Vẫn còn những lãng phí lớn, cần phải khắc phục ngay và sớm

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Bên lề phiên họp, một số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, đây là nội dung được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm, trước tình trạng lãng phí đang gây thất thoát ngân sách, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, đồng thời nêu ra một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến công tác này trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp sáng 31/10. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nhiều công trình đang lãng phí ở mức đáng báo động

Nhấn mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng và Nhà nước, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, việc Quốc hội tiến hành giám sát tối cao với các hoạt động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn 2016 - 2021 là một chuyên đề bao trùm, rộng, ở tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung giám sát vào một số nội dung cụ thể, đặc biệt là các hoạt động về đầu tư công, xây dựng cơ bản.

Theo đại biểu, qua giám sát, trên cả nước đang có nhiều công trình, trong đó có những công trình trọng điểm quốc gia còn tình trạng lãng phí, đặc biệt trong đầu tư công, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đất nước, như một số đại biểu cho rằng đây là “những công trình làm nghèo đất nước”, cần phải khắc phục ngay, sớm.

Cũng theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, có nhiều nguyên nhân của tình trạng lãng phí, nhưng nguyên nhân chính là việc chỉ đạo, tập trung tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công chưa tốt. Bên cạnh đó, việc phân bổ nguồn lực, một số luật định, quy định đang còn bất cập trong việc tổ chức thực hiện.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn cho biết, cử tri cả nước rất quan tâm chuyện sau giám sát sẽ chuyển biến thế nào trong việc tổ chức tốt hơn nữa các hoạt động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cả nước.

“Phải nói cử tri đặc biệt quan tâm. Hiện nay, có rất nhiều công trình đang lãng phí đáng báo động. Do đó, cử tri rất mong muốn làm sao sau giám sát tối cao của Quốc hội sẽ tạo được chuyển biến tích cực, đảm bảo các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện có hiệu quả và đi vào đời sống, thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ đặt ra trong phát triển kinh tế-xã hội theo chỉ đạo chung của Đảng, Nhà nước”, đại biểu Võ Mạnh Sơn chia sẻ.

Cần cơ chế chấm điểm nhà thầu

Nhìn nhận vấn đề lãng phí trong đầu tư công qua năng lực các nhà thầu, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho biết, hiện nay, có rất nhiều nhà thầu các công trình, qua giám sát, không đủ năng lực triển khai. Năng lực ở đây, theo đại biểu là năng lực cùng một lúc triển khai nhiều dự án của doanh nghiệp, bởi một doanh nghiệp đảm trách nhiều dự án.

Thực tế, khi chọn nhà thầu, các nhà đầu tư, cơ quan chức năng mới chỉ nhìn nhận năng lực nhà thầu thực hiện trực tiếp dự án mà chưa tính toán được năng lực chung của nhà thầu trong thực hiện nhiều dự án cùng lúc. Rất nhiều nhà thầu chưa đủ năng lực thực thi đúng tiến độ, đúng như hợp đồng cam kết.

Theo đại biểu, việc chấm dứt nhà thầu là một giải pháp được nhiều người kiến nghị, nhưng lại không khả thi ở chỗ việc chấm dứt nhà thầu đòi hỏi một thời gian, quy trình xử lý nhiều bước. Cùng với đó, chấm dứt nhà thầu xong, thời gian để tìm kiếm những nhà thầu thay thế cũng không đơn giản.

Do đó, về lâu dài,  đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị nên có cơ chế tích điểm, chấm điểm cho những nhà thầu tốt, có năng lực, có lịch sử thi công tốt. Cùng với đó, đại biểu cho rằng, cần có sự liên thông, kết nối thông tin giữa các công trình, dự án để thấy được khối lượng công việc tổng thể, thông tin đánh giá đúng năng lực nhà thầu.

Thành lập các tổ công tác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng, một trong các cách làm hiệu quả là thành lập các tổ công tác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và cử các tổ công tác này đến địa phương ghi nhận thực tế, sau đó hoàn thành báo cáo gửi cho đoàn giám sát của Quốc hội nghiên cứu trước khi đến làm việc trực tiếp với địa phương.

“Khi thành lập các tổ công tác này rất có lợi cho tổ chức bộ máy. Các chuyên gia phát hiện ra được nhiều vấn đề để báo cáo với đoàn giám sát rà soát, trước khi đoàn giám sát chính thức làm việc với các cơ quan chịu sự giám sát, đặc biệt là các địa phương và các bộ, ngành. Đây là một mô hình rất hiệu quả”, đại biểu nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo đại biểu, việc đoàn giám sát xuống tới địa phương cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực, và đó cũng là một điểm đổi mới trong công tác giám sát.

Việt Đức (TTXVN)
Bên lề Quốc hội: Còn nhiều sai phạm trong lĩnh vực bất động sản
Bên lề Quốc hội: Còn nhiều sai phạm trong lĩnh vực bất động sản

Xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản là một trong những nội dung của nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực xây dựng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN