Từ khát vọng độc lập đến khát vọng hùng cường - Bài cuối: Những ngôi sao lấp lánh

Với những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam, ngôi sao trên mũ mãi mãi là sao sáng dẫn đường, dù trong thời chiến hay thời bình, sẽ tiếp thêm sức mạnh để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 2/10/1971 - 28 ngày sau khi nhập ngũ, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã ghi vào cuốn nhật ký tuổi hai mươi của mình: “Nhiều lúc mình cũng không ngờ nổi rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá, và cũng đột ngột quá…”.

Với những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam, ngôi sao trên mũ mãi mãi là sao sáng dẫn đường, dù trong thời chiến hay thời bình, sẽ tiếp thêm sức mạnh để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Đó cũng là ngôi sao trên lá cờ được giương cao khi Việt Nam tự hào với những chiến thắng trên nhiều đấu trường quốc tế, như chính những người trẻ Việt Nam luôn nỗ lực để hai tiếng “Việt Nam” được xướng lên ngày một vinh quang với bạn bè năm châu.

Chú thích ảnh
Niềm vui chiến thắng của lái xe Nguyễn Tiến Chiến - người đã điều khiển xe tuyệt vời, không phạm bất kỳ lỗi nào, đưa kíp xe số 3 băng băng về đích sớm nhất. Ảnh: Trần Hiếu/Pv TTXVN tại Nga

Sau lưng là Tổ quốc

Tháng 9 năm 2020, ngoại ô thủ đô Moscow của Liên bang Nga, những tiếng hò reo, giọt nước mắt trên những gương mặt dạn dày sương gió, niềm vui vỡ òa khi lá cờ Tổ quốc tung bay giữa bầu trời nước Nga... Trong trận chung kết cuộc đua “Xe tăng hành tiến” diễn ra cực kì căng thẳng giữa các đội Myanmar, Lào, Tajikistan, với thành tích 2 giờ 12 phút 47 giây, đội tuyển Xe tăng Việt Nam lần đầu tiên giành Huy chương Vàng, cúp vô địch bảng 2 tại Hội thao quân sự quốc tế Army Games 2020. Là chỉ huy kíp xe tăng giành chiến thắng, Thiếu tá Trần Việt Hải, Đại đội trưởng Đại đội 8, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 201, Binh chủng Tăng thiết giáp nhớ lại những giây phút vỡ òa trong cảm xúc khi được giương cao lá cờ đỏ sao vàng, giữa tiếng hô vang “Việt Nam vô địch” trên đấu trường quốc tế: “Đây sẽ là kỷ niệm đẹp tôi và đồng đội không bao giờ quên được”.

Đằng sau mỗi tấm huy chương bao giờ cũng có những giọt mồ hôi và cả nước mắt mặn đắng, là những vết đau bầm tím cơ thể, thậm chí là có cả hy sinh về thời gian dành cho gia đình… Nhưng Thiếu tá Hải cho rằng, những thiệt thòi này chưa thể sánh bằng sự cống hiến của đồng đội đang ngày đêm bám trụ nơi tuyến đầu, nơi biên cương hay hải đảo xa xôi.

Ngay từ nhỏ, anh đã yêu màu áo lính, có lẽ bởi một phần được thừa hưởng từ truyền thống của gia đình có ông ngoại là liệt sỹ trong kháng chiến chống Mỹ, bố và bác từng tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979. Đến khi lớn lên, mong muốn được khoác trên mình màu xanh áo lính trong thâm tâm Trần Việt Hải lại càng thôi thúc...

Chú thích ảnh
Kíp xe tăng Việt Nam thi đấu xuất sắc trong trận chung kết, đạt tốc độ di chuyển cao và bắn chính xác. Ảnh: Trần Hiếu/Pv TTXVN tại Nga

Nhớ lại hành trình đem vinh quang về cho đất nước trên thao trường Alabino, Thiếu tá Hải cho biết, anh và đồng đội gặp khá nhiều khó khăn, thử thách. Đó là sự chênh lệch về múi giờ, thời tiết; khác biệt về đồ ăn, thức uống: “Sang đó anh em rất khó thích nghi, đồ ăn không hợp khẩu vị nên sức khỏe giảm sút nhiều, người nhiều nhất thì giảm 8 kg, ít nhất là giảm 4 kg. Lệch nhau về múi giờ giữa nước ta và nước bạn cũng là một trở ngại với chúng tôi. Khi trời tối thì lại không ngủ được, lúc trời sáng thì chúng tôi lại buồn ngủ nên cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tinh thần thi đấu”, anh Hải cho biết.

