương (xã đội trưởng) Đậu Văn Sơn là một nạn nhân bị thiệt hại nặng nề về sức khỏe, tài sản trong những vụ việc lộn xộn vừa qua. Căn nhà anh ở cùng nhiều đồ dùng, phương tiện đã bị đập phá, thiệt hại lên đến gần 100 triệu đồng, bản thân anh nhiều lần bị những người quá khích đánh đập, cấu xé, lăng nhục, chửi bới. Đáng kể nhất là khi bị đám đông hàng trăm người dân bao vây, ném gạch, đe dọa, cô con gái nhỏ 4 tuổi của anh, sợ đến không khóc nổi. Đây là một chấn thương tâm lý rất lớn đối với vợ con và gia đình anh. Được hỏi về nguyện vọng cá nhân sau sự việc kinh hoàng vừa qua, anh Sơn nói, mặc dù thiệt hại đối với cá nhân anh và gia đình là rất lớn, nhưng anh chỉ mong muốn cơ quan pháp luật xử lý vụ việc nhanh gọn, thỏa đáng. “Bản thân tôi không có yêu cầu đền bù hoặc tố cáo một người nào cả. Tôi chỉ mong muốn, bà con hiểu rõ những việc làm sai pháp luật của mình, xóa bỏ hận thù, sớm ổn định sản xuất và đời sống”, anh Sơn nói.


Có thể thấy rằng, quan điểm giáo lý của các tôn giáo nói chung, Thiên Chúa giáo nói riêng đều mang đậm chất nhân văn, ích đạo, lợi đời, phù hợp với lòng người, với đời sống pháp luật. Điểm tương đồng giữa pháp luật của Nhà nước và giáo luật là cùng bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người; định hướng hành vi và đạo đức nhân cách con người, hướng hành động của con người vào những việc có ích cho xã hội, tốt đời đẹp đạo, vì hạnh phúc của con người. Mặc dù những chuỗi sự kiện mất trật tự công cộng, vi phạm pháp luật như ở Nghi Phương là rất đáng lên án nhưng nếu mỗi người dân thấm nhuần những điểm tương đồng giữa giáo lý và pháp luật, tự răn mình theo Lời Chúa dạy, kính Chúa, yêu nước, yêu đồng bào thì chắc chắn quá khứ sẽ trôi qua, tình thương sẽ ở lại, hạnh phúc sẽ lại quay về với người dân trên miền quê thanh bình.


Đón đọc Bài cuối: Nghệ An – Những miền quê “tốt đời đẹp đạo”


Nhóm phóng viên

Về vụ kích động, gây rối ở xã Nghi Phương, Nghệ An - Bài cuối: Nghệ An - Những miền quê 'tốt đời đẹp đạo'
Về vụ kích động, gây rối ở xã Nghi Phương, Nghệ An - Bài cuối: Nghệ An - Những miền quê 'tốt đời đẹp đạo'

Cùng nhìn lại những câu chuyện đời thường, những tấm lòng bác ái với cộng đồng, đầy tinh thần trách nhiệm với xã hội, với đất nước của những người con dân Chúa không chỉ ở Nghi Phương mà trên khắp các vùng quê xứ Nghệ, nơi Thiên Chúa và tình thương ngự trị song hành với pháp luật của Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN