Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn và ghi lại được những suy nghĩ và tình cảm của những người đã từng tham gia Thông tấn xã Giải phóng.
Bà Triệu Thị Thùy, nguyên Quyền Giám đốc Văn phòng Đại diện TTXVN khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nguyên phóng viên lớp GP10 xúc động cho biết: “Phấn khởi, tự hào được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang của Thông tấn xã Giải phóng do Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng, chúng tôi những phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên của Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ thấy mình như trẻ hẳn ra. Chúng tôi như được sống lại những năm tháng mà chúng tôi sẽ không bao giờ quên trong cuộc đời mình. Ngày 12/10/1960, bản tin đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng được phát đi, đánh dấu sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng, là cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có nhiệm vụ phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh xu thế ngày càng lớn mạnh của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam lúc bấy giờ”.
Bà Thùy nhớ lại: “Ngay từ cuối năm 1960, Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ đã có hai bộ phận nghiệp vụ: bộ phận thông tin và bộ phận kỹ thuật. Tin, bài của phóng viên được phát thẳng ra Hà Nội (Việt Nam Thông tấn xã) và cho Tổng xã TTXGP (LPA). Những trận đánh lớn, đặc biệt là trận thắng Núi Thành (Quảng Nam) năm 1965, trận đầu thắng Mỹ trên chiến trường miền Nam, đã được TTXGP Trung Trung Bộ phản ánh kịp thời chứng minh với nhân dân trong nước và nhân dân thế giới “Việt Nam dám đánh Mỹ và thắng Mỹ”. Những năm tháng sau đó, lực lượng của TTXGP Trung Trung Bộ ngày càng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, trở nên lớn mạnh đảm bảo được vai trò của mình trong ngày trọng đại: giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975”.
Bà tâm sự: “Thời gian trôi qua thật nhanh, lớp phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên của TTXGP năm xưa trẻ măng giờ đều đã da mồi, tóc bạc, người còn người mất nhưng khí thế hừng hực của một thời tuổi trẻ sục sôi vẫn còn mãi trong con người mỗi chúng tôi. Chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước, đã quan tâm tặng danh hiệu cao quý này cho TTXGP. Chúng tôi cũng rất biết ơn các đồng chí lãnh đạo của TTXVN đã đề nghị để chúng tôi có được cơ hội này. Niềm vui và hạnh phúc của chúng tôi trong ngày hôm nay thật khó diễn tả bằng lời…”.
Ông Vũ Xuân Bân, nguyên Trưởng Ban biên tập tin Trong nước, nguyên phóng viên lớp GP10, tâm sự: “Thời gian trôi đi rất nhanh khi mới ngày nào, các “cử nhân” được tuyển về cơ quan TTXVN, ngơ ngác bước đến cổng số 5 Lý Thường Kiệt (Hà Nội) tuổi mới đôi mươi, mái tóc còn xanh. Đến nay, anh chị em phóng viên GP10 đều đã U70, U80, đã bước sang dốc bên kia của cuộc đời, tóc đều đã ngả màu bạc trắng. Chúng tôi đều đã về nghỉ hưu, không còn phân biệt ngôi thứ, chức tước, trở về đời thường làm người “dân vạn đại”, sức khỏe ngày một suy giảm, mỗi người đều mang trong mình một bệnh, chẳng ai giống ai. Những khi trái gió trở trời thường bị ốm đau, nhức mỏi…".