Đặc biệt, loại xe tăng được sử dụng trong Army Games là xe tăng T-72B3 hiện đại, đang có trong biên chế của quân đội Nga và nhiều nước tham gia hội thao, trong khi quân đội Việt Nam chưa có dòng xe này. Lực lượng Tăng thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam hiện được trang bị chủ yếu là các dòng xe thế hệ thứ 3, như xe T54, T55 với kíp xe gồm 4 người, trưởng xe, pháo thủ, lái xe, nạp đạn. Đây cũng chính là những chiếc xe mà đội tuyển đã sử dụng để luyện tập trong nước, khác biệt hoàn toàn với dòng xe T-72B3 rất hiện đại mà đội tuyển điều khiển qua các vòng thi đấu. Khi đi thi đấu, đội tuyển chỉ có khoảng 5 ngày tiếp cận và làm mọi công tác chuẩn bị, hiệu chỉnh vũ khí, luyện tập, học cách khắc phục hư hỏng thông thường trên xe.

Thời điểm đội tuyển Việt Nam sang Nga thi đấu cũng là lúc tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở châu Âu, yêu cầu đảm bảo sức khỏe cho các thành viên đội tuyển xe tăng cũng như những đội tuyển khác là yếu tố được đặt lên hàng đầu, tuy nhiên, cũng tạo ra không ít trở ngại về thời gian, thủ tục...

Quyết tâm vượt khó, Thiếu tá Trần Việt Hải cùng đồng đội tranh thủ từng giây phút quý giá để làm quen với dòng xe tăng T-72B3 cùng các thiết bị, vũ khí trang bị trên xe và tìm hiểu thao trường thi đấu một cách cặn kẽ. “Đây là lần thứ ba tôi được tin tưởng giao trọng trách là trưởng một kíp xe của đội tuyển xe tăng Việt Nam tại Army Games. Hai lần trước sang Nga thi đấu, đội tuyển chỉ đứng 17/22 đội năm 2018 và năm 2019 giành Huy chương Bạc. Anh em chúng tôi động viên nhau rằng, mình là Bộ đội Cụ Hồ và khẩu hiệu truyền thống 'Đã ra quân là đánh thắng' của bộ đội Tăng thiết giáp không phải để nói chơi, nên phải nỗ lực cao nhất vì màu cờ sắc áo, và chúng tôi đã làm được”.

Nhưng khó khăn không dừng lại ở đó, trong trận chung kết, ngay sau loạt bắn pháo đầu tiên, Thiếu tá Trần Việt Hải đã nhận thấy pháo chính của xe có vấn đề, gần như bắn không trúng mục tiêu: “Đến khi kíp xe thứ hai bước vào thi đấu thì hiệu quả bắn pháo chính cũng không cao, mặc dù ta vẫn bắn tốt hơn đội bạn do kết quả bắn súng 12,7 mm tốt. Lúc này Ban Huấn luyện đặt ra giải pháp thay xe dự bị vào thi đấu, đây có thể nói là tình huống rất cân não, bởi nếu thay xe dự bị vào hỏng thì không được quyền thay thế nữa. Thời điểm đó, sau hai lượt thi đấu, chúng ta đang bị hai đội bạn bám sát phía sau”, Thiếu tá Hải nhớ lại.

Sau khi tính toán rất kỹ các khả năng, Ban Huấn luyện quyết định thay xe, đây là một quyết định rất sáng suốt, góp phần vào chiến thắng của đội. Sau khi thay xe, kíp xe thứ ba đã thi đấu xuất sắc, pháo thủ đã hạ toàn bộ mục tiêu. Những cố gắng, nỗ lực của Thiếu tá Trần Việt Hải và đồng đội đã được đền đáp xứng đáng bởi đấu pháp hợp lý qua từng chặng đua và nhiều lượt bắn chuẩn xác.

“Khoảnh khắc cùng anh em lên bục nhận giải, tôi cảm thấy rất tự hào, xúc động. Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất và cũng chính là động lực to lớn của tôi và đồng đội tại các kỳ Army Games là hình ảnh cổ động viên Việt Nam, dù số lượng khá ít, nhưng luôn nổi bật với cờ đỏ sao vàng trên một góc khán đài, cùng với đó là sự cổ vũ rất nhiệt tình của bạn bè quốc tế, có những kiều bào ở Nga đã vượt hàng ngàn cây số tới động viên chúng tôi…”, anh tâm sự.

