Với nhan đề “Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc”, bài viết đánh giá cao vai trò, vị thế quốc tế, cũng như những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong nhiều năm qua, đồng thời nhấn mạnh tới chương trình làm việc hiệu quả và tích cực của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ).
Cụ thể, tại Phiên thảo luận chung cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 76 với chủ đề “Cùng vững tin và tự cường - Hướng tới phục hồi sau COVID-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ Liên hợp quốc”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đại dịch đã làm bộc lộ rõ hơn bao giờ hết những hạn chế và khiếm khuyết của quản trị toàn cầu và cho thấy bất bình đẳng vẫn tồn tại trên thế giới. Để chiến thắng đại dịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề xuất các giải pháp thiết thực như gỡ bỏ rào cản trong việc phân phối vaccine toàn cầu, trong đó ưu tiên các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp; thúc đẩy toàn diện hợp tác kinh tế thương mại để khôi phục kinh tế thế giới hậu đại dịch; đẩy nhanh chuyển đổi số; tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế…
Bài viết cũng đánh giá cao quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phát thải ít carbon và phát triển kinh tế xanh bền vững đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong bài phát biểu tại Phiên họp cấp cao Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về an ninh khí hậu. Những điều này, theo tác giả Grigory Trofimchuk, đã được thể hiện rõ trong các hành động có trách nhiệm của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Một trong số đó là việc Chính phủ Việt Nam đã đưa ra đề án trồng 1 tỷ cây xanh từ nay đến năm 2025, qua đó giúp hấp thụ khoảng 3% lượng khí thải độc hại.
Cũng trong bài viết, tác giả Grigory Trofimchuk còn khẳng định Việt Nam đã đưa ra những đề xuất mang tính đột phá tại Hội nghị thượng đỉnh các hệ thống lương thực của LHQ. Là quốc gia có thiên nhiên và khí hậu đặc biệt, cho phép canh tác quanh năm, cùng với những kinh nghiệm làm nông nghiệp hàng nghìn năm, Việt Nam biết cách phân bổ lao động trong kỷ nguyên lương thực mới. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên số với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ làm chủ công nghệ cao. Đây là điều kiện cần thiết để Việt Nam phát triển bền vững trước mọi bất ổn kinh tế và tài chính toàn cầu.
Về vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, tác giả cho rằng Việt Nam đã đạt đến tầm cao mới, thể hiện rõ qua những đóng góp trên cương vị Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021 khi thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn, cũng như trong các hoạt động của ASEAN.