Ông Bân xúc động kể lại: “Còn nhớ mùa Thu năm 1972, dưới mưa bom bão đạn của giặc Mỹ, chúng tôi vừa tốt nghiệp các trường đại học ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, được tuyển chọn về TTXVN học thêm nghiệp vụ phóng viên để đi chiến trường. Theo tiếng gọi thiêng liêng giải phóng miền Nam, với tuổi đời ngoài hai mươi tràn đầy sức sống, có tri thức, không hề so đo tính toán cá nhân; biết là gian khổ hy sinh, nhưng phóng viên GP10 là thế hệ thanh niên Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thuỳ Trâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”… đều với tinh thần tự nguyện, sẵn sàng đi làm nhiệm vu khi tổ quốc cần. Đây là lớp phóng viên chiến trường của TTXVN với quy mô lớn nhất, chất lượng, chi viện cho cách mạng miền Nam đang trong giai đoạn quyết liệt nhất và quyết định nhất - trận đánh cuối cùng. Trong số 149 phóng viên GP10, có 123 phóng viên nam, 26 phóng viên nữ, ngoài ra còn có các điện báo viên, kỹ thuật viên ảnh chính thức lên đường tham gia các mặt trận từ Quảng Trị đến mũi Cà Mau. Có một số anh chị em được ở lại miền Bắc cũng đã nhận nhiệm vụ đi thường trú ở các địa phương; giúp nước bạn Lào, làm nhiệm vụ trong Ban liên hợp quân sự 4 bên ở trại Đa vít Sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn), bổ sung vào các đoàn phóng viên từ Hà Nội tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử… Ngày 16/3/1973, đánh dấu bước ngoặt không bao giờ quên của phóng viên GP10, một vinh dự không phải ai cũng có được. Đó là ngày chúng tôi rời miền Bắc thân yêu với cây bút, quyển sổ và máy ảnh trên tay lên đường ra mặt trận, đối mặt với sự hy sinh, gian khổ, nhưng rất đỗi tự hào”.
Ông Bân cho biết: “Ngẫm nghĩ lại những ngày làm việc tại TTXGP, khi mà chúng tôi vừa phải làm rẫy vừa làm phóng viên, biên tập tin, ảnh, không ít người bị sốt rét rừng run bần bật, nhiều lúc không được cung cấp gạo, thực phẩm kịp thời phải ăn đậu xanh cả tuần, bụng đói cồn cào. Rồi những tháng ngày, chúng tôi làm phóng viên chiến trường ở địa bàn Bình Trị Thiên khói lửa, Tây Nguyên và Trung Trung Bộ đói cơm, nhạt muối, khốc liệt, miền Đông Nam Bộ “gian lao mà anh dũng”, sốt rét triền miên, Đồng bằng sông Cửu Long, rừng U Minh cực Nam của Tổ quốc quanh năm sống cùng cây đước, cây tràm trong vùng ngập nước và đặc biệt là tham gia năm mũi tiến công vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Phóng viên TTXGP đã có mặt kịp thời phản ánh những tin tức, hình ảnh chiến đấu và chiến thắng của quân, dân miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” làm náo nức lòng người, cùng cả nước một thời hào hùng, một thời đi vào lịch sử chói lọi của dân tộc, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975. Trong cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt đã có những đồng đội ngã xuống không còn có mặt trong ngày đón danh hiệu Anh hùng hôm nay, một số là thương binh đã để lại một phần máu xương tại chiến trường miền Nam. Sự hy sinh, mất mát thật lớn lao. Xin thắp một nén hương tưởng nhớ hai nhà báo liệt sĩ Trần Viết Thuyên và Phạm Thị Kim Oanh lớp phóng viên GP10 cùng hơn 260 Nhà báo liệt sĩ của TTXVN đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và chủ quyền lãnh hải đất nước, chiếm 2/3 nhà báo liệt sỹ của cả nước. Trong thời chiến cũng như trong thời bình, dù ở vị trí công tác nào, lớp phóng viên GP10 đều cần mẫn, năng nổ, hăng hái làm việc, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều người từng là cây viết chủ lực tại các Ban biên tập, tòa soạn các ấn phẩm, trưởng các cơ quan đại diện TTXVN ở trong và ngoài nước”.
Ông Bân tâm sự: “Chiến tranh lùi xa gần nửa thế kỷ, TTXGP được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, là dịp gợi nhớ lại những tháng năm gian lao kháng chiến, ác liệt, tình đồng chí, đồng đội, tình yêu thương của người dân, đã giúp chúng ta củng cố niềm tin tất thắng, có thêm nghị lực, dũng khí, vững vàng trên vị trí phóng viên TTXVN, người lính xung kích trên mặt trận chính trị tư tưởng, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc để đất nước có ngày hôm nay. Đúng như Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi đánh giá: “Sự đóng góp của phóng viên lớp GP10 đối với sự nghiệp vẻ vang của TTXVN rất có ý nghĩa. Rõ ràng, các anh chị lớp GP10 là một trong những lớp phóng viên “liền anh, liền chị” đã nêu một tấm gương sáng không quản ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân khi Tổ quốc cần cho sự nghiệp vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà thế hệ trẻ hôm nay và kế tiếp luôn luôn biết trân trọng, phát huy để không bị “tụt hậu”, tiếp tục vươn lên, đưa sự nghiệp TTXVN không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trang sử hào hùng vẻ vang của TTXVN mãi mãi ghi nhớ sự đóng góp cao quý của phóng viên lớp GP10 và các thế hệ phóng viên, biên tập viên lớp trước”.
