Ngày 2/11, tàu thuyền của ngư dân quay vào bờ để cập bến cảng Ninh Chữ, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận tránh bão. Ảnh: Công Thử/TTXVN |
*Đến 17 giờ ngày 2/11, có 203 tàu với 820 lao động của tỉnh Bình Thuận đang trên đường vào bờ tránh bão số 12. Các tàu thuyền còn lại đang tiếp tục được kêu gọi vào bờ và giữ liên lạc với các đồn biên phòng, các đài thông tin Duyên hải khu vực, thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Tại tỉnh Bình Thuận các hồ chứa như: Sông Quao, Cà Giây, Ba Bàu, Sông Móng, Đu Đủ, Tân Lập, Trà Tân, Núi Đất...đang xả lũ điều tiết qua tràn để hạ thấp mực nước, đảm bảo an toàn cho công trình. Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã phân công trực 24/24 giờ; thông báo kịp thời tình hình xả lũ cho các địa phương biết để có kế hoạch di dời dân an toàn; phân công lực lượng ứng trực tại các điểm xung yếu.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan triển khai phương án bảo vệ các tuyến đê biển xung yếu, bảo vệ khu dân cư; rà soát các vùng trọng điểm, vùng trũng, ven biển để có kế hoạch di dời, sơ tán dân. UBND các huyện Tuy Phong, thành phố Phan Thiết, huyện đảo Phú Quý thông báo cho các chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản biết diễn biến của bão số 12 để gia cố, chằng buộc hoặc kéo bè vào nơi an toàn.
*Đến 16 giờ ngày 2/11 còn 24 tàu cá của ngư dân Bình Định đang nằm trong vùng biển nguy hiểm. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, Chi cục Thủy sản tỉnh, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện ven biển, thành phố Quy Nhơn đang tích cực kết nối với các chủ tàu thông báo vị trí, hướng di chuyển của bão để tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết, phòng tránh.
Đến chiều tối 2/11, Bình Định đã kêu gọi 4.224 tàu với 26.353 ngư dân vào neo đậu an toàn. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có công điện khẩn yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các sở, ban ngành, các huyện thị xã và thành phố Quy Nhơn kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển đi trú tránh bão; triển khai gia cố, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; chủ động vận hành điều tiết theo quy trình vận hành liên hồ chứa; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện đi lại ở những chỗ ngập sâu, nước chảy xiết. Các đơn vị theo dõi diễn biến của bão để kịp thời ứng phó; các cơ quan tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia ứng cứu khi có yêu cầu
Tại Bình Định, mưa lớn đã làm sạt lở nhỏ ở kè Suối Tem, làng T2, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân, với khối lượng 200m3 đất và gây xói lở khoảng 2.400m3 đất đường liên xã Canh Thuận - Canh Liên, huyện Vân Canh. Hiện 165 hồ chứa nước trên toàn tỉnh Bình Định đạt 40,4% dung tích thiết kế.
*Chiều 2/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết mưa lũ đã làm 2 người trên địa bàn chết do đuối nước.
Theo thông tin ban đầu, vào chiều 1/11, ông Nguyễn Văn Triêm (sinh năm 1944, trú xã Quế Ninh, huyện Nông Sơn) trên đường đi rẫy, đến cầu Khe Con, khu vực giáp ranh giữa thôn Ninh Khánh 1 và Ninh Khánh 2, xã Quế Ninh thì bị trượt chân xuống dòng lũ. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, thi thể ông Triêm đã được tìm thấy. Cũng trong ngày 1/11, em Nguyễn Đình Quân (sinh năm 2008, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Trương Hoành, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) cùng một học sinh khác rủ nhau đi bắt cá trên cánh đồng gần nhà, không may em Quân bị trượt chân xuống một con lạch nhỏ dẫn đến tử vong.Từ ngày 31/10 đến ngày 2/11, tỉnh Quảng Nam có mưa lớn với lượng mưa trung bình từ 100mm đến 150mm gây ngập cục bộ tại một số địa phương như Bắc Trà My, Tam Kỳ, Nông Sơn, Hội An…
Để chủ động phòng chống bão số 12, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành chức năng thông báo về bão số 12 cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động trú bão; theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển; thường xuyên theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, quản lý việc ra khơi của các tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; theo dõi, kiểm tra, quan trắc mưa, dòng chảy trên lưu vực để chủ động tính toán vận hành điều tiết lũ phù hợp
*Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã họp khẩn để ứng phó với bão số 12. Các địa phương của tỉnh đã chuẩn bị tốt các phương án phòng, chống bão. Các hộ dân đều đã tranh thủ thu hoạch sớm hoa màu, thủy hải sản, có phương án bảo vệ tài sản và vật nuôi. Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan chức năng tổ chức tốt việc sắp xếp, bố trí cho tàu thuyền về neo đậu, tránh trú bão đồng thời quyết liệt di dời các hộ dân trên các lồng, bè nuôi cá cũng như trên các tàu cá đang neo đậu.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong mấy ngày qua, lượng mưa và nước từ thượng nguồn đổ về tỉnh tăng cao. Hiện trữ lượng nước trên các hồ, đập dâng đạt hơn 73% so với dung tích thiết kế và bằng gần 93% so với cùng kỳ năm 2016. Hiện Trung tâm Quản lý, khai thác các công trình thủy lợi đã có phương án điều tiết, thoát lũ khi có mưa lớn và nước lũ đổ về nhiều.
Tính đến 13 giờ ngày 2/11, đã có hơn 3.400 ghe, tàu cá với gần 14.400 ngư dân của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã vào bờ, còn có 1.251 ghe, tàu với gần 8.900 ngư dân các tỉnh khác đang neo đậu tại bến. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 2.000 ghe, tàu cá với gần 13.300 ngư dân trên biển, trong đó có 18 tàu cá với 136 ngư dân đang còn hoạt động trong vùng nguy hiểm. Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh cho biết, 18 tàu cá trên đều đã nắm được thông tin về cơn bão và đang nhanh chóng thoát khỏi vùng nguy hiểm.
*Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Hoàng Tựu: Vĩnh Long có nguy cơ ảnh hưởng của bão số 12 cộng với triều cường dự báo đạt đỉnh từ ngày 5- 7/11, cao hơn mức báo động III từ 0,10-0,35m. Do đó, các sở, ban, ngành và địa phương không chủ quan, khẩn trương triển khai tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để ứng phó kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu trên địa bàn, ưu tiên gia cố các điểm có nguy cơ sạt lở khẩn cấp và khắc phục các điểm đã sạt lở; tổ chức vận động di dời và hỗ trợ dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tạm cư an toàn. Các địa phương kiểm tra, rà soát lại các khu vực hiện còn các hộ dân đang sinh sống trong các vùng trũng, thấp, ngoài đê bao, bờ bao có nguy cơ ngập lũ để có phương án chủ động phòng, tránh nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản; chủ động phương án bơm nước tiêu úng để bảo vệ diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái và khẩn trương thu hoạch diện tích lúa, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch.
Các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn các phương tiện vận tải đường thủy, các bến đò ngang sông; sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị để tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn-cứu hộ trên sông, rạch khi cần thiết.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có gần 9.500 ha lúa Đông Xuân đã xuống giống; trên 12.800 ha lúa Thu Đông đang trong giai đoạn trổ và chín; trên 3.700 ha màu vụ Đông Xuân; 229 cơ sở nuôi cá lồng, bè và 200 cơ sở nuôi cá tra thâm canh với diện tích 458 ha. Ngoài ra, toàn tỉnh có 118 hộ dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở thuộc khu vực các sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên và sông Long Hồ cần được di dời.