Giới hạn là bầu trời

Câu chuyện chân thật từ cuộc đời của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy, Quyền hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen (Thành phố Hồ Chí Minh) - Hiệu trưởng Đại học trẻ nhất Việt Nam hiện nay ở tuổi 37, bắt đầu từ hồi ức về thời học sinh, khi một cô bé liên đội trưởng 9 tuổi được điều hành 1.000 học sinh ở trường chào cờ theo nhịp trống thôi thúc của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

“Tiếng trống dồn dập đó, cùng với những khao khát có thể thuyết phục mọi người làm theo những điều mình thấy là tốt cho thiếu niên, cho thanh niên đã nuôi dưỡng trong tôi mong muốn được trở thành một thủ lĩnh. Cứ như vậy, tôi bắt đầu với chiếc xe đạp mini rất cũ để mỗi cuối tuần đi trên quãng đường khoảng 11 km từ ngôi làng mà tôi ở đến sinh hoạt tại nhà thiếu nhi thành phố. Tôi bắt đầu làm những điều khó khăn từ lúc còn dễ dàng, đó là bắt đầu học múa, học hát, học làm MC, tham gia rất nhiều chương trình thiếu niên, như Bông hoa nhỏ, Búp sen hồng và rèn luyện cho mình những kỹ năng cần có”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy nhớ lại.

Tất cả những điều đó đã dần hình thành cho người con gái trẻ năng lượng của một nhân tố dẫn dắt, để đến khi 18 tuổi, chị trở thành nữ thủ lĩnh đầu tiên của sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế Huế - Chủ tịch Hội Sinh viên của trường. Từ khi ấy, cô sinh viên nhiều khao khát lại bắt đầu nuôi dưỡng mong muốn xây dựng nên những câu lạc bộ dành cho sinh viên. Võ Thị Ngọc Thúy đã cùng rất nhiều “đồng đội” của mình tạo ra những sân chơi vừa làm truyền thông, vừa kinh doanh, khởi nghiệp với những quán cafe sinh viên, qua đó tạo được nguồn học bổng cho những tài năng và nhóm tài năng trẻ.

Nói về một bước ngoặt trong cuộc đời, cũng là phần thưởng lớn nhất của cô sinh viên Đại học Kinh tế Huế đạt được khi đó, chị Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng, có lẽ đó là khi được chọn là 1 trong 4 thanh niên của Việt Nam tham gia Liên hoan thanh niên thế giới tại Venezuela vào năm 2005.

“Vượt qua một chặng đường rất dài đến với Venezuela, lúc đó tôi không có một chút mệt mỏi nào, bởi quá tự hào khi tất cả mọi người đều hô vang 'Viva Ho Chi Minh', và họ nhìn chúng tôi là những con người đến từ một đất nước anh hùng. Sau 7 ngày sinh hoạt tại Venezuela, cảm giác của tôi lúc đó là tôi phải ra ngoài thế giới, phải vượt ra xa hơn nữa và phải chứng tỏ với thế giới rằng, những người trẻ Việt Nam chúng tôi còn làm được nhiều hơn thế nữa”.

Trở về Việt Nam, cứ sau mỗi ngày lên trường học, Võ Thị Ngọc Thúy không rời văn phòng Hội Sinh viên trước 20 giờ, và sau đó tiếp tục ra quán internet ở gần trường thuê máy tính nối mạng từ 1 - 2 giờ. Cứ thế, cô gái nhỏ nuôi ước mơ "vươn ra biển lớn" bắt đầu tìm tòi học bổng ở những trường Đại học tại Pháp và Canada.

Sau một năm gần như rải đi khắp nơi những nguyện vọng của mình ở các trường, may mắn cũng mỉm cười khi Võ Thị Ngọc Thúy được nhận một học bổng đến với Canada để thực tập nghề. “Tôi đã chọn việc đi thực tập nghề thay vì ở lại trường ngay lúc đó. Tôi thấy rằng, chỉ cần chúng ta muốn và quyết tâm là có thể làm được”, chị Thúy nhớ lại khi ấy.

Sau đó, chị liên tiếp nhận được hai học bổng Thạc sĩ ở Pháp và ba học bổng để học Tiến sĩ. Đáng nhớ nhất với chị là cảm giác tự hào của người Việt Nam khi chinh phục sự công nhận của các giáo sư Pháp: “Đó là khi tôi nhận được một giấy thông báo của trường, tôi thuộc top 5 sinh viên, học viên của chương trình thạc sĩ được chọn đi thi với các bạn sinh viên nước ngoài và sinh viên của Pháp. Tôi đã chuẩn bị rất kỹ càng bài trình bày của mình. Khi bước vào, nhìn thấy 10 giáo sư kỳ cựu đến từ nước Pháp để tuyển chọn, thực sự lúc đó rất run, nhưng tôi muốn chứng minh rằng, tôi sẽ là một trong những người Việt Nam vượt qua rất nhiều sinh viên của Pháp và nước ngoài để giành được suất học bổng này. Và khi tôi bước ra khỏi căn phòng đó, một giáo sư đã nói với tôi rằng: Tôi không nghĩ em là người nước ngoài. Em đã làm được một điều mà tôi không thể nghĩ rằng đây là một sinh viên nước ngoài đang trình bày”.