Ông Đoàn Văn Thiều, nguyên Phó chánh văn phòng TTXGP, một trongnhững điện báo viên đầu tiên của TTXGP ngày ấy, cho biết: “Cách đây tròn 60 năm, ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh, TTXGP chính thức ra đời. Để có thể đáp ứng được nhu cầu của công việc trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, khó khăn ở căn cứ, không có cách nào khác, những điện báo viên – cán bộ kĩ thuật chúng tôi phải nỗ lực hết mình. Những tháng ngày mới vào chiến khu, học phát tín hiệu morse, chỉ có một máy phát tín hiệu morse (gọi là máy ma-níp), do vậy để có đủ máy cho các học viên tập phát tín hiệu, tôi và đồng nghiệp đã lấy cây rừng đẽo gọt làm ma -níp mô hình. Không có lò xo thép, chúng tôi dùng dây thun cao su thay thế chức năng đàn hồi của lò xo cho máy mô phỏng. Chính trên “Những chiếc ma-níp gỗ” này, các điện báo viên tập sự đã tranh thủ luyện tập, gõ cho quen tay, nhanh, đều để không bị sai tín hiệu, nhanh chóng trở thành các điện báo viên thành thạo công việc. Chúng tôi vừa tự học, vừa thay phiên nhau quay máy magono để duy trì làn sóng điện”.
Ông Thiều kể lại: “Lúc bấy giờ chiến tranh gian khổ ác liệt, luôn đối diện với những hi sinh nhưng các đồng chí, đồng đội của tôi đã không chùn bước, đảm bảo nhiệm vụ thu và phát tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời những sự kiện quan trọng trong nước và thế giới, từng bước góp phần đưa TTXGP phát triển không ngừng. Trong những năm tháng chiến tranh, rất nhiều đồng chí, đồng nghiệp của tôi đã hy sinh và nhiều người cũng đã phải để lại một phần máu xương ở trên chiến trường; riêng tôi may mắn là một trong những người luôn có mặt trong đội hình TTXGP từ ngày TTXGP ra đời cho đến khi TTXGP hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang, được sáp nhập với Việt Nam Thông tấn xã”.
Ông bồi hồi tưởng nhớ những đồng chí, đồng nghiệp đã anh dũng hy sinh để bảo toàn căn cứ, thực hiện nhiệm vụ thông tin trên chiến trường, đặc biệt nhớ đến đồng chí Đỗ Văn Ba (thường gọi thân mật là anh Ba Đỗ), người đã phát đi bản tin đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng vào ngày 12/10/1960, đánh dấu son về sự ra đời TTXGP “Tiếng nói chính thức của những người yêu nước miền Nam Việt Nam”. Nhắc đến TTXGP, ông không khỏi bồi hồi xúc động: “Đã 60 năm trôi qua, với tôi, hình ảnh và thời khắc bản tin đầu tiên của TTXGP được phát đi, chính thức ra đời vẫn còn mãi in đậm trong ký ức. Có 6 người tại buổi phát tin đầu tiên đó là anh Đỗ Văn Ba, anh Phùng Văn Dựng, anh Đặng Văn Song, anh Võ Văn Khuê, anh Trương Văn Phia và tôi. Bản tin được chúng tôi phát bằng một chiếc máy phát Trung Quốc. Bàn ghế cũng chưa có, nên mọi người đều ngồi trên một chiếc tăng vải. Lúc đó, ngoài anh Ba Đỗ thì những người còn lại đều người mới, chưa biết gì nhiều về kỹ thuật điện báo.
