Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, lý giải về thành công của Việt Nam, hãng tin ABC cho biết ngay từ đầu của đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã vào cuộc nhanh chóng và quyết liệt để chống lại đại dịch. Tháng 6/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá ngay từ giai đoạn đầu, Việt Nam đã thông tin rất minh bạch về dịch bệnh.
Guy Thwaites, Giám đốc Cơ sở nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Việt Nam đã quen với các bệnh truyền nhiễm… đã có nhiều đợt bùng phát các bệnh truyền nhiễm trong 20 năm qua. Cách ứng phó của Việt Nam không phải là cách ứng phó công nghệ cao, mà là cách ứng phó rất nhanh và được tổ chức rất tốt".
Trong đợt dịch thứ hai này, theo Giáo sư Thwaites, nhà chức trách Việt Nam đã thực hiện tất cả những biện pháp đơn giản đã làm lần trước nhưng với quy mô lớn hơn và rất nhanh chóng. Điểm khác biệt là trong lần này, là việc lấy mẫu được tiến hành theo nhóm 5 hoặc 6 người để được xét nghiệm cùng một lúc. Nếu có kết quả dương tính, tất cả các mẫu sẽ được xét nghiệm riêng. Tất cả các thành viên trong mỗi gia đình tham gia một mẫu xét nghiệm. Các cộng đồng hoặc các khu vực có các ca nhiễm được phát hiện sẽ được ưu tiên xét nghiệm trước. Theo Giáo sư Thwaites, "bằng cách đó, họ có thể xét nghiệm tương đương với khoảng 100.000 người thông qua khoảng 20.000 xét nghiệm. Điều này cho phép tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc".
Jos Aguiar, một người Australia làm việc cho một công ty bất động sản Việt Nam tại Đà Nẵng, cho rằng các biện pháp chống dịch tại thành phố này thực hiện nghiêm ngặt hơn nhiều so với lần trước. Nhà chức trách nhanh chóng cách ly ngay khi phát hiện một ca dương tính với SARS-CoV-2. Ông Aguiar bày tỏ "hài lòng với cách xử lý của Việt Nam".
Nghiên cứu về cách ứng phó với đại dịch của người dân Việt Nam của Trần Bá Linh, Đại học Bath, và Robyn Klingler-Vidra, Đại học King's College London, cho biết người dân Đà Nẵng đã "quyên góp tiền, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho bệnh viện lớn nhất của thành phố, nơi là tâm điểm của đợt sóng lây nhiễm thứ hai này. Sau khi xuất viện, một bệnh nhân thậm chí còn cùng bạn bè thành lập quỹ từ thiện để sản xuất các sản phẩm khử trùng và vệ sinh cho các bệnh viện trong và xung quanh Đà Nẵng”.
Vào đầu tháng 9 này, các chuyến bay đến thành phố Đà Nẵng đã được nối lại và các bãi biển tại thành phố đã mở cửa trở lại.
ABC cũng nhận định thiệt hại kinh tế do COVID-19 gây ra cho Việt Nam không nghiêm trọng như các nước láng giềng trong khu vực. Công ty tư vấn quốc tế PricewaterhouseCoopers cho biết Việt Nam vẫn được dự đoán là một trong số ít quốc gia sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2020, trong khi phần còn lại của thế giới đang rơi vào suy thoái. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 1,8% trong năm nay, trở thành một trong những nền kinh tế Đông Nam Á duy nhất không bị tăng trưởng âm.
Hai nhà nghiên cứu Trần Bá Linh và Tiến sĩ Klingler-Vidra cho biết: "Hầu hết mọi người dân đều có ý thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân, vì vậy không có cảm giác bị bắt buộc phải làm bất cứ điều gì. Khẩu trang, giãn cách xã hội, cách ly... không bị chính trị hóa, mà chỉ đơn giản là công cụ và biện pháp để giữ an toàn cho bản thân và những người thân”.