Sau khi sang Pháp định cư năm 1993, tháng 5/2014, bà chính thức đệ đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ cung cấp chất độc hóa học cho quân đội, làm bà, con cháu cùng hàng triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam - dioxin. Bà coi đây là cống hiến cuối cùng của đời mình, dù biết rằng đây là cuộc chiến gian nan, thách thức sức khỏe và tuổi tác.
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 - 12/10/2020), nhóm phóng viên TTXVN tại Pháp đã được bà chia sẻ những ký ức không thể nào quên về những năm tháng làm phóng viên TTXGP, cũng như quyết tâm đòi lại công lý cho các nạn nhân chất độc da cam -dioxin Việt Nam.
Bài 1: Dấu ấn phóng viên Thông tấn xã Giải phóng
Bà Trần Tố Nga đã trở thành phóng viên TTXGP vào năm 24 tuổi một cách tình cờ. Đầu năm 1966, bà nhận nhiệm vụ vượt dãy Trường Sơn cùng với đoàn giáo viên miền Bắc về thực hiện công tác giáo dục cho vùng giải phóng ngày càng mở rộng trong miền Nam. Sau 4 tháng đi đường, đoàn đến căn cứ Trung ương Cục miền Nam khi chiến tranh đã thay đổi cục diện, với sự tham gia trực tiếp của quân đội Mỹ. Máy bay Mỹ tăng cường đánh phá các vùng giải phóng, không còn nhiều học sinh để dạy, đoàn giáo viên được phân bổ về các cơ quan khác nhau của chiến khu. Tháng 5/1966, bà Tố Nga được cử về TTXGP, nơi làm việc đầu tiên của bà để phục vụ công cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam.
Bà tâm sự: "Tôi luôn ghi nhớ hình ảnh người thủ trưởng đầu tiên, ông Võ Nhân Lý, với bài học đầu tiên là +Không nói nhiều, lắng nghe và suy nghĩ+, điều đã trở thành phương châm sống của tôi cho đến bây giờ".
Vì không có nghiệp vụ báo chí, bà Tố Nga được phân công về tổ Tư liệu. Công việc hằng ngày rất đơn giản, chỉ là chép lại các tin, nên bà thấy hơi buồn song vẫn hoàn thành tất cả mọi việc khác được giao như tải gạo, cất nhà, đào giếng, làm hầm trú ẩn, nấu cơm. Cuộc sống thường nhật thay đổi khi bà được phép đi thăm mẹ đẻ là Nguyễn Thị Tú, Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam (bà Nguyễn Thị Tú là liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ).
"Trong gần hai tháng bên mẹ, mẹ đã hướng dẫn tôi các kinh nghiệm viết báo và cho phép tôi viết tin hằng ngày cho Ban Tuyên huấn Sài Gòn – Gia Định", bà kể. Trở về cơ quan Thông tấn xã ở Trung ương Cục, bà được cử đi Dân Y làm phóng viên tập sự. Chứng kiến những tấm gương dũng cảm và cả những đau khổ khôn cùng của con người trong chiến tranh, bà đã tập viết rất nhiều trong nỗi xúc động sâu sắc.
Một bước ngoặt lớn đã đến khi bà Tố Nga được tham gia đoàn phóng viên của TTXGP đưa tin và viết bài về Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ diệt Mỹ Các Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ hai, tổ chức vào tháng 9/1967. Đường đi rất dài, đoàn phải vượt qua những khu rừng già mà quân đội Mỹ đã rải chất độc da cam-dioxin để phá hủy nơi trú ẩn của quân giải phóng. Bị chất diệt cỏ tàn phá, lá rơi thành tấm thảm dày, mùa mưa biến thành đầm lầy lõng bõng đến đầu gối. Bà nhớ lại: "Chúng tôi hồn nhiên lội, không hề nghĩ rằng đang tẩm mình trong chất độc".
