Tọa đàm là một hoạt động quan trọng trong chuỗi sinh hoạt chính trị của Bộ Ngoại giao nhằm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh vào thực tiễn triển khai công tác đối ngoại.
Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Bộ trưởng Ngoại giao tham dự và phát biểu chỉ đạo Tọa đàm. Cùng dự có: Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan; Thứ trưởng thường trực Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao; Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Ngoại giao; đại diện Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ, cán bộ lão thành, các nhà khoa học, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, các cấp ủy trực thuộc và đại diện Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao.
Diễn giả tại Tọa đàm là Giáo sư, Tiến sỹ Đại sứ Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế, Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Ngoại giao; Tiến sỹ - Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Ngoại giao và đại diện một số đơn vị trong Bộ.
Tọa đàm gồm 3 phiên; phiên thứ nhất với sự trao đổi của các đồng chí nguyên lãnh đạo, cán bộ lão thành và các nhà khoa học về tư tưởng, nghệ thuật, phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh. Phiên thứ hai, tập trung việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong triển khai đường lối Đại hội XIII với những chia sẻ từ đại diện các đơn vị trong Bộ và Đoàn Thanh niên Bộ về thực tiễn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong triển khai công tác đối ngoại. Phiên thứ ba là thảo luận mở để các thế hệ cán bộ ngoại giao trẻ học hỏi từ những thế hệ đi trước và chia sẻ về những suy nghĩ, ước mơ hoài bão của mình.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, đây là thời điểm Đảng ta đang rà soát đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển chiến lược, đặt ra những nhiệm vụ to lớn cho ngành Ngoại giao. Vì thế, việc không ngừng nghiên cứu, học tập, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa quyết định đối với việc triển khai thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng. Chỉ như vậy đối ngoại Việt Nam mới có thể vươn lên ngang tầm với thời đại, mới có đủ khả năng để xử lý kịp thời và thỏa đáng, có lợi nhất cho đất nước tất cả những vấn đề nảy sinh. Đồng thời, đây cũng là dịp bày tỏ sự tri ân đối với các bậc lão thành cách mạng đã có công trong cuộc đấu tranh kiên cường trên mặt trận ngoại giao; qua đó, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang, bồi đắp lòng yêu ngành, yêu nghề, tự hào về ngành cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ đang công tác trong lĩnh vực đối ngoại.
Tại Tọa đàm, các ý kiến tham luận, phát biểu có hàm lượng khoa học cao, được các diễn giả nghiên cứu hết sức công phu, làm rõ hơn về nội dung, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh với những góc nhìn mới, những khía cạnh mới của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Đồng thời, nhiều phát biểu cũng liên hệ, đánh giá thực tiễn triển khai vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác đối ngoại thời gian qua, kinh nghiệm, vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong xử lý hoạt động đối ngoại hiện nay. Đáng chú ý, một số ý kiến đã đi sâu đề xuất, kiến nghị các biện pháp để triển khai tốt hơn việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII.
Đánh giá về nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh 4 đặc thù của ngoại giao Hồ Chí Minh, đó là: Kiên định trong mục tiêu, hòa hiếu trong bản chất; linh hoạt trong hành động; nhân văn trong cốt cách và ứng xử. Đồng thời, 4 lĩnh vực cần nghiên cứu, vận dụng trong nghiệp vụ ngoại giao là: Công tác nghiên cứu dự báo; xử lý khủng hoảng ngoại giao; giao tiếp ngoại giao và học tập suốt đời.
Dưới góc nhìn của thế hệ trẻ đại diện cho đoàn viên thanh niên Bộ Ngoại giao, Bí thư Đoàn thanh niên Nguyễn Đồng Anh chia sẻ, Tọa đàm tổ chức nhân dịp 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để thế hệ trẻ ôn lại những bài học mà Bác đã để lại cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và ngành Ngoại giao nói riêng. Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao đã triển khai nhiều hoạt động sinh hoạt chính trị tư tưởng học tập và làm theo Bác. Để xứng đáng là thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, là người cán bộ ngoại giao “vừa hồng”, “vừa chuyên”, thế hệ cán bộ ngoại giao hôm nay sẽ ra sức phấn đấu học tập và vận dụng tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao của Bác.
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu để góp phần làm rõ hơn tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, bởi đây là một bộ phận cấu thành quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh, mà tư tưởng Hồ Chí Minh là bộ phận quan trọng trong nền tảng tư tưởng, lý luận và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta. Vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh vào thực tiễn đối ngoại, trước hết là nghiên cứu, dự báo và tham mưu chiến lược để giữ được thế chủ động trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động lớn rất phức tạp.
Để đáp ứng yêu cầu công tác hiện nay, cán bộ ngoại giao cần quán triệt sâu sắc phương châm chỉ đạo của Người là “phải nhìn cho rộng suy cho kỹ”, “biết mình biết người, biết thời biết thế” để “biết tiến, biết thoái, biết dừng, biết biến” vì lợi ích quốc gia dân tộc. Điều này cần được vận dụng trong xử lý quan hệ với từng đối tác, từng diễn đàn quốc tế, bối cảnh cụ thể. Trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp, càng phải bình tĩnh, bản lĩnh trên cơ sở kiên định độc lập tự chủ, đồng thời phải khôn khéo, tinh tế và sáng tạo trong xử lý các mối quan hệ.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh ngoại giao Việt Nam có trường phái đối ngoại đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh; đó là trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường. Trường phái đối ngoại và ngoại giao “cây tre Việt Nam” dựa trên nền tảng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và truyền thống, bản sắc ngoại giao, văn hóa, dân tộc là phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
"Gốc vững" chính là truyền thống tự lực, tự cường, là lợi ích quốc gia - dân tộc, được dẫn dắt bởi nền tảng tư tưởng của Đảng. "Thân chắc" chính là bản lĩnh kiên cường trước mọi thử thách, khó khăn, là những cốt lõi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. "Cành uyển chuyển" là ứng xử “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bộ trưởng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lão thành, các đơn vị trong Bộ cần nghiên cứu làm rõ nội hàm trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” vận dụng vững chắc, sáng tạo trong thực tiễn hoạt động đối ngoại.
Buổi Tọa đàm mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống, trang bị kiến thức cho các cán bộ làm công tác đối ngoại, giúp hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh để vận dụng hiệu quả, góp phần triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.