Năm 2014 được Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn là Năm Thanh niên tình nguyện. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm lớn Đảng và Nhà nước tin tưởng và giao phó cho thanh niên. Các hoạt động tình nguyện được triển khai rộng khắp trên cả nước đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, cống hiến sức trẻ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Phát huy vai trò xung kích
Năm 2000, Trung ương Đoàn đã chính thức phát động trong cả nước phong trào “Thanh niên tình nguyện”. Từ đó đến nay, phong trào đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, thu hút hàng chục triệu bạn trẻ tham gia, tạo được dấu ấn đậm nét với xã hội.
Tham gia phát triển cộng đồng
Thanh niên Việt Nam luôn mong muốn thể hiện mình thông qua các phong trào thanh niên tình nguyện để góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác Đoàn, phong trào thanh niên và có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng.
\Các tình nguyện viên đến lắp đặt đường dây, thay thế sửa chữa các thiết bị điện cho các hộ nghèo tại xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh, tỉnh Bắc Giang |
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, hàng năm, chiến dịch thanh niên tình nguyện với nhiều nội dung thiết thực như xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị, tiếp sức mùa thi, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi; hoạt động đền ơn đáp nghĩa; chăm sóc sức khỏe cộng đồng... đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của thanh niên. “Các hoạt động này đều được xã hội quan tâm theo dõi, ủng hộ và đánh giá cao; các chỉ tiêu đề ra đều cơ bản đạt và vượt mức đề ra”, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh.
Tiêu biểu, riêng trong năm 2013, đoàn viên, thanh niên tình nguyện đã phối hợp với nhân dân địa phương làm mới và sửa chữa được gần 1.300 km đường giao thông nông thôn; xây mới và sửa chữa được trên 2.300 nhà văn hóa, điểm vui chơi tại nhiều địa phương trong cả nước. Đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe vì cộng đồng, Trung ương Đoàn chỉ đạo tổ chức "Ngày hội thanh niên hiến máu tình nguyện" với thông điệp "Chung dòng máu trẻ - Vì sức khỏe cộng đồng" với 15.000 người tham gia đăng ký hiến máu, hiến tại chỗ được gần 2.000 đơn vị máu. Trung ương Hội LHTN Việt Nam cùng Viện Huyết học truyền máu Trung ương tổ chức "Hành trình đỏ" tiếp nhận hơn 17.000 đơn vị máu của đoàn viên, thanh niên cả nước, tạo hiệu ứng xã hội tích cực.
Đặc biệt, tại các tỉnh giáp biên, những chương trình xung kích của tuổi trẻ đã góp phần tích cực cải thiện đời sống người dân. Nhờ có phong trào khai hoang đất làm lúa nước nên từ năm 2013 đến nay người dân xã La Êê, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) không còn tình trạng thiếu lương thực triền miên như các năm trước. Ông Zơ Râm Huấn, Chủ tịch UBND xã La Êê chia sẻ, ngày trước bà con chỉ biết trồng cây bắp, cây lúa rẫy và phụ thuộc vào nguồn nước trời nên mùa vụ thường bấp bênh, người dân không đủ ăn. Việc đoàn thanh niên về khai hoang mở rộng diện tích và hướng dẫn kỹ thuộc gieo trồng, chăm sóc cây lúa nước giúp bà con học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm.
Cơ hội để cống hiến, rèn luyện
Anh Đào Văn Hưng, Bí thư Đoàn trường Đại học Thủy lợi cho biết, ngay từ khi phong trào thanh niên tình nguyện được phát động trên toàn quốc, trường Đại học Thủy lợi đã triển khai được nhiều chương trình, hành động cụ thể, thu hút được đông đảo sinh viên trong trường tham gia. Qua mỗi năm tổ chức, phong trào tình nguyện không ngừng phát triển về quy mô và tính chất. “Ban đầu, trường chỉ tổ chức những chương trình mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi… nhưng những năm gần đây Đoàn trường đã mở rộng thêm các hoạt động như thăm hỏi gia đình thương binh liệt sĩ, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, sửa chữa nâng cấp tuyến đường nông thôn (tại xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Tại các địa phương này, chúng tôi còn hỗ trợ bà con vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Lượng sinh viên đăng ký mỗi đợt tình nguyện lên tới vài trăm người nhưng vì nguồn lực có hạn, chúng tôi chỉ tuyển chọn được 1/2 hay 1/3 so với con số đó”, anh Hưng cho biết.
Đến với những hoạt động tình nguyện, thanh niên không những được trải nghiệm, rèn luyện và cống hiến mà thông qua đó bản thân người trẻ cũng trưởng thành hơn. Bạn Hoàng Diệu Thúy, sinh viên trường Đại học Sư phạm (Hà Nội) cho biết, bạn đã ‘lãi lớn” khi tham gia các hoạt động tình nguyện. “Trước kia, em khá nhút nhát và ít bạn nhưng sau khi tham gia những chương trình tình nguyện do Đoàn trường tổ chức như: mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi... em đã tự tin lên rất nhiều. Thông qua các hoạt động tập thể, em cũng học được cách tổ chức công việc, lập kế hoạch, làm việc theo nhóm sao cho hiệu quả... Đây là những kỹ năng không phải dễ dàng có được trên lớp mà phải thông qua trải nghiệm, lăn lộn thực tế mới đúc rút ra được”, bạn Thúy chia sẻ.
Để phát triển bền vững hoạt động tình nguyện, nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian tới cần hoạt động đi vào chiều sâu, phù hợp với từng địa bàn. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn cần nâng cao năng lực và khả năng kết nối trong tổ chức phong trào thanh niên tình nguyện đồng thời tích cực tham mưu cơ chế chính sách đối với các hoạt động ý nghĩa này. Bà Đoàn Thị Bích Điểm, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên cho rằng, nếu sẵn sàng tham gia tình nguyện sẽ không mấy ai đòi hỏi quyền lợi nhưng cơ chế và chính sách cụ thể của Nhà nước dành riêng cho phong trào này cần tạo ra môi trường, ghi nhận vai trò và tôn vinh xứng đáng những đóng góp của tình nguyện vào sự phát triển của cộng đồng, xã hội.