Cuộc sống của một du học sinh gần 8 năm ở Canada và Pháp với hàng ngàn đêm lạnh và những nỗi khó khăn của cuộc sống xa nhà chưa bao giờ là lý do khiến chị Võ Thị Ngọc Thúy ngừng bước trên hành trình cố gắng. Chị nhớ lại những ngày đầu không thể xin các bạn làm bài tập cùng nhóm vì những e dè của người nước ngoài đối với năng lực của người Việt Nam: “Nhưng tôi hoàn toàn không mời bất kỳ một bạn Việt Nam hay một nước thuộc châu Á nào cùng làm, bởi tôi nghĩ rằng, chúng ta phải vượt ra khỏi vùng châu Á. Tôi cố gắng chinh phục những bạn Pháp để có thể được cùng làm nhóm với họ. Và niềm vui đầu tiên sau 6 tháng tôi ở Pháp đó là những người bạn Pháp đã hỏi tôi rằng tôi có thể làm nhóm với bạn được không? Có lẽ đó là một điều hết sức đơn giản nhưng lúc đó lại là một cảm giác hết sức tự hào”, chị Thúy chia sẻ.

Cảm giác tự hào ấy đã đến đỉnh điểm trong ngày chị bảo vệ luận án Tiến sĩ. “Đó là lần đầu tiên sau 8 năm tôi vỡ òa trong nước mắt. Lúc đó tôi nghĩ rằng mình đã làm được, đó là lòng tự trọng của người Việt Nam, sự tự tôn và hình ảnh của một công dân trẻ Việt Nam trên đất Pháp”.

Dù có rất nhiều lời mời ở lại trường làm việc, nhưng với tình yêu quê hương đất nước và sự chờ đợi của gia đình, chị Thúy đã quay trở về Việt Nam, tham gia công tác giáo dục ở Đại học Huế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, và tiếp tục đem trải nghiệm, chuyên môn của mình đóng góp ở cương vị Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng rồi tình yêu của giáo dục và khao khát được thực hiện những dự án giáo dục nhân bản, với triết lý giáo dục khai phóng lại thôi thúc chị Võ Thị Ngọc Thúy đến với cơ duyên tại Đại học Hoa Sen: “Nơi đây chúng tôi đang từng ngày nỗ lực để mong rằng, mỗi bạn sinh viên ra trường sẽ là một “công dân trên đám mây”. Chúng ta phải tạo cho mình những “đám mây”, những icloud, với sắc màu khác nhau, với đa dạng kỹ năng, năng lượng để bất kỳ một rào cản nào trước mắt cũng không phải là khó khăn mà chỉ là thử thách”.

Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay rất sáng tạo và biết nắm cơ hội để tỏa sáng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng, ở mỗi giai đoạn, mỗi thanh niên, sinh viên đều có thể cố gắng trau dồi những thế mạnh riêng của mình. “Tuy nhiên, tôi muốn nhắn nhủ đến tất cả các bạn sinh viên là phải dám dấn thân và phải thực sự muốn làm, vượt qua vùng an toàn thì mới có thể làm được những điều lớn lao hơn”.

Với nữ Hiệu trưởng Đại học trẻ nhất Việt Nam, đôi khi thách thức chỉ là một niềm vui, và “nếu chúng ta xem đó là niềm vui, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua. Bởi chúng ta sẽ yêu cái mình làm và làm được điều mình yêu. Chỉ cần chúng ta muốn và dấn thân, hãy xem giới hạn là bầu trời, chúng ta sẽ làm được. Như tôi, bằng một chiếc xe đạp mini cho đến lúc trở thành một thủ lĩnh sinh viên, cho đến những chuyến bay tới 32 thành phố thuộc 17 quốc gia trên thế giới, để về đây đóng góp xây dựng một nền giáo dục hiện đại”.

Hiền Hạnh (TTXVN)
Từ khát vọng độc lập đến khát vọng hùng cường - Bài 2: Dấu ấn thời đại trên công trường thanh niên cộng sản 
Từ khát vọng độc lập đến khát vọng hùng cường - Bài 2: Dấu ấn thời đại trên công trường thanh niên cộng sản 

Từ cuối năm 1979, theo nguyện vọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước đã tin tưởng, giao cho đoàn viên, thanh niên là lực lượng chủ công xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình - một công trình của thế kỷ XX. Năm 1982, theo đề nghị của Trung ương Đoàn, Hội đồng Bộ trưởng quyết định công nhận công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình là Công trường Thanh niên Cộng sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN