Xin Thứ trưởng điểm lại những đóng góp chính của kiều bào Việt Nam trên khắp thế giới trong công tác phòng, chống dịch COVID-19?
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; bà con Việt Nam ở nước ngoài luôn đồng lòng chung sức, một lòng hướng về quê hương, đất nước; thông qua nhiều hình thức quyên góp khác nhau để ủng hộ đất nước chống dịch.
Theo đó, ngay từ khi xuất hiện ca đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Ba Lan, Séc, Nga... đã quyên góp và vận chuyển về nước gần 80.000 khẩu trang y tế, hàng trăm chai nước sát trùng, bộ quần áo bảo hộ và găng tay y tế để hỗ trợ xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc và một số bệnh viện tại Hà Nội phòng, chống dịch.
Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã có khoảng 25 tập thể và cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài từ 14 địa bàn đã quyên góp, ủng hộ gửi về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và một số bệnh viện hiện đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 số tiền quyên góp lên đến gần 33 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật trang thiết bị vật tư y tế khác.
Điển hình, doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn (kiều bào Phillipines) ủng hộ 25 tỷ đồng, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Anh ông Phạm Minh Nam ủng hộ 1 tỷ đồng, bà Trương Thị Thu Hương (nguyên giảng viên Đại học Quảng Châu) ủng hộ 1 tỷ đồng, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (kiều bào Australia) ủng hộ 1 tỷ đồng, Ông David Dương, Chủ tịch Công ty California Waste Solutions (CWS), ủng hộ 100.000 USD (hơn 2,33 tỷ đồng)...
Bên cạnh ủng hộ về vật chất, nhiều kiều bào đã ủng hộ các trang thiết bị, vật tư y tế, hoặc đề xuất các giải pháp công nghệ cần thiết cho công tác phòng, chống dịch như bà Nguyễn Thị Minh Hồng (kiều bào Đức) trao tặng 2 hệ thống thiết bị y tế lắp đặt phòng cách ly áp suất âm cho Bệnh viện Dã chiến Củ Chi; ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Giám đốc Công ty thiết bị y tế Metran, ngoài việc chuyển giao công nghệ và hỗ trợ sản xuất máy trợ thở cho đối tác Việt Nam với giá thành thấp, đã cung cấp thông tin trực tuyến về dịch COVID-19 cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản và sẽ nỗ lực hỗ trợ người Việt khi mắc bệnh. Đây là những hình ảnh rất đáng trân trọng và ghi nhận.
Cảm động hơn nữa khi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như Lào, Campuchia, Ba Lan, Séc, Nga, Đức, Hoa Kỳ… tổ chức những hoạt động có ý nghĩa như may khẩu trang; chuẩn bị những suất ăn cho những bệnh viện của các nước nói trên, cùng nước sở tại phòng, chống dịch COVID-19… Các hành động góp phần tăng tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ nhiều bà con gặp khó khăn do không có việc làm ổn định; nhiều người đi chữa bệnh, du lịch, đi lao động… bị mắc kẹt ở một số nước như Lào, Campuchia, Malaysia.
Đây là những hành động góp phần xây dựng hình ảnh mới của con người, dân tộc, đất nước Việt Nam; truyền tải “tinh thần Việt Nam” trong mắt bạn bè quốc tế; được báo chí, truyền thông quốc tế ca ngợi và ghi nhận về đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển nhưng vẫn giữ nguyên vẹn truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, nỗ lực vượt qua khó khăn.
Xin Thứ trưởng đánh giá vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian qua?
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm kết nối, hỗ trợ và bảo hộ công dân, đặc biệt công dân ở vùng có dịch. Nhiều cơ quan đại diện Việt Nam có các kênh thông tin liên lạc hiệu quả với bà con kiều bào qua mạng xã hội, điện thoại… để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, kết nối chuyến bay cho bà con, nhất là những trường hợp mắc kẹt ở sân bay Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc hoặc một số nước châu Âu…
Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chủ động truyền tải thông tin, thông điệp kêu gọi bà con đồng hành, đồng lòng cùng chống dịch; tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền nước sở tại và những khuyến cáo của Việt Nam, trong trường hợp thực sự cần thiết mới trở về nước; hạn chế di chuyển để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho bà con. Ngoài ra, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực hỗ trợ các hội đoàn ở Đức, Pháp, Séc… cung cấp các nhu yếu phẩm cho bà con gặp khó khăn.
Điều đáng nói, tất cả bà con đều hưởng ứng tích cực, tự nguyện, tự giác thực hiện theo các quy định và khuyến cáo; góp phần tạo kinh nghiệm mới trong công tác vận động, hỗ trợ bà con kiều bào khi gặp khó khăn.
Tuy nhiên, đại dịch có diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, gây khó khăn chưa từng có, bởi trước đây công tác bảo hộ công dân chỉ xảy ra ở một khu vực, một hoặc một vài đất nước. Dù khó khăn nhưng Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam xác định, Việt Nam luôn ưu tiên thực hiện công tác bảo hộ công dân.
Thời gian quan, dưới sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của Bộ Ngoại giao, các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, sự phối hợp cùng các lực lượng trong nước, Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt công tác bảo hộ công dân; góp phần động viên bà con kiều bào hướng về quê hương, thực hiện nghĩa cử cao đẹp của nghĩa đồng bào.
Thưa Thứ trưởng, với tinh thần ưu tiên thực hiện chính sách bảo hộ công dân, sắp tới Việt Nam sẽ đón người Việt ở nước ngoài trở về nước. Xin Thứ trưởng nói rõ hơn về vấn đề này?
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-9, Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai chủ trương từng bước đón bà con sống, học tập và làm việc ở nước ngoài trở về nước, trong đó ưu tiên một số trường hợp gặp khó khăn như người già, người bị bệnh, người đi chữa bệnh, người dưới 18 tuổi, người đi công tác ngắn hạn, người đi du lịch bị mắc kẹt ở nước ngoài...
Hiện Bộ Ngoại giao triển khai chặt chẽ, phối hợp các bộ, ngành, đặc biệt là Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đưa công dân Việt Nam trở về nước. Theo đó, mỗi chuyến bay sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của bà con kiều bào, của các nước sở tại và khả năng tiếp nhận của Việt Nam.
Mục tiêu lớn nhất của chúng ta là đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của công dân Việt Nam trở về nước an toàn, đặc biệt là công dân gặp khó khăn; tổ chức tốt công tác cách ly trong nước, không để Việt Nam gặp phải làn sóng mắc dịch COVID-19 lần thứ hai. Để đạt được các mục tiêu trên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan trong và ngoài nước, sự chia sẻ và phối hợp hành động của bà con.
Xin chân thành cảm ơn Thứ trưởng!