Theo phóng viên TTXVN có mặt tại Lima, tham dự cuộc họp còn có Thứ trưởng Bộ Sản xuất Peru Marco Velarde và Đại sứ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru Đỗ Bá Khoa.
Phát biểu tại kỳ họp, Thứ trưởng Ngoại giao Bardales nhấn mạnh Việt Nam và Peru có những nét tương đồng trong phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng ở mức cao từ 5 tới 7% trong những năm gần đây, cũng như những thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân.
Thứ trưởng Bardales bày tỏ trong thời gian qua, quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Peru đang trên đà phát triển nhanh chóng, và hai bên còn phối hợp chặt chẽ trong các cơ chế đa phương như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) mà cả hai nước là thành viên, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Bardales thông báo Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11 tới và tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017. Ông Bardales cho biết ông Kuczynski sẽ hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Về phần mình, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban liên Chính phủ Peru - Việt Nam đánh dấu một bước tiến mới trong mối quan hệ hợp tác song phương kể từ khi quan hệ ngoại giao được thiết lập năm 1994.
Kỳ họp lần này tạo tiền đề cho việc mở rộng hơn nữa phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp và khoa học-kỹ thuật giữa hai nước.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải điểm lại những mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, trong đó có trao đổi đoàn cấp cao, đặc biệt là chuyến thăm chính thức Peru vào tháng 11 năm ngoái của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Năm 2015, đánh dấu cột mốc quan trọng trong giao lưu thương mại giữa hai nước khi kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu vượt 300 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Peru vượt 247 triệu USD.
Ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh năm 2016, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Peru đạt 351,4 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2015. 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất nhập khẩu đạt 345 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu của nước ta sang Peru đạt 254 triệu USD và nhập khẩu ở mức 91 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm đồ điện tử, điện thoại, xi măng, clanke, dệt may, nguyên phụ liệu dệt may, giầy da, sản phẩm nhựa, cao su.
Việt Nam nhập khẩu hơn 76 triệu USD, chủ yếu gồm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, da động vật, quặng, kẽm, nguyên liệu dệt may, phụ phẩm công nghiệp thực phẩm và thịt các loại.
Đề cập tới đầu tư, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh tới hoạt động của hai tập đoàn lớn của Việt Nam là Viettel và Tập đoàn dầu khí Việt Nam PetroVietnam tại Peru.
Viettel đầu tư tại Peru từ năm 2011 và hiện dịch vụ viễn thông của tập đoàn này tại Peru bao phủ 80% vùng có dân số. Với 1.600 nhân viên tại Peru, doanh thu của Viettel đạt 300 triệu USD/năm.
Trong khi đó, PetroVietnam đầu tư vào ngành năng lượng và đã khai thác dầu khí thương mại. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ mong muốn chính phủ Peru hỗ trợ hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động tại quốc gia Nam Mỹ này.
Liên quan tới vấn đề khu vực và quốc tế, Thứ trưởng Bardales bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017.
Theo ông Bardales, việc Việt Nam lần thứ hai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC cho thấy uy tín và vai trò ngày càng gia tăng của nước ta trên trường quốc tế.
Peru, quốc gia chủ nhà của APEC 2016, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh năm nay sẽ diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới.
Ngoài ra, ông Bardales cũng mong muốn thúc đẩy khả năng hợp tác giữa Liên minh Thái Bình Dương, được thành lập năm 2011 theo đề xuất của Peru, với ASEAN.
Về phần mình, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Việt Nam sẽ ủng hộ đề xuất của Peru tại APEC 2017, trong đó có việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng cường năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất thông qua áp dụng khoa học - công nghệ.
Nhân dịp này, nhóm kỹ thuật của Việt Nam và Peru cũng tiến hành đàm phán về khả năng mở cửa thị trường nông phẩm của cả hai nước theo hướng thuận lợi hóa các quy định kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Peru muốn xuất khẩu nho, việt quất sang thị trường Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam muốn xuất khẩu vải, nhãn, thanh long và hải sản sang Peru.
Nhân dịp này, Cục bảo vệ thực vật Việt Nam cũng đã tới Peru để khảo sát vùng trồng nho và dây truyền sản xuất sản phẩm nho của quốc gia Nam Mỹ.
Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Bardales đã ký biên bản Kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban liên Chính phủ Peru - Việt Nam về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đã có buổi thăm và làm việc với đại diện Viettel và PetroVietnam tại Peru.