Một tháng lặn lội rừng thiêng nước độc đã gây hậu quả nặng nề. Hầu hết người trong đoàn ngã bệnh hoặc đuối sức. Trên đường trở về, bà Tố Nga đã chứng kiến và chôn cất nhiều đồng nghiệp hy sinh vì bom giặc, trong đó có nhà nhiếp ảnh kỳ cựu, phó tiểu ban TTXGP Bùi Đình Túy. Về đến cơ quan, bà tập trung viết bài về người nữ anh hùng Kan Lịch, dân tộc Pa Kô, người đã nằm phơi sương nắng suốt 12 ngày đêm liền để quan sát mọi hoạt động và lập kế hoạch diệt sân bay địch. Sửa đi sửa lại ba lần, bài viết đầu tiên của bà với tư cách là phóng viên TTXGP đã được thủ trưởng Võ Nhân Lý duyệt và được gửi ra Hà Nội bằng điện đài. Cũng từ đó, bà chính thức được giao viết tin và bài để chuyển ra miền Bắc.
Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân nổ ra, các phóng viên được cử ra tiền tuyến với các đơn vị chiến đấu để có thể đưa tin nhanh và chính xác. Bà Tố Nga mang thai nên ở lại hậu cứ, làm việc thay những người ra trận. Tin tức dồn dập, chiến thắng có, thất bại có, song khí thế của cuộc kháng chiến liên tục dâng cao. Rất nhiều phóng viên của TTXGP hy sinh ngoài mặt trận. Bà xúc động nhớ lại: "Khi đi, các bạn gửi lại cho tôi giữ giùm những vật kỷ niệm của mình, đặt trong thùng đạn đại liên. Lòng tôi đau như cắt mỗi lần trao lại một thùng như vậy cho gia đình các bạn".
Nỗi đau da cam chính thức bước vào cuộc đời bà, sau khi người con gái đầu lòng ra đời vào cuối tháng 6/1968 với căn bệnh tim bẩm sinh mang tên tứ chứng Fallot. Da chuyển màu tím tái do thiếu oxy, cháu bé thường xuyên hít thở rất khó khăn. Bà nghẹn ngào: "Tôi đã nhiều đêm tự dằn vặt với câu hỏi mình đã làm gì để con phải chịu nỗi bất hạnh lớn lao này". Vượt qua muôn vàn khó khăn, bà vừa chăm sóc con gái nhỏ ốm yếu, vừa tham gia lớp tập huấn báo chí và sau đó cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của một phóng viên tổ Tin.
Sau Đại hội thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, tháng 6/1969, bà đưa con gái gửi cho tổ chức nhân đạo Terre des Hommes có trụ sở chính tại Thụy Sĩ, với hy vọng con được cứu chữa. Song cháu bé quá yếu và đã lìa đời vài tháng sau đó. Bà khẳng định: "Vì đâu nên nỗi ? Vì sao con tôi phải chịu căn bệnh hiểm nghèo, chỉ sống được 17 tháng trên đời ? Mãi 40 năm sau, câu hỏi này mới có lời đáp. Chính chất độc da cam - dioxin mà máy bay Mỹ đã rải khắp cánh rừng miền Nam đã giết con tôi".
Cuộc đời phóng viên cũng kết thúc vào năm 1969, khi bà Tố Nga từ giã TTXGP về làm cán bộ nghiên cứu của Tiểu ban Giáo dục. Bà chia sẻ: "Hơn 3 năm làm phóng viên là quãng thời gian không dài, song đã rèn luyện tôi rất nhiều để có được bản lĩnh ngày hôm nay". Bà không thể quên những lần ra trảng hái hoa dại để kết thành những vòng hoa làm lễ tưởng niệm các đồng nghiệp. Bà nhấn mạnh: "Các bạn đã sống xong cuộc đời ngắn ngủi của mình vì đất nước. Chúng tôi, những người còn sống, sẽ bước tiếp con đường chúng ta đã cùng đi. Đó là điều không bao giờ thay đổi". Quyết tâm này luôn song hành cùng bà suốt hơn 10 năm qua, tiếp thêm nghị lực để bà theo đuổi cuộc chiến pháp lý kéo dài, chống lại những công ty sản xuất các chất diệt cỏ mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh, vì công lý cho gần 5 triệu nạn nhân chất độc da cam-dioxin ở Việt Nam.
Bài 2 : Cuộc tranh đấu cuối cùng của cuộc đời