UBND các cấp có thể huy động lực lượng chữa cháy rừng

Vụ cháy rừng phòng hộ ở Sóc Sơn-vụ cháy rừng lớn nhất từ trước đến nay xảy ra tại Hà Nội, ngay trước ngày Chính phủ trình dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, đây là một minh chứng đặt ra yêu cầu cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Trong phiên họp Quốc hội chiều 6/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Khóa XI (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2005), qua 12 năm thực hiện đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng theo mục tiêu quản lý chuyển từ nền lâm nghiệp lấy quốc doanh là chủ yếu sang nền lâm nghiệp nhân dân, đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia...

Nhờ đó, diện tích rừng từ 12,306 triệu ha với độ che phủ rừng 37% năm 2004 tăng lên đến năm 2015 diện tích rừng là 14,061 triệu ha với độ che phủ rừng 40,84%; sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm đạt khoảng 17 triệu m3, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 7,1 tỷ USD. 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tuy nhiên, đến nay Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng còn diễn ra phức tạ. Đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế của cả nước rất thấp, thu nhập của người làm nghề rừng thấp...

Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) có 12 chương, 97 điều, so với Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, bổ sung 4 chương mới: Chế biến, thương mại lâm sản; hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp; giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Dự thảo Luật kế thừa 8 điều; sửa đổi 60 điều; bổ sung mới: 29 điều; bỏ: 19 điều.

Trong đó, bảo vệ rừng (Chương V) đã được sửa đổi theo hướng: UBND các cấp có thẩm quyền huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn để ứng phó khẩn cấp chữa cháy rừng. Cơ quan Kiểm lâm các cấp và Cảnh sát phòng cháy chữa cháy có trách nhiệm hướng dẫn chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (Điều 56)... 

Về sử dụng rừng (chương VII) sửa đổi những quy định như: được tận dụng gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình tại vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh. 

Đối với rừng tín ngưỡng, được tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, thực vật rừng, lâm sản ngoài gỗ, khai thác gỗ phục vụ mục đích tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng; khai thác vật liệu giống, được tận dụng, tận thu gỗ đối với rừng giống quốc gia (Điều 66). 

Dự thảo luật cũng quy định về nông lâm kết hợp trong rừng phòng hộ (Điều 71), như: được trồng xen cây dược liệu, cây đặc hữu, chăn nuôi dưới tán rừng tự nhiên; được sử dụng diện tích đất chưa có rừng xen canh để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp nhưng không làm ảnh hưởng khả năng phòng hộ của rừng... 

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, việc sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 là rất cần thiết. 

Từ đó, nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và phát triển ngành lâm nghiệp bền vững. Đồng thời, thể chế hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu tài nguyên thiên nhiên, đường lối chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội liên quan bảo vệ và phát triển rừng.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, tuy dự thảo luật cần tuy còn có một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu và làm rõ, nhưng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, hồ sơ Dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị đầy đủ, công phu, đúng với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến. 

“Sau kỳ họp thứ 3, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật cũng như chỉnh sửa về ngôn ngữ, kỹ thuật lập pháp trình Quốc hội xem xét, thông qua” Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết.

Xuân Phong/Báo Tin Tức
Người dân chưa hết bàng hoàng về vụ cháy rừng ở Sóc Sơn
Người dân chưa hết bàng hoàng về vụ cháy rừng ở Sóc Sơn

Đến sáng 6/6, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được cháy rừng tại huyện Sóc Sơn, khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất thuộc xã Nam Sơn. Hiện nay, ước tính thiệt hại ban đầu cháy khoảng 100 ha rừng trồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN