Ứng phó với bão số 3: Thanh Hóa, Nghệ An sẽ cấm biển trong ngày 6/9

Chiều 5/9, trong cuộc họp trực tuyến triển khai công tác ứng phó với siêu bão YAGI, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu, các sở, ngành, địa phương dừng hoạt động hội họp không cần thiết tập trung cho công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với tác động của bão.

Chú thích ảnh
Ngư dân Thanh Hóa chằng, buộc thuyền tại bãi neo đậu, tránh trú bão số 3. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh chủ động bám sát cơ sở, địa phương, đơn vị được phân công để triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai có thể xảy ra.

Tỉnh Thanh Hóa dự kiến sẽ ban hành lệnh cấm biển từ 12 giờ ngày 6/9 để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.

Tính đến lúc 16 giờ ngày 5/9, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 752 phương tiện với 3.919 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó có 117 phương tiện với 829 lao động đang hoạt động tại vùng biển Quảng Ninh; 136 phương tiện với 1.622 lao động tại vùng biển Hải Phòng; 471 phương tiện, 1.160 lao động tại vùng biển Thanh Hóa... Số phương tiện trên đã nắm được thông tin về bão số 3, thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương 1 - 2 lần/ngày.

* Ngày 5/9, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện hỏa tốc số 35/CĐ-UBND về việc cấm tàu, thuyền ra khơi trong bão số 3 để đảm bảo an toàn cho ngư dân và các tàu, thuyền.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, các thị xã: Cửa Lò, Hoàng Mai; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 5 giờ, ngày 6/9. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 16 giờ ngày 6/9.

Các địa phương ven biển và các đơn vị liên quan sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải); tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi đảm bảo an toàn; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh).

Là 1 trong 28 tỉnh thành giáp biển, Nghệ An có 82 km bờ biển chạy qua địa bàn 5 huyện, thị xã ven biển. Trước đó, ngày 4/9, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện hỏa tốc số 34 chỉ đạo triển khai ứng phó bão số 3, yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai công tác ứng phó bão số 3 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất; không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Hoa Mai - Hải An (TTXVN)
Ứng phó với bão số 3: Thái Bình bảo đảm an toàn tại các trọng điểm xung yếu
Ứng phó với bão số 3: Thái Bình bảo đảm an toàn tại các trọng điểm xung yếu

Là một trong những địa phương được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 3 được đánh giá có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp, tỉnh Thái Bình đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”, không chủ quan và sẵn sàng mọi biện pháp, phương án, nhất là tại các trọng điểm xung yếu, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cơn bão gây ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN