Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam Peter Girke cùng đại diện các bộ, ngành, chuyên gia trong và ngoài nước có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động đối ngoại đã tham dự Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Thời gian qua, công tác đối ngoại của Nhà nước Việt Nam đã góp phần giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, đưa các mối quan hệ đối ngoại quan trọng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội; giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”. Công tác đối ngoại góp phần bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".
Trong kết quả chung đó, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ tích cực cho ngoại giao Nhà nước và bổ sung cho ngoại giao nhân dân, góp phần quan trọng vào việc thực thi hiệu quả chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt trong công cuộc Đổi mới toàn diện và tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, quan hệ đối ngoại của Quốc hội vừa mang tính Nhà nước, vừa mang tính nhân dân nên rất thuận lợi trong việc mở đường, khai thông, thúc đẩy và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia khác; đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ổn định và lâu dài.
Đến nay, Quốc hội Việt Nam đã có quan hệ với 140 nghị viện các nước và là thành viên của nhiều tổ chức hợp tác liên nghị viện khu vực và thế giới. Công tác đối ngoại đa phương của Quốc hội ngày càng rộng mở, góp phần hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới...
Chia sẻ ý kiến các nhân tại Hội thảo, Tiến sỹ Dirk Toornstra, Quản trị đối tác toàn cầu Brussels (Bỉ) cho rằng: Chính sách đối ngoại là một lĩnh vực quan trọng đối với từng quốc gia. Hiện nay, không có một mô hình tối ưu nào cho các nghị viện, quốc hội, bởi mỗi quốc gia có một mô hình nghị viện hoặc quốc hội khác nhau... Việc nghị viện tham gia vào chính sách đối ngoại cần tính đến hiệu quả và nhu cầu đối với người dân.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi thảo luận về: Tổng quan về tình hình thế giới và khu vực hiện nay; ngoại giao Nghị viện trong việc triển khai chính sách đối ngoại Nhà nước; phương hướng tăng cường vai trò của Quốc hội trong hoạt động đối ngoại Nhà nước; công tác lập pháp và giám sát trong việc thực hiện các điều ước quốc tế phục vụ tiến trình hội nhập của đất nước; vai trò của Nghị viện trong triển khai chính sách đối ngoại Nhà nước tại một số quốc gia; những xu hướng dự báo tình hình thế giới, khu vực về chính trị...