Hôm đó, anh Song thì quay magoro, anh Ba Đỗ phát tin còn chúng tôi vừa tò mò vừa hồi hộp ngồi xung quanh quan sát hỗ trợ. Lúc đó cũng không biết rõ bản tin đó có nội dung gì, vì anh Ba Đỗ cầm giấy phát tin. Chỉ biết đó là bản tin đầu tiên, phát lên để chứng tỏ sự có mặt của ta và chỉ ngay ngày hôm sau đài BBC đưa tin về sự ra đời của TTXGP. Và cũng kể từ hôm đó, các bản tin của ta được liên tục được truyền đi với khẩu hiệu “duy trì làn sóng điện không bao giờ tắt”. Có thể nói, buổi phát tin đầu tiên chỉ có mười mấy phút vào buổi chiều ngày 12/10/1960 nhưng đã trở thành dấu mốc đánh dấu sự ra đời của TTXGP, trở thành dấu ấn đầy tự hào của các thế hệ cán bộ Thông tấn xã Giải phóng chúng tôi. Và đến hôm nay, đã được ghi vào lịch sử dân tộc là một đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Một danh hiệu vô cùng cao quý. Với cá nhân tôi cũng như nhiều anh em từng làm việc, cống hiến cho TTXGP và cả những người vì những điều kiện khác nhau không thể đến tham dự trực tiếp được, đặc biệt là những anh em đã ngã xuống, ra đi trước sự kiện đặc biệt hôm nay, mãi luôn tự hào là một thành viên của mái nhà chung Thông tấn, đã có đóng góp một phần cuộc đời mình cho sự nghiệp phát triển của ngành Thông tấn trong quá trình xây dựng và phát triển suốt 75 năm qua.
Ông Nguyễn Thanh Bền, nguyên Quyền Trưởng phòng tin Đô thị TTXGP cho biết: “TTXGP là bộ phận tiền phương của VNTTX ở miền Nam chống Mỹ, mỗi phóng viên tin, ảnh, kỹ thuật điện đài và nhân viên của TTXGP đều là những chiến sĩ. Ông nhớ lại bộ phận điện đài vì bảo mật phải ở cách xa phóng viên khoảng 2 giờ đi bộ (tránh giao hội địch phát hiện), phóng viên phải chạy bộ lần theo đường dây điện thoại để phát tin, thiếu giấy, đem bản viết cũ xuống suối rửa sạch chữ phơi khô, dùng lại; nhiều lúc viết tin phải kê lên đùi viết trong ánh sáng chập chờn hỏa châu của địch; vừa viết tin, vừa cảnh giác máy bay biệt kích địch. Phóng viên cũng vừa là biên tập, nên phương châm: viết ngắn gọn, đầy đủ, nhanh chóng để rút ngắn thời gian phát tin, tránh nguy hiểm cho báo vụ".
Ông nhớ lại: “Đợt 30/4/1975, tôi đóng sẵn quyển sổ giấy trắng, viết xong trang nào xé ra đưa phát ngay; phát xong tin đầu tiên lúc 8 giờ tối “Sài Gòn vài giờ sau giải phóng" có những dòng tin đột ngột bị cắt ông biết có phóng viên hoặc báo vụ hy sinh. Ông cho biết, phóng viên TTXGP ngoài sự nhanh nhẹn có rất nhiều sáng tạo như đi chiến trường thu gọn điện đài trong thùng đạn đại liên của Mỹ để dễ chôn cất và không bị vô nước; hoặc cách điện báo viên thử điện bằng tay. Tin chiến thắng của TTXGP phát nhanh hơn đài BBC khi bộ đội ta chưa về tới căn cứ".
Ông tự hào kể lại: “Làn sóng điện TTX không bao giờ tắt” đó là mệnh lệnh của TTXGP. Có 12/33 liệt sĩ là phóng viên tin, ảnh (riêng chiến dịch Mậu Thân năm 1968 có 6 phóng viên đã hi sinh). Có nhiều tổ TTXGP bị bom xóa sổ, như ở Long An, khu 10, Rạch Giá (chưa tính hàng mấy chục liệt sĩ ở các phân xã địa phương). TTXGP được Trung ương cục miền Nam tặng thưởng 16 chữ vàng: “Cần cù dũng cảm, Tự lựccánh sinh, Khắc phục khó khăn, Hoàn thành nhiệm vụ” và Huân chương Giải phóng hạng nhất, Huân chương Thành đồng hạng nhì.
Ông phấn khởi cho biết: “Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước phong tặng cho TTXGP là điều kỳ vọng bao năm của các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên TTXGP, của TTXVN và Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam và nhân dân miền Nam. Ông bày tỏ sự xúc động và tâm sự rằngvinh quang lớn lao này trước tiên thuộc các đồng chí liệt sĩ anh hùng của TTXGP của chúng ta, những người đã làm nên kỳ tích anh hùng của Thông tấn xã Giải phóng”.